GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

KHÁI QUÁT VỀ NỀN CÔNG NGHIỆP MANGA NHẬT BẢN (phần 1)

Đăng ngày: 22-09-2015, 23:58

1. Khái quát lịch sử hình thành của Manga và công nghiệp Manga Nhật Bản

Manga là cách phát âm tiếng Nhật của chữ 漫画(mạn họa). Theo nghĩa chữ Hán, thì 漫 (man) có âm Hán - Việt là “mạn”, có nghĩa là trào phúng, trào lộng, vui nhộn, lan man, phiếm, tinh nghịch, đùa cợt, không gò bó, không có chủ đích, ngầu hứng…, 画(ga) âm Hán – Việt có nghĩa là “ họa”, chỉ bức vẽ. Như vậy, về mặt ngữ nghĩa có thể tạm dịch là  “những bức họa mang tình trào lộng”.

Các nhà nghiên cứu Manga Nhật Bản cho rằng thủ pháp vẽ tranh trong Manga đã xuất hiện trong những bức tranh vui về thú vật và con người của nhà sư Toba Souji ở thế kỷ XII, được gọi là giga, hay  choju-jinbutsu-giga. Nhưng phải đến thế kỷ XVIII thì thuật ngữ “Manga” mới chính thức xuất hiện bởi họa sĩ tranh bản gỗ nổi tiếng Hokusai Katsushima (1760-1849). Ông là họa sĩ có bệt tài quan sát và mô phỏng lại các chuyển động của con người và động vật một cách sắc nét, khoa học, như bức vẽ Yari no Keiko-zu, Suzume Odori-zu (Điệu nhảy chim sẻ, tập 3). Hokusai quan niệm rằng, “Manga” không phải là nghệ thuật vẽ nhân vật trong một câu chuyện nào đó, cũng không cần chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết một để có thể tạo ra những bức họa, mà để chỉ phương pháp vẽ một bức tranh dựa theo nét bút đưa hoặc phác họa vài nét lướt ngang trang sách, hoàn toàn ngẫu hứng. Nhưng ẩn trong những nét vẽ phóng khoáng, thoải mái lại là sự tỉ mỉ, chi tiết, chứa đựng sự khác biệt với những bức họa mà khi những người họa sĩ phải nhận thức được họ muốn vẽ gì trước khi đặt bút xuống. Lối tiếp cận vấn đề một cách tự nhiên của Hokusai, đã trở thành nền tảng cơ bản cho các họa sĩ Manga hiện đại.

Vào năm 1877, khi mà công nghệ in ấn của Nhật Bản phát triển, thì tạp chí “cười” đầu tiên của Nhật Bản được phát hành với tên “Murumaru Chimbun”, do Kinkichiro Honda vẽ. Tạp chí này đã hấp thụ phong cách vẽ tranh hài kiểu phương Tây của hai họa sĩ Charler Wirgman (1835-91) người Anh và George Bigot (1860-1927), người Pháp. Đến những năm đầu thế kỷ 20, thì tranh hài Nhật Bản lại được đánh giá là đã có bước ngoặt chuyển từ phong cách vẽ tranh biếm họa kiểu châu Âu sang phong cách vẽ tranh biếm họa kiểu Mỹ.  Với đặc điểm là chủ đề ít mang tính chính trị hơn, hình ảnh sống động hơn, với các mảng vẽ liên tục (4-6 khung tranh), có quả bóng từ ghi lời thoại và đã được in màu, như các loạt tranh hài in trên báo với tiêu đề: “Togosaku và Mokube tham quan Tokyo” (năm 1902). Vào khoảng năm 1923, thì đã bắt đầu xuất hiện các tranh hài của trẻ em trên báo, như: Sho chan no Boken của tác giả Katsuichi Kabashima, tranh của ông đã kèm theo lời thoại. Đến những năm 1930, tạp chí Shounen club dành cho trẻ em do nhà xuất bản Kodansha xuất bản đã lên tới 150 trang, có bìa riêng. Vào năm 1953, khi truyện tranh dành cho trẻ em của các nhà xuất bản đang gặp khó khăn, do không thể phát hành, vì giá thành quá đắt, thì tại thành phố Osaka đã xuất hiện một loại Manga được in bằng một loại giấy chất lượng không tốt, dành cho trẻ em được bày bán tràn ngập các phố, với giá thành rẻ. Tác giả của loại hình Manga này là Osamu Tezuka, ông là một sinh viên khoa Dược. Vào năm 1947, khi 20 tuổi, ông đã cho ra đời bộ Manga  Shintakarajima (Đảo vàng mới) dài 200 trang. Osamu Tezuka đã áp dụng thủ pháp vẽ đơn giản, phóng túng, hoang tàng với lối diễn đạt cường điệu, cuốn hút người đọc vào những điểm nhấn trong bức tranh của lối vẽ cổ. Kết hợp với phong cách vẽ của hoạt hình Disney và kỹ thuật chụp ảnh, kỹ thuật quay phim trong điện ảnh Đức, Pháp, như zooming (phóng to, thu nhỏ), close –up/ till (cận cảnh/ảnh tĩnh), paining (kỹ thuật máy quay chậm để lấy ảnh toàn cảnh). Là một người đọc nhiều hiểu rộng, ông đã có mơ ước câu truyện dành cho thiếu nhi của mình sẽ đánh bại thứ văn chương hay nhất, thể hiện được những điều tinh tế nhất, độc đáo nhất. Những đề tài tôn giáo, phân biệt chủng tộc, mối quan hệ con người, rôbốt, và thậm chí cả khủng bố có từ rất sớm trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông ở giai đoạn này. Thủ pháp vẽ tranh của ông đã tạo nên sức hút và niềm đam mê cho không chỉ bạn đọc, mà cả nhiều thế hệ họa sĩ Manga sau này. Ông được đánh giá là người đã mở ra “trang sách mới” trong lịch sử Manga Nhật Bản, “là người đánh thức, người mang lại những thành công to lớn cho các công ty xuất bản ở Tokyo, là một tiềm năng của công nghệ truyền thông Manga”[1], là người đặt những viên gạch đầu tiên cho cho sự hình thành nền công nghiệp Manga ở Nhật Bản.

Từ  thập niên 1960, thì thị trường Manga đã được công nghiệp hóa. Đến những năm 1990, khi ngành công nghiệp này phát triển ở đỉnh cao, thì thuật ngữ “Manga” đã được dùng như một danh từ riêng chỉ loại hình tranh truyện của Nhật Bản. Song song với đó, thuật ngữ “văn hóa Manga” (漫画文化), nền “công nghiệp Manga”(マンガ産業) cũng được sử dụng nhiều ở Nhật Bản như để tách bạch rõ vai trò của nó trong nền văn hóa và nền kinh tế Nhật Bản hiện nay.

2. Sản phẩm và qui mô của thị trường Manga Nhật Bản

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và xuất bản Nhật Bản, thì trong những năm 1990, doanh thu của Manga khoảng 600 tỷ yên/ 1 năm (gồm có doanh thu từ tạp chí Manga và sách Manga bìa mềm). So với tổng doanh thu khoảng 2500 tỷ yên của toàn ngành xuất bản (không kể báo), thì xuất bản Manga chiếm gần ¼. Trung bình một người dân Nhật Bản dành khoảng 2000 yên mỗi năm cho việc mua Manga. Năm 1995, doanh thu từ Manga đã đạt lên đến 670 tỷ yên, chiếm 40% tổng số sách báo được in của toàn ngành xuất bản, chi tiêu trung bình của một người dân Nhật Bản trong năm này dành cho Manga đã lên khoảng 5000 yên. Nhà nghiên cứu Natsume Fusanosuke đã từng nói: “Nếu chúng ta coi ngành xuất bản của Nhật Bản như một chiếc bàn, thì một trong những cái chân của nó là Manga”. Năm 2002, doanh thu đạt 22,6% trong 2311 tỷ yên của tổng doanh thu toàn ngành xuất bản, 38,1% số đầu sách xuất bản được bán ra là Manga. Năm 2004, tổng donh thu từ Manga đạt 5.047 tỷ yên; năm 2013 đạt 3.669 tỷ yên[2].

Như vậy, Manga luôn chiếm khoảng 40% số lượng đầu sách bán ra, chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của toàn ngành công nghiệp xuất bản của Nhật Bản. Công nghiệp Manga Nhật Bản được đánh giá là một ngành công nghiệp truyện tranh lớn nhất thế giới và được vận hành hết sức độc đáo.

Một trong những đặc điểm khác biệt khiến Manga thành công như vậy bởi sản phẩm của ngành công nghiệp này không chỉ là loại hình sách giải trí dành riêng cho trẻ em như comics của phương Tây, hay truyện tranh ở Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác mà còn nhắm vào mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội, từ các em nhi đồng đến các cụ già và đa dạng về chủng loại.

Các nền công nghiệp truyện tranh của các nước khác chỉ xuất bản Manga dưới dạng sách, nhưng ở Nhật Bản còn phát hành các ấn phẩm Manga dưới dạng tạp chí (còn gọi là Mangashi). Theo ước tính thì đến những năm cuối thập niên 1990, ở Nhật Bản có khoảng 298 loại tạp chí Manga khác nhau. So với sách bìa mềm, thì doanh thu từ tạp chí Manga bao giờ cũng cao hơn (Biểu 1). Tạp chí Manga thực chất là tuyển tập gồm series Manga của nhiều tác giả, mỗi một series là một phần nhỏ (còn gọi là chap) có độ dài từ 15 đến 25 trang, ngoài ra còn có khoảng 10 trang đăng các thông tin liên quan đến các series đăng trong đó. Mỗi một quyển tạp chí thường có độ dày từ 250 đến 700 trang. Trang bìa và trang đầu của mỗi chap in màu, còn các trang khác là tranh đơn sắc (đen trắng, hoặc trắng cùng một màu khác), và được in bằng loại giấy chất lượng thấp (thường là giấy tái chế). Mỗi một quyển có giá dao động từ 250 đến 400 yên. Các nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng vấn đề giá cả rẻ cũng là một yếu tố thu hút người tiêu dùng. Điều này đã “đánh” đúng tâm lý người tiêu dùng là một tuần có thể bỏ ra 250 yên mua một cuốn tạp chí giải trí đọc trên tàu điện ngầm khi đi làm, đọc xong rồi vứt đi sẽ mà cảm thấy nuối tiếc. Hơn nữa, tạp chí là nơi đầu tiên đăng các series truyện tranh, nên đọc tạp chí là cơ hội được tiếp cận những ấn phẩm mới. Mangashi được phát hành định kỳ hàng tuần, cách tuần và hàng tháng, mỗi một câu chuyện đăng trong đó kéo dài hàng năm mới kết thúc, nên nó rất thu hút độc giả và khiến không thể mua một lần.

Thông thường, thì các truyện “ăn khách” sau khi được in trên tạp chí, sẽ được in thành sách bìa mềm. Năm 2004, doanh thu từ tạp chí Manga chiếm 254,9 tỷ yên, 28%  trong đó là doanh thu của 4 tuần san Shounen (biểu 1). Mangashi được đánh giá là trụ cột của nền công nghiệp truyện tranh Nhật Bản. Ngoài ra, còn có tạp chí Doujinshi, một tạp chí được các Mangaka dành cho fans của mình, nhưng cũng bán rất chạy.

Sản phẩm Manga được phân chia theo bốn nhóm đối tượng bạn đọc chủ yếu sau: (1) Jido Manga hay Kodomo Manga dành cho lứa tuổi nhi đồng (từ 6 đến 9 tuổi). Điển hình như truyện “Chibi Maruko Chan” (Nhóc Maruko), “Đôraemon”… (2) Shounen Manga dành cho lứa tuổi nam thiếu niên (từ 6 đến 18 tuổi), như: “Dragon Ball” (Bảy viên ngọc rồng), Once Piece... Shoujo Manga dành cho lứa tuổi nữ thiếu niên (từ 6 đến 18 tuổi), như: “Sailor Moon” (Thủy thủ mặt trăng)... (3) Seinen Manga dành cho lứa tuổi thanh niên (từ 18 đến 40 tuổi), thể loại này lại được chia thành nhiều lứa tuổi nhỏ hơn, như từ 20 đến 30 tuổi, 25 đến 30 tuổi, từ 30 đến 35 tuổi…  (4) Otona Manga dành cho lứa tuổi trung niên, như Redisu Manga (Ladies Manga) và Seijin Manga.

Ngoài ra, sản phẩm Manga còn được phân theo các chủ đề, như: Manga viết về truyền thuyết, lịch sử (Shikoma Manga, Reikishi Manga, Denki Manga); Manga viết về các câu chuyện diễn ra ở trường học (Gakuen Manga); Manga châm biếm hài hước (Gyagu Manga, Comedym Manga, Hora Manga); Manga thể thao (Sopokon Manga); Manga về những câu chuyện tình yêu, nhưng chưa có sự nhuốm màu của tình dục (Reidies Manga); Manga tập trung vào chủ đề mối quan hệ đồng tính nam (Boy Love Manga hay Shonen-ai Manga /Yaoi Manga); Manga không lấy chủ đề từ đời sống thật, mà về một thế giới theo trí tưởng tượng của tác giả (Fanstasy Manga); Manga hành động (Battle Manga, Fighting Manga), Manga nói về các hoạt động trong môi trường kinh doanh (Business Manga); Manga về khoa học viễn tưởng (science fiction); Manga có chủ đề liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của con người (Ningen Dramar Manga); Manga bí ẩn (Mistery Manga); Manga tình dục (Ero Manga). Ngoài ra, còn có Ecchi Manga, Hentai Manga...

Biểu 1 : Biến động doanh thu từ Manga từ năm 2004 – 2013  (đơn vị tính: 100 triệu yên)

Nguồn: Hiệp hội Xuất bản, Viện Nghiên cứu Khoa học Xuất bản (2014). “Thị trường Manga năm 2013”. Tạp chí Thông tin xuất bản hàng tháng”. Tháng 2/2014

Hạ Thị Lan Phi, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn