GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

THẦN (KAMI): SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC VỊ THẦN BẢN ĐỊA Ở NHẬT BẢN (phần 2)

Đăng ngày: 28-07-2014, 16:55

Thần Phật hỗn hợp

Vào thời kỳ Heian (794–1185), thuyết Bản địa thùy tích (honji suijaku) đã ra đời. Học thuyết này cho rằng chư Phật và Bồ Tát (những người thông thái, đầy lòng từ bi mà chưa trở thành Phật) ở Ấn Độ hóa thân thành các vị thần (kami) ở Nhật Bản. Quan niệm thần (kami) là hiện thân của Phật được chấp nhận bởi hầu hết mọi người trong thời kỳ Kamakura (1185–1333).

Điều này có nghĩa là không cần quan tâm người Nhật thờ phụng thần (kami) hay Phật, không cần phải phân biệt đền thần đạo và chùa thờ Phật, hoặc phân biệt tín ngưỡng tôn giáo giữa Thần đạo (Shintō) và Phật giáo. Từ giai đoạn này cho đến cuối thời kỳ Edo năm 1868, người Nhật không phân biệt khắt khe giữa thần (kami) và Phật.

Người ta cho rằng nếu con người có thể trở thành thần (kami) khi họ qua đời, thì họ cũng có thể trở thành Phật (hotoke). Tín đồ thuộc Tịnh độ tông của Phật giáo mong muốn mình có thể thoát khỏi luân hồi và tái sinh tại cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà, nơi Tây phương Cực lạc. Trong khi tu hành để đạt được giác ngộ, Phật A-di-đà đã nguyện giúp chúng sinh tái sinh ở cõi Cực lạc khi người thành Phật. Tái sinh ở cõi cao hơn nơi Tây phương Cực lạc nghĩa là chỉ còn một bước nữa là trở thành Phật và bước này được coi là cực kỳ quan trọng. Quan niệm con người trở thành Phật sau khi qua đời được truyền bá rộng rãi thông qua giáo lý rằng cái chết có thể dẫn đến cõi Phật, nói cách khác đây là một giai đoạn trên con đường trở thành Phật.

Theo cách này, những tín ngưỡng nói chung sau đây của người Nhật về cuộc sống sau khi chết được hình thành và được duy trì đến ngày nay.

  • Khi con người qua đời, trong một thời gian linh hồn của họ vẫn quanh quẩn gần nơi họ chết.
  • Sau đó họ vượt qua sông Sanzu (Sông Tam Đạo - Sanzu no kawa) tới thế giới bên kia và trở thành Phật hoặc thần (kami).
  • Nếu họ vẫn còn rất lưu luyến thế giới này hoặc mang sự thù hận, họ không thể ngộ đạo và thay vào đó, họ trở thành ma (yūrei).
  • Những người phạm phải tội lỗi độc ác sẽ bị trừng phạt xuống địa ngục và bị Diêm vương và ma quỷ tra tấn.
  • Người chết trở về nhà vào lễ hội Bon được tổ chức vào mùa hè.
  • Tổ tiên được đưa cho thụy hiệu, thụy hiệu được khắc trên bài vị đặt trên bàn thờ gia tiên. Trước bàn thờ được đốt hương.

Mặc dù những tín ngưỡng này tồn tại lâu dài, nhưng khi xem xét cẩn thận thì chúng không thuộc Thần đạo (Shintō) cũng như Phật giáo và thật sự tồn tại sự mâu thuẫn.

Nguồn gốc chủ nghĩa dân tộc và sùng bái Thiên hoàng

Vào thời Edo (1603–1868), Mạc phủ Tokugawa cấm Kitô giáo và buộc người Nhật phải theo đạo Phật. Các hộ gia đình phải chọn giáo phái và đăng ký hộ tịch tại đền chùa địa phương, đây được gọi là chế độ đàn gia (danka) (giáo dân). Tuy nhiên, vai trò của các tăng sĩ bị giới hạn để tránh họ truyền bá tư tưởng mà có thể đe dọa đến Mạc phủ, thực tế họ bị hạn chế thực hiện các tang lễ và những việc tương tự.

Mạc phủ khuyến khích các võ sĩ (samurai) nghiên cứu trường phái Chu Tử học, thuộc Tống nho (Tân Khổng giáo) dựa trên những lời giảng của nhà nho Trung Quốc Chu Hi (Shushi). Việc nghiên cứu Tống nho của Chu Hi lan rộng từ võ sĩ (samurai) đến người dân thành thị có địa vị cao và nông dân. Mạc phủ dường như lãng quên sự thật rằng các chính sách về việc bắt buộc theo Phật giáo và thúc đẩy Tống nho là mâu thuẫn với nhau. Mạc phủ phủ nhận sự tồn tại của luân hồi và linh hồn trong Phật giáo truyền thống trong khi tăng sĩ người Nhật cho rằng chúng có thật. Hơn nữa, quan niệm rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành một phần của tầng lớp thống trị thông qua học tập mâu thuẫn với hệ thống đẳng cấp của thời Edo chia người Nhật thành bốn tầng lớp mang tính cha truyền con nối là võ sĩ (samurai), nông dân, thợ thủ công và thương nhân.

Bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trung thành với triều đình hoặc người thống trị chính thống, Tống nho đã dẫn đến sự xuất hiện của những người trung thành với Thiên hoàng, những người coi Thiên hoàng là người thống trị chính thống hơn là Tướng quân (shōgun). Điều này nghĩa là trong Mạc phủ đã bao hàm khả năng làm suy sụp hệ thống cai trị trong thời kỳ Edo. Tác giả Yamamoto Shichihei (1921–1991) đã đi vào chi tiết hơn về quan điểm này trong cuốn sách Những người tạo ra những vị thần sống (Arahitogami no sōsakushatachi).

Chu Tử học ảnh hưởng đến tư tưởng theo trào lưu truyền thống của Itō Jinsai (1627–1705) và Ogyū Sorai (1666–1728), những người tán thành việc quay về với triết lý của Khổng Tử và Mạnh Tử. Nói cách khác, tư tưởng của họ tạo ra đường lối Quốc học (Kokugaku), dựa vào việc hiểu biết các văn bản tiếng Nhật cổ theo nghĩa đen. Trong “Cổ sự ký luận giải” (Kojikiden), Motoori Norinaga (1730–1801), nhân vật trung tâm của Quốc học (Kokugaku), đã xây dựng lại một Nhật Bản không có ngôn ngữ viết của chính mình, được mô tả trong tác phẩm vào thế kỷ thứ 8 và nhấn mạnh rằng mặc dù vậy vẫn có một triều đình và người Nhật bị Thiên hoàng cai trị. Ông ấy cho thấy rằng sự phục tùng Thiên hoàng của người Nhật không được bồi đắp thông qua việc giảng dạy Quốc học, nhưng lại xuất hiện thông qua tình cảm tự nhiên của họ. Vì vậy, khả năng về việc tiếp nhận hình thức chủ nghĩa dân tộc dựa vào việc sùng bái Thiên hoàng được mở ra với tất cả người Nhật.

Con đường hướng tới Thần đạo quốc gia (State Shintō)

Phong trào Thần đạo (Shintō) kiểu mới của Hirata Atsutane (1776 – 1843) đã mở ra một sự thay đổi lớn trong cách nghĩ của người Nhật về thần (kami) từ những năm dưới chế độ Mạc phủ Tokugawa đến đầu thời kì Minh Trị (Meiji) (1868–1912). Hirata tự nhận là môn đệ của Motoori, và nghiên cứu của ông về Thần đạo (Shintō) đã khiến ông tuyên bố rằng khi con người chết, họ không trở thành Phật hoặc đi tới Hoàng Tuyền (Yomi) mà thay vào đó trở thành linh hồn (rei). Cụ thể là những người chết vì Nhật Bản sẽ không chịu dơ bẩn và trở thành anh linh (eirei), là những người sẽ bảo vệ cho các thế hệ tương lai. Tư tưởng tiến bộ về con người sẽ trở thảnh linh hồn sau khi chết, duy trì cá tính của họ muôn đời khiến một số người cho rằng Hirata đã nghiên cứu quan điểm về linh hồn của Kitô giáo bằng cách bí mật đọc bản Kinh Thánh được dịch bằng tiếng Hán (lúc đó bị cấm ở Nhật).

Nếu mỗi người đều trở thành linh hồn sau khi chết, điều này có nghĩa là dù tất cả người Nhật bị buộc theo đạo Phật dưới chế độ đàn gia (danka), họ vẫn có thể có tang lễ theo Thần đạo (Shintō). Vì vậy, những người chết vì chiến tranh có thể được thờ phụng. Quân đội của Thiên hoàng đã thành lập nên triều đình mới dưới sự thống trị của Thiên hoàng theo sau Cải cách Minh Trị (Minh Trị Duy Tân) vào năm 1868 sử dụng lý giải của Hirata về Thần đạo (Shintō) để tổ chức những nghi lễ và tưởng niệm những người đã chết trong cuộc chiến giữa Thiên hoàng và Mạc phủ. Vào năm 1869, sau Cải cách Minh Trị, họ đã lập một đền thờ vì mục đích này tại quận Kudan, Tokyo, sau này đặt nó dưới sự thẩm quyền của lục quân và hải quân. Tại đền Yasukuni (lần cuối cùng được đổi tên), những con người bình thường đã cống hiến cuộc đời cho đất nước sẽ được vinh danh trở thành thần (kami). Các phương tiện truyền thông đại chúng của phương Tây coi đền Yasukuni là ngôi đền chiến tranh vì đã vinh danh những tội phạm chiến tranh Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng điều đó không chính xác. Nó thực tế tương đương với một đài tưởng niệm cuộc cách mạng Minh Trị hoặc là ngôi mộ dành cho người lính vô danh.

Thần đạo (Shintō) kiểu Hirata kết hợp với đền Yasukuni đã khơi gợi lên chủ nghĩa dân tộc hiện đại trong lòng những người dân Nhật Bản. Để làm được điều này, cần phải tách Thần đạo (Shintō) và Phật giáo để thủ tiêu Phật giáo hoặc phân biệt rõ ràng hai tôn giáo này, và việc này được thực hiện vào cuối thời kỳ Edo đến đầu thời kỳ Minh Trị (Meiji). Triều đình Minh Trị (Meiji) mới đã yêu cầu các đền và chùa phải phân biệt rõ ràng mà không có sự nhập nhằng. Hình thức Thần đạo (Shintō) dưới sự bảo hội của triều đình được gọi là Thần đạo quốc gia (State Shintō). Bộ giáo dục coi Thần đạo không phải là một tôn giáo mà là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật và là nghĩa vụ yêu nước, buộc toàn dân phải gia nhập Thần đạo quốc gia.

Dựa trên quan niệm rằng con người khi chết sẽ trở thành thần (kami), rất nhiều đền thờ đã được xây dựng trong suốt thời kỳ Minh Trị (Meiji). Những đền thờ đó bao gồm đền Minh Trị thờ Thiên hoàng Minh Trị, đền Noji thờ Nogi Maresuke và đền Togo thờ Tōgō Heihachirō. Nogi và Tōgō là những đại tướng lục quân và hải quân nổi bật trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật năm 1904 – 1905. Cũng có rất nhiều đền thờ thờ phụng những người chết trong chiến tranh cục bộ ở các quận trên cả nước. Những bức ảnh về Thiên hoàng được gửi đến trường để cho giáo viên và học sinh quỳ lạy trong khi đối mặt với Hoàng cung. Đây là một phần trong giáo dục đặt Thiên hoàng vào vị trí trung tâm, người được coi là vị thần sống.

Khó khăn trong việc định nghĩa chính xác

Cuối chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà cầm quyền của lực lượng Đồng minh chiếm đóng Nhật Bản đã bãi bỏ Thần đạo Quốc gia (Shintō), và đền Yasukuni trở thành tổ chức tôn giáo tư nhân. Tuy nhiên, quan điểm về “anh linh” và tư tưởng con người sẽ trở thành thần (kami) sau khi chết vẫn còn tồn tại trong lòng người Nhật.

Hashizume Daisaburō

Nguồn: “Kami”: The Evolution of Japan’s Native Gods

http://www.nippon.com/en/in-depth/a02902/

Người dịch: Trương Phan Thanh Thủy, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn