GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

VỀ KHẢ NĂNG DIỄN RA CUỘC GẶP GỠ CẤP CAO NHẬT – TRUNG TẠI HỘI NGHỊ APEC

Đăng ngày: 30-10-2014, 09:27

Mối quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc rơi vào tình trạng xấu nhất khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) vào tháng 9 năm 2012. Tiếp đó, hàng loạt sự kiện như hành động quyết đoán của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, Nhật Bản đưa ra chiến lược an ninh quốc gia mới, Thủ tướng Nhật Bản thăm đến Yasukuni,… càng khiến mối quan hệ ngoại giao hai nước đi vào bế tắc. Trên thực tế, từ khi lên nắm quyền từ cuối năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa có một cuộc gặp thượng đỉnh chính thức nào. Vào đầu tháng 11 tới đây, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Bắc Kinh, có nhiều quan điểm trái chiều về khả năng hai vị lãnh đạo sẽ có cuộc gặp gỡ và làm giảm căng thẳng mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Những dấu hiệu tích cực

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ mong muốn gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị APEC. Trong phát biểu chính sách của Chính phủ tại Quốc Hội trong tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Abe đã nói rằng Nhật Bản và Trung Quốc là một cặp không thể tách rời và sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội đối với Nhật Bản. Ông cam kết sẽ sớm tiến hành một cuộc gặp gỡ cấp cao để phát triển quan hệ thân tình và ổn định với Trung Quốc. Ông tin rằng một cuộc gặp gỡ cấp cao như vậy là cần thiết để xây dựng quan hệ bạn bè, và hai quốc gia sẽ chia sẻ trách nhiệm đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực [1].

Một vướng mắc trong quan hệ giữa hai nước là việc Thủ tướng Abe thăm đền Yasukuni, nơi Trung Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt của Nhật Bản. Trong thời gian qua, Thủ tướng Abe đã không trực tiếp viếng thăm mà chỉ gửi đồ lễ đến cúng. Đây là động thái mà các chuyên gia đánh giá là hành động thể hiện thiện chí của ông Abe.

Ngày 8/10, bà Lý Tiểu Lâm, Chủ tịch Hội hữu nghị nhân dân Trung Quốc với nước ngoài và là phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, khi tham gia Các sự kiện văn hóa tại Nhật Bản với chủ đề về tình  hữu nghị Trung – Nhật đã gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe[2].

Ngoài ra, Bắc Kinh có một động cơ thực tế hơn cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe bởi Trung Quốc là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Trong một sự kiện lớn như vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình không thể đơn giản bỏ qua sự có mặt của Thủ tướng Shinzo Abe. Giáo sư Lương Vân Tường, chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản tại đại học Bắc Kinh nhận định “Vấn đề không chỉ ở việc chúng tôi có nên gặp ông Abe hay không mà còn là việc chúng tôi sẽ đón tiếp vị Thủ tướng này như thế nào. Là một nước lớn, chúng tôi không thể hành động như một đứa trẻ và phớt lờ ông ấy tại một sự kiện đa phương”[3].

Ngày 15/10, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Trình Vĩnh Hoa đã phát biểu tại Tokyo rằng quan hệ song phương gặp khó khăn trong những năm vừa qua, nhưng có những dấu hiệu về khả năng cải thiện mối quan hệ, và nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm nỗ lực để hàn gắn quan hệ hai bên. Khi được hỏi liệu lãnh đạo hai nước có gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 ở Bắc Kinh hay không, ông Trình Vĩnh Hoa cho biết đây là cơ hội lớn trên nhiều phương diện[4].

Ngày 16/10, bên lề Hội nghị Á - Âu (ASEM) diễn ra ở Milan, Italia, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chào nhau. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo có cuộc chào hỏi như vậy kể từ khi nhậm chức. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Nhật Bản nói ông Abe và ông Lý bắt tay, mỉm cười và trao đổi ngắn gọn khi các nhà lãnh đạo khác chuẩn bị rời phòng tiệc. Người ta hy vọng cuộc gặp ngắn này sẽ giúp tiến tới cuộc đối thoại Nhật - Trung bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh[5].

Mới đây, ngày 28/10, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda đã đến Bắc Kinh để gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình. Báo chí Nhật Bản cho rằng giống với lần đi Bắc Kinh trước đó vào cuối tháng 7 của ông Fukuda, chuyến đi này cũng đều nhằm thu xếp cuộc gặp gỡ giữa ông Abe và ông Tập Cận Bình tại Hội nghị APEC ở Bắc Kinh tới đây[6].

Những dấu hiệu không tích cực

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm trái chiều về khả năng gặp gỡ giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình. Người ta nhận thấy rằng trong thời gian qua Nhật Bản nhiều lần muốn thu xếp cuộc gặp này nhưng Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ. Vấn đề tồn tại trong việc thực hiện cuộc gặp cấp cao là hai điều kiện Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản phải thừa nhận có tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và Thủ tướng Abe không đến thăm ngôi đền Yasukuni. Song, trang báo mạng Sankei của Nhật Bản đã viết rằng hi vọng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Nhật – Trung, nhưng sẽ không có sự nhượng bộ nào trong vấn đề Senkaku và Yasukuni[7].

Ngoài ra, trên trang thông tin “Đa chiều”, chuyên gia phân tích quan hệ Trung – Nhật Trương Hoài Đông cho rằng, về căn bản Thủ tướng Abe luôn có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu, Thủ tướng Abe đã công du Trung Quốc, song đến nhiệm kỳ 2 ông đã có thái độ khác trong quan hệ với Bắc Kinh. Ông Abe không có sự ảo tưởng với Trung Quốc mà chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận một cuộc chiến cứng rắn giữa hai nước. Những động thái như thừa nhận quyền phòng thủ tập thể, thành lập Hội đồng an ninh quốc gia,… cho thấy sự chuẩn bị của Thủ tướng Shinzo Abe. Quan hệ Trung Nhật không đơn thuần là quan hệ giữa hai nước mà có liên quan đến tình hình Đông Bắc Á và quan hệ Trung - Mỹ. Khi Trung Quốc và Mỹ hoàn thành sự thay đổi thế lực ở Đông Bắc Á và Châu Á – Thái Bình Dương, cục diện bế tắc giữa Trung Quốc và Nhật Bản tự nhiên sẽ được giải tỏa. Cho dù Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Abe tiến hành hội đàm cấp cao cũng không thể thay đổi về cơ bản hiện trạng giằng co trong mối quan hệ Trung - Nhật. Tác giả đưa ra quan điểm Chủ tịch Tập Cận Bình không nên gặp Thủ tướng Shinzo Abe tại Bắc Kinh[8].

Giáo sư Thời Ân Hoằng – chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho rằng cơ hội diễn ra cuộc gặp gỡ cấp cao là thấp vì việc cho phép diễn ra cuộc gặp như vậy chưa chắc sẽ mang lại bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Thủ tướng Abe và sẽ càng giúp Nhật Bản nhận được nhiều sự cảm thông hơn từ quốc tế[9].

Cho đến thời điểm này chưa có một thông báo chính thức nào về cuộc găp cấp cao Nhật – Trung bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Người ta vẫn đang hi vọng nhiều vào cuộc hội kiến giữa hai vị lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc sẽ diễn ra nhằm bước đầu hàn gắn quan hệ song phương. Câu trả lời sẽ chỉ có trong thời gian tới đây tại Bắc Kinh.

 

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Đông Bắc Á.


[1] Nhật – Trung hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh, Bản dịch của TTXVN, TTKTG 14/10/2014, tr.7

 

[2] Nhận định của giới chuyên gia về khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trung – Nhật, Bản dịch của TTXVN, TTKTG 11/10/2014, tr.5

 

[3] Nhận định của giới chuyên gia về khả năng diễn ra cuộc gặp gỡ cấp cao Trung – Nhật, Bản dịch của TTXVN, TTKTG 23/9/2014, tr.6

 

[4] Website NHK ngày 15/10/2014, http://www3.nhk.or.jp/nhkworld/

[5] Website NHK ngày 17/10/2014, http://www3.nhk.or.jp/nhkworld/

[6]「条件なし」の日中首脳会談は実現するか? 自民党執行部の「中国シフト」で機は熟しつつあるが…, http://www.sankei.com/premium/news/141028/prm1410280003-n1.html

[7] 「条件なし」の日中首脳会談は実現するか? 自民党執行部の「中国シフト」で機は熟しつつあるが…, http://www.sankei.com/premium/news/141028/prm1410280003-n1.html

[8] Bốn lý do Chủ tịch Trung Quốc không nên gặp Thủ tướng Nhật Bản bên lề hội nghị APEC, Bản dịch của TTXVN, TLTKĐB 28/10/2014, tr12,13

[9] Nhận định của giới chuyên gia về khả năng diễn ra cuộc gặp gỡ cấp cao Trung – Nhật, Bản dịch của TTXVN, TTKTG 23/9/2014, tr.6

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn