GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

THỰC TẾ VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN NGHỈ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NAM GIỚI KHI CÓ CON Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 9-10-2017, 09:01

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho hay, nhiều nam giới Nhật Bản chấp nhận việc nghỉ phép khi có con nhưng trên thực tế họ đã không thực hiện quyền này, bởi họ "sai lầm khi tin là những nam giới khác nghĩ rằng việc nghỉ chế độ khi sinh con là điều không thuận lợi”. Họ cho biết một phần lý do khiến tỷ lệ nam giới Nhật Bản chấp nhận chế độ này ở mức thấp (3% trong năm 2016) có thể được lý giải bằng một tình huống tâm lý được gọi là "sự vô tri đa nguyên", trong đó một chuẩn mực bị cá nhân từ chối nhưng được tuân theo do niềm tin sai lầm rằng nó được chấp nhận bởi đa số trong nhóm.

Kết quả từ nhóm nghiên cứu do Giáo sư Hiroyuki Yamaguchi, giáo sư tâm lý giáo dục tại Đại học Kyushu, công bố dựa trên một cuộc khảo sát trực tuyến vào năm 2016 ở nơi làm việc có hệ thống quyền nghỉ chế độ khi làm cha. Trong số 299 người được hỏi thì có 221 người tương ứng với hơn70 % có thái độ tích cực đối quyền nghỉ chế độ này. Tuy nhiên, 118 trong số 221 tin rằng "những người đàn ông khác có thái độ tiêu cực". Điều này dẫn chứng cho hiện tượng “vô tri đa nguyên”. 103 người tin rằng những người đàn ông khác chia sẻ quan điểm tích cực của họ về việc đàn ông nghỉ phép khi có con.

Trên thực tế, Nhật Bản  là quốc gia có một trong những điều khoản cho phép nam giới nghỉ phép khi có con thoáng nhất trên thế giới. Tuy nhiên,  trong số 700 thành viên quốc hội của nước này, chỉ có một người quyết định thực hiện quyền lợi này.[1]

Kensuke Miyazaki, một chính trị gia 34 tuổi thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP), trở thành chính trị gia đầu tiên của Nhật Bản được nghỉ phép làm cha khi vợ ông, nghị sĩ Megumi Kaneko, có con đầu lòng. Trong quá trình nghỉ phép để chăm sóc con, Miyazaki đã tách khỏi đa số những người đàn ông lao động tại Nhật Bản, nơi mà áp lực của nhà tuyển dụng khiến họ từ bỏ quyền được nghỉ phép của cha.

Năm 2015, chỉ 2,3% số nam giới trong diện này chấp nhận nghỉ phép. Các nhà phân tích đã chỉ ra một xu hướng gây nên việc này, đó là bởi nền văn hóa làm việc do nam giới là chủ yếu và bởi sự thiếu can đảm của nhiều phụ nữ khi tham gia vào lực lượng lao động. Ông Miyazaki cho rằng là một nhà lập pháp, bằng việc tuyên bố muốn nghỉ phép để làm cha, ông có thể trở thành người tiêu biểu và làm dấy nên một chút tác động vào xã hội.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nhật Bản là nước có "quyền của cha đặc biệt được trả lương cao nhất". Những người cha có con mới sinh được nghỉ phép 12 tháng và giữ lại gần 60% tiền lương. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, tỷ lệ này thấp hơn so với Nhật Bản. Hàn Quốc cho phép người cha có con mới sinh được nghỉ 6 ngày trong 1 năm và trợ cấp 31% tổng số tiền lương. Điều đó trái ngược với các nước như Thụy Điển, nơi có gần 90% nam giới nghỉ phép làm cha và 16 tháng nghỉ phép của bố mẹ có thể được chia ra giữa các ông bố và bà mẹ.

Áp lực đối với người đàn ông Nhật Bản để tiếp tục thực hiện vai trò trụ cột truyền thống trong gia đình sau khi trở thành cha có khả năng làm thất bại nỗ lực của thủ tướng Shinzo Abe trong việc khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động và tăng trưởng kinh tế.

Khoảng 60% phụ nữ Nhật Bản rời khỏi nơi làm việc vĩnh viễn sau khi có con, một phần là nghỉ ở nhà để chăm con. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do số lượng khiếu nại về việc sách nhiễu thai sản tăng lên như sa thải, cách chức, đối xử không công bằng và lạm dụng giao ước miệng sau khi sinh.

Ông Abe nói rằng ông muốn lực lượng nữ lao động tăng lên và khoảng cách lương so với nam giới giảm xuống. Hiện tại, ở cùng một vị trí việc làm, phụ nữ trung bình kiếm được 70% mức lương so với nam giới. Con số này khiến Nhật Bản đứng thứ 104 trong số 142 quốc gia trong chỉ số khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2014. Nhật Bản cũng là một trong những nước kém nhất trong số 34 nền kinh tế hàng đầu của OECD với tỷ lệ 64% tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động, so với con số 84% ở nam giới.

Sự kỳ thị xã hội gắn liền với chế độ nghỉ khi làm cha không chỉ ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong một cuộc khảo sát gần đây tại Anh của Opinion Matters, 40% nam giới cho biết họ đã chọn không tham gia quyền dành thời gian nghỉ dưỡng để chăm sóc trẻ em.

Miyazaki, người đã nói với các đồng nghiệp của LDP rằng ông sẽ mất khoảng một tháng để làm các nhiệm vụ ở Hạ viện. Và ông đã bị chỉ trích vì quyết định của mình. Hơn nữa, tổng thư ký của LDP, ông Sadakazu Tanigaki còn cho rằng sự vắng mặt của ông ta có thể làm tổn hại đến vận may của đảng trong kỳ họp quốc hội hiện nay. Ông nói "Trong tình huống căng thẳng, sẽ nảy sinh vấn đề nếu một cuộc bỏ phiếu tạo ra kết quả khác biệt". Khi tuyên bố quyết định của mình, Miyazaki nói rằng ông muốn "thúc đẩy sự tham gia của nam giới vào việc nuôi dạy con cái và sẵn sàng nỗ lực làm việc để giúp nhận ra rằng một xã hội mà trong đó mọi người đều đóng vai trò tích cực". [2]

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch cung cấp trợ cấp cho các công ty cho phép các ông bố dành thời gian nghỉ ngơi để cố gắng nâng tỷ lệ nghỉ chế độ lên 13% vào cuối thập kỷ này. Mặt khác, về phía Thủ tướng Shinzo Abe, thông qua chính sách này, ông  muốn nam giới Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào việc nuôi dạy trẻ dưới một chiến dịch được gọi là dự án "ikumen", có nghĩa là người đàn ông nuôi dạy con cái. Nhưng theo các số liệu từ Văn phòng Nội Các, chỉ có 1,9% nam giới  Nhật Bản nghỉ chế độ khi sinh con trong năm 2012. Và mục tiêu của chính phủ là nâng con số này lên 13% vào năm 2020.

Một số công ty công nghiệp tài chính, trong đó có công ty Bảo hiểm Nhân thọ Nippon và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Meiji Yasuda, đã có những phản ứng tích cực  đối với chương trình này nhằm khuyến khích nam giới nghỉ ngơi sau khi có con.

Masako Ishii-Kuntz, giáo sư xã hội học tại Đại học Ochanomizu, Tokyo, nói: "Dự án ikumen đã giúp làm cho mọi người nhận ra rằng nam giới có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ em”. Tuy “có một khoảng cách rất lớn giữa kế hoạch lý tưởng và thực tế, nhưng khoảng trống đó cần phải được lấp đầy".

Chính phủ đang mong muốn đến năm 2020, tỷ lệ lao động nghỉ hè hưởng lương hàng năm sẽ tăng từ 47% đến 70 %, và tỷ lệ phụ nữ trở lại làm việc sau khi sinh sẽ tăng từ 38% đến 55%. Mục đích của chính sách là nếu việc nghỉ phép của nam giới và sự tham gia của lực lượng lao động nữ tăng lên, toàn bộ xã hội sẽ phát triển thịnh vượng hơn.

Theo OECD, khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới ở Nhật Bản là con số cao thứ hai trong số các nước phát triển, sau Hàn Quốc. Những số liệu cho thấy, lao động nữ làm việc toàn thời gian tại Nhật Bản kiếm được ít hơn 29% so với đàn ông, cao hơn so với con số  trung bình 16% ở các nước OECD. Ở Hàn Quốc con số này lên đến 39%. Ông Masako Mori, Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và tỷ lệ sinh, cho biết sự thay đổi cần thiết của các công ty đến từ các ông chủ, do đó chính phủ đang tài trợ cho các chương trình và bài giảng để giúp các nhà quản lý khuyến khích nam giới nghỉ phép khi có con.[3]

Chính phủ Nhật Bản sẽ giới thiệu mức trợ cấp cho các công ty khi cho phép người cha dành thời gian để chăm sóc con. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động. Các công ty không có nhân viên nam nghỉ phép chăm sóc trẻ trong ba năm qua sẽ được hưởng chương trình của Bộ Phúc lợi. Họ sẽ được trả 300.000 yên (2.483 đô la) cho người cha đầu tiên nghỉ phép và 150.000 yên cho mỗi nhân viên sau đó, tổng cộng lên tới 5 người

Hiện nay, chỉ có 2,3% nam giới có vợ hoặc chồng sinh con được nghỉ phép làm cha. Việc nâng cao con số đó sẽ giúp nam giới hỗ trợ vợ của họ trở lại làm việc sau khi sinh. Chính phủ cũng sẽ mở rộng các chính sách hướng tới những bà mẹ có con nhỏ. Họ sẽ được giúp đỡ để dễ dàng trở lại làm việc sau một khoảng thời gian nghỉ sinh con. Các trường dạy nghề và thương mại,  nơi trông giữ trẻ sẽ nhận được trợ cấp, cho phép các bà mẹ học được các nghiệp vụ mà không lo lắng về việc tìm người giữ trẻ.

Các chương trình đào tạo kéo dài từ 3 đến 6 tháng chủ yếu hướng tới phụ nữ ở các hộ gia đình có thu nhập thấp và hỗ trợ đào tạo, tập trung vào việc chăm sóc, điều hành và bán hàng. Những người tham gia sẽ nhận được khoản tiền lên tới 100.000 yen mỗi tháng, cùng với chi phí vận chuyển.

Việc mở rộng nơi làm việc của phụ nữ đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách hơn khi dân số trong độ tuổi lao động của Nhật giảm đi. Mặt khác, tốc độ phát triển công nghệ và các vấn đề khác khiến cho những người mẹ nghỉ việc lâu rất khó để quay trở lại lao động. Do đó, các chính sách mới đều hướng tới mục đích giữ cho nhiều lao động nữ sau khi sinh con có được những kỹ năng cần thiết để trở lại làm việc sau thời gian nghỉ.[4]

Nguyễn Thị Ngọc Anh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] “‘Pluralistic ignorance’: Study finds Japanese men favor paternity leave, wrongly believe male peers don’t”

https://www.japantimes.co.jp/news/2017/09/21/national/pluralistic-ignorance-study-finds-japanese-men-favor-paternity-leave-wrongly-believe-male-peers-dont/#.WcMlUtWCzcc

[2] “ Kensuke Miyazaki to become first ever Japanese MP to take paternity leave”

https://www.theguardian.com/world/2016/jan/07/kensuke-miyazaki-to-become-first-ever-japanese-mp-to-take-paternity-leave

[3] “To boost economy, recruiting stay-at-home dads”

https://www.japantimes.co.jp/news/2014/04/30/business/economy-business/boost-economy-recruiting-stay-home-dads/#.WcR6p9WCzcc

[4] “Japan plans subsidies for paternity leave”

https://asia.nikkei.com/Politics-Economy/Policy-Politics/Japan-plans-subsidies-for-paternity-leave

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn