GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở VIỆT NAM CÓ THỂ HỌC HỎI KINH NGHIỆM GÌ TỪ NHẬT BẢN

Đăng ngày: 7-11-2015, 20:42

1. Nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam hiện nay và vấn đề đặt ra

Việt Nam hiện nay có khoảng 3.000 làng nghề (chủ yếu tập trung ở Bắc bộ)  với khoảng 20 triệu lao động, trong đó chỉ 30% là lao động thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ. Nếu tính riêng các làng nghề thủ công truyền thống, hiện nay có 62 làng nghề với khoảng 120 nghề trên cả nước. Đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước hoạt động theo mùa vụ ở nông thôn Việt Nam đã tạo nên khoảng thời gian nông nhàn cho người nông dân. Lúc đầu, nghề thủ công truyền thống được coi là giải pháp hữu hiệu để giải quyết công ăn việc làm cho bộ phận lao động dư thừa tại nông thôn, nhưng sau đó, nguồn thu này đã lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu đã đem lại nguồn lợi lớn cho kinh tế địa phương. Hiện nay, việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam được quan tâm, bởi điều này không chỉ góp phần vào việc bảo tồn một bộ phận di sản văn hóa quý báu của dân tộc, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội như tạo công ăn việc làm cho lao động dư thừa, tăng thu nhập, xuất khẩu và phát triển du lịch.

Nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau như: nghề cổ truyền, nghề phụ, nghề tiểu thủ công nghiệp..., nhưng tựu chung lại, có một số đặc điểm nổi bật như sau: ①Thứ nhất, là những nghề đã tồn tại và phát triển lâu đời ở nước ta, đó là những ngành nghề phi nông nghiệp, ra đời từ trước thời Pháp thuộc và còn tồn tại đến ngày nay; ②Là nghề gắn với làng, sinh ra từ làng quê Việt Nam; ③Công nghệ sản xuất mang tính thủ công, chủ yếu dựa vào đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, người thợ (có những ngành nghề sử dụng các loại máy móc hiện đại nhưng vẫn phải tuân thủ công nghệ truyền thống, thể hiện được nét đặc sắc của văn hóa dân tộc); ④Sử dụng nguyên liệu tại chỗ, đặc biệt là các nghề sản xuất sản phẩm tiêu dùng như đan lát mây, tre (mũ, rổ, rá, bồ, sọt, cót...) hay chế biến lương thực thực phẩm (làm bún, làm bánh, làm tương, nước mắm...), tuy nhiên, một số nghề thủ công mỹ nghệ như sơn mài, chạm khắc gỗ, đá, vàng, bạc... có thể khai thác các nguồn nguyên liệu trong nước; ⑤Mỗi nghề thủ công đều phải có các nghệ nhân và đội ngũ thợ lành nghề, mỗi làng nghề thường có một ông Tổ nghề (ông trùm, phó cả) là người truyền dạy bí quyết quyết, kỹ thuật nghề; ⑥Sản phẩm thủ công mang tính đơn chiếc, có tính mỹ thuật và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc (Hồ Hoàng Hoa, Vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr.157-158).

Hiện nay, các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam đang đứng trước một số khó khăn:

- Thiếu vốn để phát triển công nghệ - kỹ thuật: nền kinh tế thị trường và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã tác động mạnh mẽ đến việc đổi mới công nghệ, kỹ thuật trong các làng nghề, việc trang bị thêm thiết bị hiện đại ở một số khâu sản xuất là cần thiết (ví dụ: trang bị máy đa năng (cưa, đục, bào) trong ngành làm đồ gỗ mỹ nghệ; trang bị công nghệ dệt hoa văn tinh tế, phức tạp trên nền vải khổ rộng; trang bị lò nung gốm dùng ga và điện thay cho lò hộp và lò bầu dùng nhiên liệu than  củi… Nhưng, nhìn chung, năng lực nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ còn thấp kém. Trong các làng nghề, chưa có đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiên cứu, sáng tác mẫu mã mới cho sản phẩm thủ công.

- Lực lượng lao động trình độ thấp: Hiện nay, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của lao động trong các nghề thủ công truyền thống Việt Nam vẫn còn thấp. Chỉ có 2,1% là thợ bậc cao và nghệ nhân, cán bộ quản lý hầu như chưa đạt trình độ đại học, việc dạy nghề theo phương pháp truyền nghề trong gia đình hoặc bí truyền (không truyền nghề cho con gái) làm thất truyền nhiều kỹ thuật thủ công quý giá như gốm men ngọc...

- Ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương: hiện trạng ô nhiễm tại các làng nghề truyền thống của Việt Nam đang ở mức báo động. Điều tra cho thấy có 52% số hộ sản xuất gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ở những làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, thuộc da, nhuộm vải, sản xuất giấy… đang gặp khó khăn về vấn đề xử lý nước thải, các làng nghề sản xuất gạch, vôi, gốm, sứ, đúc đồng, nhôm… gặp khó khăn về ô nhiễm không khí… Nguyên nhân là do hạn chế về vốn, kỹ thuật, thiếu quy hoạch tổng thể nên hầu hết các gia đình khi đầu tư vào sản xuất đã không chịu đầu tư xử lý chất thải. Ngoài ra, việc suy thoái tài nguyên thiên nhiên như nghề gốm phát triển làm cho tài nguyên đất bị suy kiệt dần, nguồn nước bị thu hẹp, nghề gỗ, mây tre đan làm suy thoái tài nguyên rừng… trong khi Nhà nước chưa có chính sách hữu hiệu nào để bảo tồn và tái sinh nguồn tài nguyên này.

- Cuối cùng, các chính sách đối với nghề thủ công truyền thống còn chưa đầy đủ, thiếu tính hệ thống và đồng bộ xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, một số quy định pháp lý được ban hành trong các thời kỳ khác nhau đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình sản xuất và quản lý hiện nay.

2. Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Xuất phát điểm của việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam và Nhật Bản là khác nhau: Nhật Bản tìm thấy ở nghề thủ công truyền thống sự cân bằng các giá trị cuộc sống giữa hiện tại và quá khứ, giải pháp để phục hồi sức sống cho khu vực nông thôn, ngăn chặn sự di dân ra các thành phố lớn...; còn Việt Nam lại cần phát triển nghề thủ công truyền thống để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn, đồng thời đóng góp vào xuất khẩu, tăng GDP... Chính vì vậy, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản ở những giải pháp mang tính hệ thống, đó là:

① Trước hết, cần xây dựng một hệ thống Luật và chính sách đồng bộ, thành lập Hội đồng thẩm định nhằm tìm kiếm, khôi phục và phát triển những nghề thủ công truyền thống đã bị mai một. Chính sách và Luật là nền tảng pháp lý để các cấp, các ngành và toàn dân thực hiện việc bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, hệ thống chính sách của Việt Nam hiện nay còn chưa đồng bộ, nhiều chính sách đã lạc hậu. Vì vậy, cần xác định những yếu tố bất hợp lý, những điểm bất cập của các chính sách hiện hành, đồng thời đánh giá các yếu tố mới phù hợp với điều kiện phát triển của nước ta để đưa vào Luật. Tất nhiên, việc đánh giá phải được thực hiện bởi một Hội đồng chuyên môn, có sự tham gia của các nhà sản xuất, quản lý, kinh doanh thuộc lĩnh vực nghề thủ công truyền thống.

② Nâng cao nhận thức của người dân trong việc yêu mến và tin dùng sản phẩm thủ công truyền thống, xây dựng ý thức bảo vệ nghề thủ công truyền thống như một “báu vật” của quê hương. Một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc chưa coi trọng bảo tồn nghề thủ công truyền thống ở nước ta là do nghề thủ công truyền thống chưa được nhìn nhận đúng với giá trị vốn có của nó - là “di sản văn hóa dân tộc”, việc dạy nghề và làm nghề mới chỉ được tiến hành như một phương thức để giải quyết công ăn việc làm cho lao động dư thừa ở vùng nông thôn. Vì vậy, cần tuyên truyền để mọi người dân có sự hiểu biết nhất định về nghề thủ công truyền thống, đưa nội dung giáo dục lòng tự hào và yêu mến nghề thủ công truyền thống vào chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam.

③ Đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác giữa khu vực sản xuất và các cơ quan nghiên cứu trong việc cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất truyền thống, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, bảo vệ môi trường. Việc liên kết, cộng tác giữa các cơ quan khoa học với làng nghề là rất cần thiết, bởi nó tạo nên tính năng động của toàn xã hội trong việc gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống. Các cơ quan khoa học sẽ có trách nhiệm nghiên cứu và tư vấn cho cơ sở sản xuất nên sử dụng loại công nghề gì, đổi mới ở khâu nào, cách thức áp dụng kỹ thuật mới ra sao… để giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất mà vẫn giữ được sự độc đáo, tinh xảo của sản phẩm thủ công truyền thống.

④ Xây dựng kế hoạch phát triển nghề thủ công truyền thống của từng địa phương cụ thể (từ khâu vốn, nguyên liệu, đào tạo lao động, trang bị kỹ thuật - công nghệ hỗ trợ song vẫn bảo đảm được tính “thủ công”, đến thiết kế mẫu mã, lo đầu ra cho sản phẩm, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường), với sự hỗ trợ của địa phương và Nhà nước, đặc biệt sự hỗ trợ về nguồn kinh phí là rất quan trọng.

Nghề thủ công là tài sản văn hóa quý báu của mỗi dân tộc. Giữ gìn và phát triển nghề thủ công truyền thống là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng. Điều kiện cụ thể của từng quốc gia không giống nhau, nên việc bảo tồn nghề thủ công truyền thống cũng được thực hiện ở mức độ khác nhau. Tuy vậy, việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau về giải pháp và nguồn kinh phí giữa các nước trong khu vực có trình độ phát triển kinh tế khác nhau là cần thiết./.

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á


Tài liệu tham khảo chính:

1. Higuchi Hiromi, Tập bài giảng “Việc kế thừa kỹ nghệ và văn hóa truyền thống nhìn từ nghề thủ công truyền thống và lễ hội” tại Workshop “Nghiên cứu lịch sử, văn hóa Nhật Bản”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, từ 3/9-9/9/2015.

2. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên) Vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004 (Đề tài cấp Bộ “Vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản”, Thành viên đề tài: Hồ Hoàng Hoa, Ngô Hương Lan, Trần Quang Minh, Nguyễn Duy Dũng).

3. Sách về sản phẩm thủ công truyền thống, NXB. Hiệp hội phát triển nghề thủ công truyền thống Nhật Bản, Tokyo, 2001.

4. Lịch sử 50 năm thực hiện Luật Bảo tồn di sản văn hóa, Cục Văn hóa và Công ty Gyosei xuất bản, Tokyo, 2001.

5. Trương Minh Hằng (chủ biên) Tổng tập Nghề và Làng nghề truyền thống Việt Nam, NXB.Khoa học Xã hội, 2012.

6. Trang web của Cục di sản văn hóa: http://dch.gov.vn/

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn