GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

MỘT SỐ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở NHẬT BẢN HIỆN NAY

Đăng ngày: 13-08-2017, 00:27

1. Hai giai đoạn của giáo dục đại học Nhật Bản có ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục hiện thời

Nền đại học Nhật Bản từ sau Đại Chiến thứ hai đến cuối thế kỷ 20 bao gồm hai gia đoạn, có ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống giáo dục hiện nay của đất nước này. Đó là:  Giai đoạn vàng son (1945-1990), và Giai đoạn khó khăn (1990-đến nay).

1.1. Giai đoạn vàng son của đại học

Nhờ vào gia tăng trên xuất khẩu quân nhu cho chiến tranh Triều Tiên, vào khoảng năm 1955 nền kinh tế Nhật Bản hồi phục lại được mức sản xuất trước Đại Chiến, và đến khoảng năm 1980 thì mức thu nhập trên đầu người trong nước đã vượt qua các quốc gia Âu Châu. Sự thịnh vượng của nền kinh tế đã tạo ra một giai đoạn vàng son cho nền đại học Nhật trong các thập niên 1950, 1960, 1970 và 1980, qua gia tăng trên nhu cầu người tốt nghiệp đại học phát sinh bởi khuếch đại sản xuất nhằm đáp ứng gia tăng nhu cầu sản phẩm trong và ngoài nước. Yếu tố quan trọng nhất trong giai đoạn này là các công trình thiết lập đại học không đáp ứng kịp với tốc độ quá nhanh của gia tăng nhu cầu đại học, nhất là trong các thập niên 1960 và 1970, gây ra tình trạng thiếu trường và từ đó có sự tranh đua mãnh liệt trong giới học sinh và phụ huynh bậc trung học.

Thời kỳ 1960-1990 và nhất là các thập niên 1960 và 1970 được xem là giai đoạn vàng son của nền đại học Nhật Bản không chỉ vì lý do số cầu lớn hơn số cung, và do đó các đại học không gặp khó khăn trên mặt tài chính. Số sinh viên có chất lượng cao cũng là một yếu tố quan trọng. Vì sinh viên tốt nghiệp đại học trong thời kỳ này được trọng dụng trong các cơ quan hánh chánh và các hãng xưởng lớn trong nước, đại học được xem như một cánh cửa hẹp dẫn đến thành công trong tương lai. Điều này đương nhiên gây ra tính cạnh tranh mãnh liệt trong ban giáo chức, học sinh và phụ huynh bậc tiều và trung học toàn quốc. Kết quả là hầu hết sinh viên đậu vào các trường đại học đều có tiềm năng cao và đầy đủ kiến thức căn bản để tiếp thu nội dung các bài giảng bậc đại học một cách dễ dàng. Giáo viên đại học không phải bỏ nhiều công lao vào việc khai thác phương pháp giảng dạy và chuẩn bị tài liệu[1].

1.2. Quá trình đại chúng hoá giáo dục cấp đại học và giai đoạn khó khăn

Kể từ năm 1992, số người vào tuổi gia nhập đại học ở Nhật, lấy một tượng trưng là nhân khẩu 18 tuổi, lên xuống giữa 1,6 ~2,0 triệu người trong ba thập niên 1960-90 rồi bắt đầu chỉ khuynh hướng thuyên giảm rõ rệt. So với tổng dân số ở tuổi vào học đại học, số sinh viên được nhận vào các trường đại học mỗi năm tăng rất nhanh, từ 163 ngàn trong năm 1960 đến 600 ngàn trong năm 2000. Nhưng từ khoảng cuối thập niên 1990, tốc độ gia tăng số người vào đại học xuống nhanh khiến tổng số chỉ đạt đến 608 ngàn trong năm 2008. Một điểm cần chú ý ở đây là, mặc dầu số người nhập học không gia tăng, số trường đại học thiết lập trong nước vẫn tiếp tuc gia tăng nhanh từ 649 trường trong năm 2000 đến 765 trường trong năm 2008. Những con số thống kê đề cập ở đây chứng tỏ một đăc điểm thường được đề cập trong các thảo luận về quá trình tiến triển của nền giáo dục bậc đại học Nhật từ sau Đại Chiến Thứ Hai, đó là: quá trình đại chúng hoá giáo dục và khác biệt giữa hai thời kỳ trước và sau năm 2000.

Quá trình đại chúng hoá giáo dục bậc đại học được thấy rõ qua biến chuyển trong tỷ suất người nhập hoc. Tỷ suất người nhập học bậc đại học tăng từ 8,2% vào năm 1960 đến 49,0%  vào năm 2008. Có thể nói rằng trong nửa thế kỷ gần đây cung cấp giáo dục đại học đã biến dạng từ một dịch vụ khan hiếm (rất ít người được học) đến một món hàng bình dân (ai cũng có thể học). Trong quá trình đại chúng hoá này một điểm thường được đề cập là khác biệt giữa thời kỳ trước năm 2000 và thời kỳ sau năm 2000. Trong thời kỳ trước năm 2000, lượng cầu (tức tổng số người nộp đơn thi vào đại học) lớn hơn lượng cung (tức khả năng thu nhận sinh viên của các đại học). Nhưng kể từ khoảng năm 2000 thì ngược lại phát sinh ra hiện tượng dư thừa, lượng cung lớn hơn lượng cầu.

Quá trình đại chúng hoá giáo dục bậc đại học kể trên có ảnh hưởng rất mạnh vào nền giáo dục bậc đại học trên ba phương diện: thuyên giảm chất lượng của sinh viên, thay đổi trong nội dung và phương pháp giảng dạy, và suy nhược trong tình trạng tài chính của các trường đại học, nhất là các đại học tư thành lập trong các thập niên gần đây[2]

2. Một số vấn đề trong giáo dục đại học Nhật Bản hiện nay

2.1. Vấn đề  trường lớp

Nhà xã hội học nổi tiếng của Nhật Bản, Kariya Takhiko mô tả thực trạng giáo dục đại học của Nhật Bản hiện tại như là “căn bệnh Nhật Bản” và cảnh báo rằng “ngoại trừ một số ít các trường đại học hàng đầu, vào đại học không còn có tính cạnh tranh cao và sinh viên đã đánh mất động lực học tập”. Nhiều trường đại học tư đang trong tình cảnh khó khăn về tài chính do không có khả năng để thu hút đủ lượng sinh viên.

Theo Gregory Clark, cựu Chủ tịch Đại học Tama, các trường đại học tư ở Nhật Bản cần phải đảm bảo được số lượng sinh viên nhất định để họ có thể tồn tại như một thực thể kinh tế. Tuy nhiên, trong năm 2013 có gần một nửa trường đại học tư nhân hệ 4 năm không thể tuyển sinh đủ sinh viên theo chỉ tiêu. Vấn đề càng phức tạp đối với Nhật Bản khi có một thực tế là số lượng trường tư lại chiếm hơn 75% và trong hơn một thập kỷ qua, rất nhiều trường cao đẳng công lập đã được tái cơ cấu thành các trường đại học hệ 4 năm.

Một chiến lược chung của các trường tư nhân nhằm tránh tình trạng phá sản và duy trì tài chính cần thiết là tuyển sinh sinh viên nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á. Chiến lược này phù hợp với “Chương trình 300.000 sinh viên quốc tế” của Chính phủ Nhật Bản, với mục tiêu tuyển 300.000 sinh viên quốc tế vào năm 2020.

Do các trường đại học coi những sinh viên nước ngoài là nền tảng để tồn tại, nên nhiều trường đang nỗ lực để tăng cường các dịch vụ cho sinh viên quốc tế, như cung cấp các khóa học tiếng Nhật, hỗ trợ cho các vấn đề cuộc sống hàng ngày, và giúp đỡ tìm kiếm chỗ ở và việc làm ở Nhật Bản. Như vậy, sinh viên là khách hàng của các trường đại học và giáo dục đại học là một ngành công nghiệp[3].

2.2. Vấn đề giáo viên

Đã từ lâu, chất lượng giảng dạy tại các trường đại học Nhật Bản đã không còn hiệu quả. Các giáo viên  hầu như chỉ quan tâm đến việc nghiên cứu và xuất bản và không chú trọng nâng cao phương thức giảng dạy cho sinh. Có quá nhiều lớp đại học ở Nhật vẫn dựa vào các bài giảng một chiều, không tập trung vào sinh viên.

Do đó, các ủy ban tuyển dụng tại các trường đại học cần phải đặt trọng lượng vào chứng chỉ giảng dạy cũng như chất lượng và khối lượng nghiên cứu và ấn phẩm. Hiện tại, nghiên cứu vẫn là tiêu chí chính để tuyển dụng.

Quy mô lớp học, công nghệ học tập, cơ sở tự nghiên cứu và tài liệu thư viện cũng là những lĩnh vực cần cải tiến và có thể nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Bộ Giáo dục[4].

2.3. Vấn đề sinh viên

Theo một cuộc khảo sát do các nhà nghiên cứu tại Bennesse Corp., một công ty giáo dục thuộc khu vực tư nhân thực hiện, 73% học sinh dành ít hơn 3 tiếng mỗi tuần để chuẩn bị, sửa đổi và làm bài tập ở bên ngoài lớp (và 20% không dành thời gian cho việc này). Ngoài ra, 81% sinh viên tự học vượt quá yêu cầu của chương trình học ít hơn 3 giờ một tuần.

Thậm chí, các trường đại học bốn năm được đã cho phép nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ sau ba năm đào tạo. Điều này là do hầu hết sinh viên đang bận rộn tìm việc từ nửa cuối năm thứ ba, khiến họ không có thời gian để tham dự các lớp học. Phần lớn, các trường đại học tư thục không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thái độ này từ sinh viên của họ. Danh tiếng của một trường đại học phụ thuộc vào số lượng sinh viên tốt nghiệp thành công trong việc tìm kiếm việc làm. Để đảm bảo lượng sinh viên mới đủ tiêu chuẩn, một trường đại học phải chịu áp lực lớn trong công tác tuyển sinh. Điều này khiến các trường phải chấp nhận cả những sinh viên không đủ chất lượng. Thực tế, vấn đề này phát sinh từ thực tế là các trường đại học tư nhân bị phụ thuộc tài chính từ nguồn học phí của sinh viên[5].

Như vậy có thể thấy rằng, giáo dục đại học ở một đất nước tiên tiến như Nhật Bản hiện nay vẫn còn đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Sự phát triển nhanh chóng về số lượng các trường đại học đã kéo theo hàng loạt các nguy cơ xấu trong giáo dục. Do đó, để giải quyết vấn đề nan giải này trong giáo dục, đòi hỏi Nhật Bản cần tìm ra một chính sách hiệu quả hơn trong môi trường mới hiện nay.

Nguyễn Thị Ngọc Anh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1], [2] Lê Thành Nghiệp, Nền giáo dục đại học Nhật bản quá trình thành lập, đặc điểm và hiện trạng

https://www.erct.com/2-ThoVan/LTNghiep/NengiaoducDaihocNhatBan.htm

[3]Đại học tư nhân- vấn đề của giáo dục đại học Nhật Bản

http://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dai-hoc-tu-nhan-van-de-cua-giao-duc-dai-hoc-o-nhat-ban-350812.vov

[4]The Japan Times, Improving teaching at the university, ngày 16/8/2013

http://www.japantimes.co.jp/opinion/2013/04/16/editorials/improving-teachng-at-universities/#.WYvdeTMjHcd

[5] Kariya Takehiko, Higher education and the Japanese disease

http://www.nippon.com/en/in-depth/a00602/



Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn