GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦN II)

Đăng ngày: 16-12-2024, 08:49

2. Các vấn đề liên quan đến di sản quá khứ trong quan hệ Nhật – Hàn dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe

1. Vấn đề về phụ nữ mua vui

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua chính là vấn đề về những nô lệ tình dục Hàn Quốc bị ép buộc phục vụ, mua vui cho quân đội Nhật Bản trong suốt thời gian bán đảo Triều Tiên bị quốc gia này chiếm đóng và sáp nhập (1910 - 1945). Hàn Quốc từng nhiều lần kêu gọi Nhật Bản đưa ra lời xin lỗi công khai và bồi thường cho các nạn nhân nhưng Nhật Bản vẫn giữ thái độ im lặng và khẳng định rằng những điều này thuộc quy ước thuộc địa năm 1910 - 1945 được áp dụng trên bán đảo Triều Tiên.

Cho đến hiện tại vấn đề “phụ nữ mua vui” cùng với việc tranh chấp đảo Dokdo/Takeshima được xem là hai khúc mắc lớn nhất đưa quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản đi vào ngõ cụt và một khi chưa đạt được thỏa thuận về những vấn đề này, thế giới khó trông chờ vào một sự hợp tác toàn diện và ổn định hơn giữa hai nước lớn của châu Á. Tiến trình đàm phán về một lời xin lỗi thỏa đáng và bồi thường danh dự cho các “phụ nữ mua vui” này không chỉ tạo ra một làn sóng rộng rãi ở Hàn Quốc mà còn ở hàng loạt các nước trong khu vực đã từng chịu những mất mát dưới sự cai trị của Nhật Bản trong quá khứ. Những lời chỉ trích vẫn hướng về phía Nhật Bản khi chính quyền ông Shinzo Abe luôn tỏ ra hoài nghi về việc có hay không việc phụ nữ mua vui bị ép buộc làm nô lệ tình dục. Ngày 28 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đạt thỏa thuận đột phá về việc giải quyết vấn đề "phụ nữ mua vui". Các điểm chính của thỏa thuận phụ nữ mua vui như sau: (1) đây sẽ là thỏa thuận "cuối cùng và không thể đảo ngược" nếu Nhật Bản thực hiện đầy đủ các cam kết; (2) Nhật Bản gửi lời xin lỗi chính thức đến những “phụ nữ mua vui” và thừa nhận sẽ chịu trách nhiệm vì vấn đề này đã làm tổn hại đến danh dự và nhân phẩm của nhiều phụ nữ do sự tham gia của quân đội vào thời điểm đó; (3) Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập quỹ hỗ trợ những người phụ nữ mua vui trước đây và chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp một khoản tiền trị giá khoảng 1 tỷ yên Yên (8.3 triệu USD) cho quỹ này nhằm hỗ trợ nạn nhân còn sống sót, góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau mà các nạn nhân phải chịu đựng trong suốt 70 năm qua. Cả hai chính phủ sẽ hợp tác cùng thực hiện các dự án nhằm khôi phục danh dự và nhân phẩm cho các nạn nhân. (4) Hàn Quốc đồng ý sẽ ngừng chỉ trích Nhật về vấn đề này ở các diễn đàn quốc tế và sẽ di dời bức tượng biểu tượng cho các nô lệ tình dục thời chiến đặt trước cửa Đại sứ quán Nhật ở Seoul. Dựa trên thỏa thuận này, Quỹ Hòa giải và Hàn gắn đã được thành lập vào ngày 31 tháng 7 năm 2016 và từ ngày 14 tháng 10, quỹ này đã cung cấp 100 triệu won (khoảng 9 triệu yên) cho mỗi nạn nhân và 2.000 yên cho 199 gia đình của các nạn nhân đã qua đời.

Vấn đề này tưởng chừng đến đây đã được giải quyết tuy nhiên, thoả thuận này không nhận được sự đồng thuận của dư luận hai nước. Những người theo đảng bảo thủ của ông Shinzo Abe cho rằng đây là điều không cần thiết, còn công luận Hàn Quốc lên án thoả thuận này thực chất là sự bán rẻ phẩm giá của những nô lệ tình dục vì một vài lợi ích ngắn hạn. Những phong trào biểu tình đòi Nhật Bản công khai xin lỗi vẫn lan rộng tại Hàn Quốc và nhất là trước Đại sứ quán Nhật. Đầu năm 2017, Hàn Quốc đặt thêm một bức tượng phụ nữ mua vui, giống bức tượng ở Seoul, trước cổng lãnh sự Nhật Bản ở Busan. Chính phủ Nhật Bản đã ngay lập tức yêu cầu di dời đồng thời triệu hồi Đại sứ và Tổng lãnh sự tại Busan về nước trong 3 tháng.  “Thỏa thuận cuối cùng và không thể đảo ngược” cho vấn đề phụ nữ mua vui mà Nhật Bản đặc biệt mong đợi đã không đạt được. Tổng thống Park Geun-Hye bị Quốc hội luận tội và đình chỉ chức vụ vào ngày 9 tháng 12 năm 2016 và bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm vào ngày 10 tháng 3 năm 2017. Sau cuộc bầu cử ngày 9 tháng 5 năm 2017, ông Moon Jae-In được bầu làm tổng thống. Tại Hội nghị G20 diễn ra tại Đức năm 2017, khi Thủ tướng Shinzo Abe đề cập về vấn đề di dời bức tượng phụ nữ mua vui tại Busan và Seoul, Tổng thống Moon Jae-In đã đề cập đến quan điểm cứng rắn của người dân Hàn Quốc, ông cho rằng cần có thời gian và muốn ông Abe không đề cập đến vấn đề này .

Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Rà soát Lại Thỏa thuận Hàn-Nhật về vấn đề Phụ nữ Mua vui tại Bộ Ngoại giao vào ngày 31 tháng 7 năm 2017 và bắt đầu quá trình xem xét lại thỏa thuận. Vào ngày 27 tháng 12, lực lượng đặc nhiệm đã đưa ra kết luận rằng "trong quá trình đàm phán về vấn đề phụ nữ mua vui, cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người của phụ nữ trong thời chiến đã không được phản ánh đầy đủ, và thay vào đó, các cuộc đàm phán diễn ra như một giao dịch ngoại giao thông thường". Tuy nhiên, báo cáo không đề cập cụ thể về cách thức xử lý thỏa thuận này trong tương lai. Quỹ được thành lập đã rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Vào ngày 21 tháng 11 năm 2018, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố kế hoạch giải thể quỹ này, bất chấp sự phản đối từ phía Nhật Bản, quỹ đã chính thức bị giải thể vào ngày 5 tháng 7 năm 2019 .

Có thể thấy, tiến trình đàm phán của Hàn Quốc và Nhật Bản về việc sử dụng nô lệ tình dục trong chiến tranh khá bế tắc khi hai bên đều tỏ rõ quan điểm cứng rắn và không chịu nhượng bộ. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề lao động Hàn Quốc bị cưỡng bức làm việc cho các công ty Nhật Bản trong chiến tranh, vào ngày 30 tháng 10 năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết yêu cầu Công ty Thép Mới Nhật Bản (nay là Nippon Steel & Sumitomo Metal) phải bồi thường thiệt hại 100 triệu won (khoảng 1 tỷ yên) cho mỗi người đối với 4 công dân người Hàn Quốc. Đối với phán quyết này, chính phủ Nhật Bản cho rằng vấn đề này đã được giải quyết theo Hiệp định bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc năm 1965, đồng thời giải thích lập trường của mình cho các doanh nghiệp Nhật Bản có liên quan đến các vụ kiện tương tự và khuyến nghị họ không đáp ứng các yêu cầu bồi thường tương tự từ phía Hàn Quốc.

2. Vấn đề thăm viếng đền Yasukuni

Bên cạnh những khúc mắc về lịch sử và tranh chấp lãnh thổ, mối quan hệ chính trị giữa Hàn Quốc và Nhật Bản còn vấp phải những rào cản nổi lên từ những chuyến thăm viếng đền Yasukuni của các nguyên thủ quốc gia Nhật Bản. Đền Yasukuni là đền thờ 2,5 triệu người Nhật chết trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và các cuộc xung đột khác, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh như Tướng Hideki Tojo, người đã ra lệnh tấn công Trân Châu Cảng kéo theo sự tham chiến của quân đội Mỹ. Vì thế, cuộc thăm Yasukuni của các Thủ tướng Nhật Bản khiến dân Triều Tiên tức giận, chính phủ Hàn Quốc phản kháng dữ dội, báo chí Hàn Quốc lên án Nhật Bản, nhiều cuộc biểu tình chống Nhật đã nổ ra. Một vài nước láng giềng cũng chính thức lên tiếng phản đối các cuộc viếng thăm này từ năm 1985 vì họ xem đó là một nỗ lực để khơi gợi lại tinh thần quân phiệt Nhật Bản.

Từ năm 1979, đã có nhiều thủ tướng Nhật Bản đến viếng thăm đền Yasukuni. Trong đó thủ tướng Koizumi cũng là người viếng thăm ngôi đền này nhiều nhất với tần suất gần như là một năm một lần trong suốt nhiệm kỳ của mình (2001 - 2006) gây ra nhiều sóng gió ngoại giao giữa Nhật Bản với hai nước láng giềng là Hàn Quốc và Trung Quốc. Những vị Thủ tướng kế nhiệm sau đó của Nhật Bản cũng tỏ ra khá thận trọng với vấn đề này. Bằng chứng là cho đến trước khi ông Shinzo Abe nhậm chức, không có một Thủ tướng Nhật Bản nào viếng thăm ngôi đền Yasukuni.

Giữa lúc tình trạng căng thẳng tạm thời lắng dịu thì vào ngày 26 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Shinzo Abe đã tới thăm ngôi đền Yasukuni bất chấp những lời chỉ trích của các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc, những quốc gia luôn cho rằng đó là hành động “khơi lại vết thương chiến tranh”. Quan điểm của thủ tướng Shinzo Abe cũng giống với thủ tướng Koizumi khi cho rằng “nền hoà bình và thịnh vượng mà nước Nhật ngày nay được tận hưởng không được tạo ra chỉ bởi những người đang sống. Sự hoà bình và thịnh vượng đó được xây đắp bởi sự hi sinh quý giá của những người đã ngã xuống vì hạnh phúc cho những người họ thương yêu như vợ, con cái, và cả đấng sinh thành đã dưỡng dục họ”. Một loạt các nghị sĩ trong nhiệm kỳ của thủ tướng Shinzo Abe cũng liên tiếp tổ chức các cuộc viếng thăm đền Yasukuni. Không chỉ thế, vào ngày kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, vẫn có các chính trị gia Nhật Bản gửi đồ viếng hoặc trực tiếp đến viếng đền Yasukuni. Giữa làn sóng chỉ trích gay gắt, những người thuộc đảng bảo thủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã lên tiếng bênh vực hành động viếng thăm đền Yasukuni của các thành viên Nội các, đồng thời cho rằng đó chỉ đơn thuần là “lời chia buồn chân thành trước vong linh những người đã hi sinh mạng sống của mình cho tổ quốc”. Tuy nhiên, những lập luận của chính quyền Shinzo Abe không thể làm hài lòng và không hề có sức thuyết phục với Hàn Quốc. Ngay sau những phát ngôn đó, Hàn Quốc lập tức triệu hồi ngay đại sứ của mình về nước. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cũng có những bình luận dường như nhằm vào hành động thăm đền Yasukuni của các thủ tướng, bộ trưởng và nghị sỹ Nhật Bản. Tổng thống Park Geun Hye cho rằng trong bối cảnh quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị - an ninh thì những động thái cố chấp của Nhật Bản về lịch sử có thể ảnh hưởng tới quan hệ giữa Nhật Bản với các nước Đông Bắc Á.

3. Vấn đề tranh chấp chủ quyền hòn đảo Dokdo/Takeshima

Đảo Dokdo, hay còn gọi là Takeshima hay Liancourt là hòn đảo hiện nay đang nằm trong vòng tranh chấp về mặt chủ quyền giữa hai quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc, cách đảo Ulleung của Hàn Quốc 93 km về phía đông và cách đảo Okinawa của Nhật Bản 157 km về phía tây bắc với tổng diện tích vào khoảng 187,450 km2. Hòn đảo Dokdo/Takeshima được đánh giá cao chủ yếu về giá trị kinh tế, nhất là về nguồn động thực vật phong phú và trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Những tranh cãi giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về chủ quyền hòn đảo Dokdo/Takeshima nảy sinh từ những tư liệu lịch sử xuất hiện khá sớm được cả hai bên đưa ra.

Dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản liên tục tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Takeshima, trong khi Hàn Quốc cũng làm tương tự với Dokdo. Các tuyên bố này thường đi kèm với các hoạt động ngoại giao và tuyên truyền nhằm củng cố lập trường của mỗi quốc gia. Nhật Bản thường xuyên đề cập đến tranh chấp này trong Sách trắng quốc phòng hàng năm của mình, nhấn mạnh lập trường rằng Takeshima là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản. Tháng 1 năm 2014, Bộ trưởng giáo dục Nhật Bản Hakubu Shimomura tuyên bố rằng chính phủ đang xem xét lại những hướng dẫn về nội dung sách giáo khoa nhằm bổ sung thông tin quần đảo Dokdo/Takeshima là một phần lãnh thổ Nhật Bản. Động thái này nhằm phản ánh chính sách của chính phủ Nhật: “Trên cơ sở các sự kiện lịch sử và dựa trên luật pháp quốc tế, không có gì phải bàn cãi về vấn đề Takeshima là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản”, và rằng sự chiếm hữu quần đảo này của phía Hàn Quốc là một “hành động chiếm đóng phi pháp”. Theo đúng chỉ đạo từ chính phủ, Bộ giáo dục Nhật Bản đã bổ sung nguyên tắc các sách giáo khoa phải miêu tả “quần đảo Takeshima là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản”, điều cũng từng được áp dụng với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc. Đây là hành động hưởng ứng lời kêu gọi làm đậm nét tinh thần yêu nước trong sách giáo khoa của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ngày 22 tháng 2 năm 2016,  chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cử Phó Chánh Văn phòng Nội các Yasuyuki Sakai tham dự “Ngày Takeshima” – sự kiện được chính quyền tỉnh Shimane của Nhật Bản tổ chức thường niên từ ngày 22/2/2005 nhằm khơi dậy sự chú ý của dư luận trong nước về chủ quyền đảo Takeshima/Dokdo đang tranh chấp với Hàn Quốc. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Chính phủ Nhật Bản cử một quan chức cấp Thứ trưởng tới tham dự “Ngày Takeshima” – một sự kiện đang gây tranh cãi và sóng gió trong quan hệ giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngay sau đó đã triệu tập ông Hideo Suzuki – Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul tới để trao thông điệp phản đối. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh quần đảo Dokdo/Takeshima là một phần lãnh thổ thuộc về Hàn Quốc xét theo khía cạnh lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế. Qua đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản “ngay lập tức” ngừng các hành vi khiêu khích về lãnh thổ và đối mặt với lịch sử xâm lược của mình. Phía Hàn Quốc cũng cho rằng, việc Nhật Bản tổ chức sự kiện “Ngày Takeshima” đều đặn mỗi năm cho thấy quyết tâm của Nhật Bản nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo đang tranh chấp và là một động thái “gây tổn hại” tới mối quan hệ song phương vừa được tăng cường giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á. Tiếp đó vào tháng 8 năm 2016, mười nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền và các đảng đối lập của Hàn Quốc đã tới quần đảo Dokdo/ Takeshima khiến Chính phủ Nhật Bản bày tỏ thái độ và đưa ra kháng nghị mạnh mẽ với Chính phủ Hàn Quốc.

Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Shinzo Abe: “Hàn Quốc là 'láng giềng quan trọng nhất'”

https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-shinzo-abe-han-quoc-la-lang-gieng-quan-trong-nhat-post619333.vnp

2. 小倉 和夫 (2014), 日韓関係の争点, 藤原書店 (Kazuo Ogura(2014), Các vấn đề gây tranh cãi trong quan hệ Nhật – Hàn, NXB Fujiwara).

3. Phan Cao Nhật Anh (2020), Điều chỉnh chính sách chính trị, xã hội của Nhật Bản trong giai đoạn thủ tướng Shinzo Abe cầm quyền lần 2, NXB Khoa học xã hội.

4. 崔慶原(2019), 日韓関係の変容 歴史問題と経済・安全保障のイシューリンケージ, 現代韓国朝鮮研究 第19号(2019.11)(Choi Gyeongwon (2019), Biến đổi trong quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc: Các vấn đề lịch sử và mối liên hệ với các vấn đề kinh tế/an ninh, Nghiên cứu Hàn Quốc đương đại số 19 (2019.11).

 

 

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

PHẢN ỨNG CỦA NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN THẮNG BẦU CỬ CỦA CỰU TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
PHẢN ỨNG CỦA NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN THẮNG BẦU CỬ CỦA CỰU TỔNG THỐNG DONALD TRUMP

Sau bốn năm kể từ khi Donald J. Trump từ chối chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử mà ông đã thua ông Joe Biden, vào ngày 6/11/2024, Donald J. Trump đ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn