GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

MỘT SỐ BIỂU THỨC TỪ CHỐI GIÁN TIẾP TRONG TIẾNG NHẬT (Phần 4)

Đăng ngày: 12-03-2015, 13:03

6. Biểu thức hứa hẹn, nêu nguyện vọng

“Hứa hẹn”, “Nêu nguyện vọng” muốn tiếp nhận lời cầu khiến (lời đề nghị, lời mời, lời khuyên...) của đối tượng giao tiếp trong tương lai là một phương thức từ chối nhưng vẫn thể hiện sự mong muốn được tiếp tục duy trì quan hệ với đối tượng giao tiếp. Tuy nhiên, khác với việc “đề ra phương án thay thế” như phần trên đã trình bày, “Hứa hẹn” và “Nêu nguyện vọng” là những phương thức thiếu tính khả thi, do đó, thuộc về kiểu duy trì quan hệ một cách tiêu cực.

Ví dụ:

(2.60) (- Cô đi đâu mà vội? - Shigô làm ra vẻ tươi tỉnh giữ cô ta lại.

- Rồi tôi sẽ lại đến nữa ạ. Còn hôm nay thì tôi không muốn khua môi múa mỏ trước mặt ngài như một con ngốc tệ hại nữa đâu...)

(“Tiếng rền của núi”, Tuyển tập Kawabata, tr.140)

Biểu thức “Hứa hẹn” được người nói sử dụng để bày tỏ sự mong muốn đáp ứng lời yêu cầu, mời mọc hay lời khuyên... của đối tượng giao tiếp, từ đó làm nhẹ gánh nặng tâm lý của người nghe khi bị TC. Theo lý thuyết lịch sự của Brown và Levinson, đây là chiến lược lịch sự dương tính, với mục đích tán dương người đối thoại, thể hiện sự tôn vinh thể diện người đối thoại, từ đó tạo sự đồng cảm giữa những người tham gia giao tiếp. Ví dụ:

(2.61) - Cuối tuần mình đi Phú Quốc nghỉ nhé!

- Em vẫn ao ước một lần được ra đảo Phú Quốc, nhưng giờ đang là mùa thi, bài vở đầy ra, bận tối mắt tối mũi sao mà đi được.

Bằng câu nói “Em vẫn ao ước một lần được ra đảo Phú Quốc”, cô gái đã cho người yêu thấy sự mong mỏi, niềm vui sướng của mình khi nhận được lời đề nghị, từ đó, làm người nghe hiểu rằng việc từ chối chỉ là do điều kiện khách quan. Đây là phương thức từ chối có tính lịch sự cao.

(2.62) 「5-6万円貸してくれる。」(- Cho tớ vay 5-6 vạn yên được không?)

「貸したいけど、そんなに持っていない。ごめん。」(- Tớ cũng muốn cho cậu vay lắm, nhưng làm gì có số tiền to như thế. Xin lỗi cậu nhé!)

7. Biểu thức chỉ trích, trách cứ, kêu than

Biểu thức “Trách cứ, kêu than” được sử dụng trong cả tiếng Nhật và tiếng Việt. Phê phán, trách cứ, bày tỏ sự bất mãn đối với đối tượng giao tiếp để từ chối không phải là một phương thức TC lịch sự, do đó, biểu thức này chỉ được dùng trong quan hệ thân thiết, hoặc trong quan hệ mà người nói có vị trí, quyền lực xã hội cao hơn người nghe. Dưới đây là đoạn đối thoại cầu khiến - từ chối giữa hai người bạn thân.

(2.63)「どうだ。つき合ってくれよ。」と鈴本が言った。信吾は面を卓においた。

「しかし、君が頼まれたんだから、君が買っとけよ。」

「うん、僕も買ったんだよ。実は細君が五面持って来たもんで、僕が女面を二面取って、海野に一面押しつけて、君にも頼むわけさ。」

「なんだい、残りものか。自分で先きに女面を取っといて、勝手なやつだ。」

「女面がいいの。」

「いいの、もうないもんだ。」

(- Thế nào, anh sẽ lấy chứ? - Xútzumôtô hỏi.

Singô đặt chiếc mặt nạ lên bàn và bảo:

- Họ đã mời anh mua kia mà.

- Đúng vậy, nhưng tôi đã mua 2 chiếc rồi. Cả thảy có 5 chiếc. Tôi lấy hai cái mặt nạ phụ nữ. Unnô đã lấy một chiếc và hai cái còn lại này để dành cho anh đấy.

- Anh khôn lỏi lắm. Có mấy cái mặt nạ phụ nữ thì anh lấy trước, còn thừa mới dành cho người khác hả?

- Thế anh định lấy mấy cái mặt nạ phụ nữ hả.

- Có ý nghĩa quái gì một khi đã không còn nữa rồi.)

Theo kết quả điều tra dự bị của chúng tôi về HVTC lời cầu khiến của người Nhật Bản, trong 25 phiếu thu được, chỉ có duy nhất 1 phiếu trả lời sử dụng biểu thức “chỉ trích, trách cứ” khi từ chối, và phiếu này là của một học viên cao học trên 50 tuổi tại đại học Ibaraki.

(2.64)「今会費を払わなければならないが、お金を忘れてきた。1万円ぐらい貸して貰えないか。」

「ごめんね。今お金を持っていないの。それにあまりお金を借りることは良くないよ。大切な友達をなくしてしまうよ。」

(- Bây giờ tôi phải trả hội phí nhưng lại quên đem theo tiền. Có thể cho tôi vay độ 1 vạn yên không?

- Xin lỗi, mình cũng không mang tiền. Hơn nữa, cậu cứ hay vay mượn tiền là không tốt đâu. Cậu sẽ mất đi những người bạn quan trọng.)

Trong tiếng Việt, biểu thức “trách cứ - kêu than” có tỉ lệ sử dụng cao, nhưng cũng chỉ được dùng trong quan hệ thân thiết. Ví dụ:

(2.65) - Mày có tiền không cho tao vay tạm 1-2 triệu. Đang kẹt quá.

- Thằng kia, mày tưởng tao là đại gia chắc. Lấy đâu ra ngần ấy.

8. Biểu thức nêu điều kiện

Từ chối bằng hình thức ra điều kiện là “nêu lên tuỳ điều kiện mà có thể nhận lời, hoặc không nhận lời và bằng cách này bảo lưu lời TC”. Các dạng câu điều kiện thường gặp trong tiếng Nhật có 3 loại:

- Câu điều kiện diễn đạt khả năng thực hiện một hành động, khả năng xuất hiện một hiện tượng trên thực tế trong một điều kiện nào đó.

(2.66)「実は、今月のお金、家族の用で全部使っちゃって、明日、部屋代と電気代を払わないといけないけど…。もし、できたら、5,6万円ぐらい貸してくれませんか。来月、すぐ返すから。」

「少しだったら貸せるんだけど。」

(- Mình chót tiêu hết tiền tháng này vì việc gia đình rồi. Mà mai mình lại phải đóng tiền nhà, tiền điện. Cậu có thể cho mình mượn độ 5-6 vạn yên không? Tháng sau mình trả luôn.

- Nếu như ít tiền thôi thì mình còn cho vay được, đằng này thì...)

- Câu điều kiện diễn đạt một tình huống phi hiện thực, không có khả năng thực hiện trên thực tế.

(2.67)「菊子は修一と別れるつもりがあるのか。」

菊子は真剣な顔になって、

「もし別れましたら、お父さまにどんなお世話でもさせていただけると思いますの。」

「それは菊子の不幸だ。」

「いいえ。喜んですることに、不幸はありませんわ。」

(- Con có ý định bỏ nó không?

- Giá con quyết định như vậy, con sẽ có thể chăm sóc ba được nhiều hơn. Một cách đúng như con muốn. Kikuko trang trọng đáp.

- Đó là nỗi bất hạnh của con.

- Làm điều mà trái tim mình mong muốn không phải là bất hạnh.)

(“Tiếng rền của núi”, Tuyển tập Kawabata Yasunari, tr.213).

Trong ví dụ trên, khi ông Singô, người cha chồng khuyên cô con dâu bỏ anh chồng Shuichi hư hỏng để giải thoát cho cô, Kikuko đã từ chối bằng việc đưa ra một điều kiện phi hiện thực, và cũng bộc lộ tình cảm mà bấy lâu cô dành cho ông, đó là “Giá con quyết định như vậy con sẽ có thể chăm sóc cho ba nhiều hơn. Một cách đúng như con muốn”. Cô con dâu thổ lộ tình cảm với ông bố chồng, điều không bao giờ được chấp nhận trong xã hội Nhật Bản với những chuẩn tắc nghiêm khắc. Đây cũng chính là việc người nói sử dụng câu điều kiện diễn đạt tình huống phi hiện thực, từ đó buộc người nghe phải chấp nhận hiện thực, ở đây là chấp nhận việc bị từ chối.

- Câu điều kiện có giá trị cảm thán, bày tỏ sự đáng tiếc “giá như”, “nếu như”.

Câu điều kiện có giá trị cảm thán được sử dụng nhiều nhất trong biểu thức từ chối “nêu điều kiện” bởi mức độ lịch sự của nó. Bày tỏ tình cảm nuối tiếc, ân hận vì không thể nhận lời là một trong những chiến lược lịch sự quan trọng khi thực hiện HVTC. Câu điều kiện có giá trị cảm thán cũng chính là một dạng thức của câu giả định phản thực.

(2.68) 「一万円、貸してくれる?」((- Cho tớ vay 1 vạn yên được không?)

「早く言ってくれればいいのに。昨日全部使っちゃって。。。」(- Giá cậu nói sớm! Hôm qua mình tiêu hết cả tiền rồi.)

Trong tiếng Việt cũng có tất cả các dạng câu điều kiện tương tự như tiếng Nhật. Biểu thức “điều kiện” diễn tả một khả năng có thể xảy ra trong thực tế được sử dụng nhiều nhất trong các câu từ chối, với mục đích đưa ra cho đối tượng giao tiếp một cơ hội khác, một phương án giải quyết khác. Phương thức lịch sự này nhằm làm giảm sự đe doạ thể diện khi thực hiện hành vi từ chối.

(2.69) - Cậu giúp mình tìm hiểu cách dùng phần mềm này nhé! Sáng mai cậu đến nhà mình được không?

- Ngày kia được thì tốt, mai mình có hẹn mất rồi.

Loại câu điều kiện phi hiện thực:

(2.70) - Xin em để anh giúp em chút tiền chăm sóc con bé!

- Nếu nó còn ở với tôi. Nó bỏ nhà đi đã cả tháng nay rồi.

Câu điều kiện có giá trị cảm thán:

(2.71) - Lần này anh quyết không để mất em đâu.

- Phải chi anh nói câu này 10 năm trước!

 

Ths. Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Trích từ đề tài nghiên cứu năm 2014.

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn