GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

PHẢN ỨNG CỦA NHẬT BẢN TRƯỚC VIỆC BẮC TRIỀU TIÊN TIẾN HÀNH THỬ NGHIỆM BOM NHIỆT HẠCH

Đăng ngày: 12-01-2016, 21:35

Ngày 6/1/2016 vừa qua, Bắc Triều Tiên tuyên bố lần đầu tiên thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch. Đây là lần thứ 4 Bắc Triều Tiên tiến hành thử nghiệm bom hạt nhân và là lần thứ 2 dưới thời lãnh đạo của Kim Jong Un. Ba lần trước diễn ra vào tháng 10 năm 2006,  tháng 5 năm 2009 và tháng 2 năm 2013[1]. Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cho rằng vụ thử bom nhiệt hạch là một biện pháp tự vệ để đảm bảo một cách chắc chắn hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và an ninh khu vực trước mối đe dọa chiến tranh hạt nhân từ các nước đế quốc, đứng đầu là Mỹ. Ông nhấn mạnh đó là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền và là hành động đúng luật mà không ai có thể chỉ trích.

Các chuyên gia về nguyên tử hiện đang nghi ngờ vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên có đúng là bom nhiệt hạch hay không vì các quan trắc khí tượng cho thấy cường độ chấn động do vụ nổ gây ra không quá lớn. Tuy nhiên, cho dù thử nghiệm của Bắc Triều Tiên có phải là bom nhiệt hạch hay không, hoạt động này cho thấy Bình Nhưỡng gia tăng sức mạnh vũ khí hạt nhân và là sự thách thức lớn đe dọa đến an ninh và hòa bình thế giới.

Trang báo mạng Sankei Nhật Bản viết rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong lời phát biểu ngày đầu năm không đề cập đến phát triển đạn hạt nhân, nhấn mạnh xây dựng lại nền kinh tế. Đối với Bắc Triều Tiên, để phát triển kinh tế việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc là hết sức cần thiết. Song việc tiến hành thử nghiệm bom nhiệt hạch lần này khiến cộng đồng quốc tế không thể hiểu được tư tưởng của Bắc Triều Tiên[2].

Bình luận về hành động của Bắc Triều Tiên, giáo sư Izumi Hajime của trường Đại học Shizuoka cho biết ông không nghĩ rằng Bắc Triều Tiên đã thực hiện vụ thử bom nhiệt hạch vì mục đích ngoại giao. Các vụ thử hạt nhân trước đây của Bình Nhưỡng không nhất thiết dẫn đến các cuộc đàm phán ngoại giao với Mỹ.

Ông Izumi lập luận rằng Bắc Triều Tiên có thể muốn tạo ra một tình huống khiến cho nước này có thể ngày càng bị cô lập hơn bằng cách thể hiện rõ rệt ý định của mình muốn tăng cường cái mà nước này gọi là khả năng răn đe hạt nhân, phớt lờ yêu cầu của cộng đồng quốc tế về việc từ bỏ chương trình hạt nhân của nước mình. Ông đưa ra ý kiến rằng giới lãnh đạo của Bắc Triều Tiên có thể muốn lái sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế đối với tương lai mờ nhạt của nước này, trước khi diễn ra phiên họp của Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 5 năm nay[3].

Sáng ngày 7/1/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong khoảng 20 phút. Ông Abe cho rằng vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên là sự đe dọa nghiệm trọng về đảm bảo an ninh làm tổn hại đến hòa bình và an toàn của khu vực. Để ngăn chặn những hành động khiêu khích, điều rất cần thiết là cộng đồng quốc tế phải thể hiện thái độ cương quyết, đồng thời ông kêu gọi sự liên kết giữa Nhật Bản và Mỹ. Tổng thống Obama hoàn toàn nhất trí và nhấn mạnh đây là hành động tồi tệ đe dọa cộng đồng quốc tế và khu vực, cần thực thi các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho Nhật Bản và các quốc gia đồng minh[4].

Người dân Nhật Bản cũng bất bình với những hành động gây mất ổn định khu vực và quốc tế của Bắc Triều Tiên. Từ ngày 8-10 tháng 1 vừa qua, báo Yomiuri đã thực hiện cuộc điều tra dư luận người dân về việc Bắc Triều Tiên tiến hành thử nghiệm bom nhiệt hạch. Kết quả cho thấy 76% đồng tình cần tăng cường biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, chỉ có 14% trả lời là không cần thiết[5].

Vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch lần này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cuộc thương lượng về vấn đề Bắc Triều Tiên bắt cóc các công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980. Vào tháng 7/2014, Bắc Triều Tiên đã thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt để điều tra số phận của những người Nhật bị bắt cóc và bị mất tích khác. Tuy nhiên nước này vẫn chưa đưa ra báo cáo về kết quả của cuộc điều tra này. Nhật Bản đang hợp tác với cộng đồng quốc tế để gây sức ép với Bắc Triều Tiên buộc nước này sớm trả lại những công dân bị bắt cóc. Trong việc giải quyết vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc, Thủ tướng Abe thực hiện theo nguyên tắc "hành động đổi lấy hành động" và thực tế các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ một phần sau khi Bắc Triều Tiên bắt đầu mở lại cuộc điều tra trong năm 2014 về số phận của các công dân Nhật Bản bị bắt cóc.

Trước tình hình hiện tại, chính phủ Nhật Bản đang xem xét để tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã chỉ thị các bộ trưởng trong nội các của mình đưa ra một biện pháp đáp trả kiên quyết, trong khi vẫn theo dõi sát sao các hành động của Bắc Triều Tiên và cộng đồng quốc tế. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm việc tái áp dụng các hạn chế về tự do đi lại giữa hai nước và lệnh cấm các tàu thuyền của Bắc Triều Tiên cập cảng Nhật Bản cho dù đó là do các mục đích nhân đạo. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide nói Nhật Bản cũng sẽ xem xét áp dụng một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến các biện pháp trừng phạt về kinh tế[6].

Mặt khác, từ đầu năm 2016, Nhật Bản đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hoạt động thử nghiệm bom nhiệt hạch lần này là vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc về loại bỏ vũ khí hạt nhân. Việc ứng phó với Bắc Triều Tiên lần này là thách thức đối với Nhật Bản trong việc phát huy quyền chỉ đạo trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

[1] 「水爆」に疑問 「威力は広島型原爆の半分程度で失敗」との指摘も 波形は過去3回と同規模

http://www.sankei.com/world/news/160106/wor1601060125-n1.html

[2] 北朝鮮の核実験 厳しい制裁を突きつけよ

http://www.sankei.com/column/news/160107/clm1601070003-n1.html

[3] Tin NHK ngày 6/1/2016

http://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/

[4] 日米首脳が電話会談、新たな北制裁主導で一致

http://www.yomiuri.co.jp/politics/20160107-OYT1T50036.html

[5] 慰安婦合意49%評価、北制裁「強化を」76%

http://www.yomiuri.co.jp/politics/20160110-OYT1T50114.html

[6] Tin NHK ngày 7/1/2016

http://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/

 

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn