GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐỊA VỊ XÃ HỘI CỦA PHỤ NỮ NHẬT BẢN TỪ SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI ĐẾN NAY

Đăng ngày: 8-12-2019, 20:44

Địa vị xã hội của nữ giới Nhật Bản thay đổi theo từng thời đại trong lịch sử. Như thời kỳ Nara (710-794) và Heian (794-1192) vẫn còn tàn dư của chế độ mẫu hệ nên địa vị xã hội của nữ giới khá cao. Thời kỳ này, phụ nữ ngoài làm việc nhà và chăm sóc con cái, cũng tham gia buôn bán và được kế thừa gia sản từ cha mẹ, cặp vợ chồng sau khi kết hôn sống trong nhà người vợ. Đặc biệt các nữ tu sĩ trong các đền thờ Thần đạo có địa vị cao và được xã hội coi trọng. Cùng với dòng chảy thời gian, cấu trúc xã hội thay đổi và địa vị xã hội của nữ giới Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng. Khi chính quyền nằm trong tay các tướng quân thời kỳ Kamakura (1192-1333) và Muromachi (1336-1573), địa vị của nam giới trở nên cao hơn.

Giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay

Bước sang thời kỳ Minh Trị Duy tân (1868-1912), nữ giới Nhật Bản đã tiến hành vận động nhiều phong trào đấu tranh đòi bình đẳng giới giống như các nước phương Tây, nhưng không thành công. Giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đặc biệt là từ những năm 1970 đến nay, địa vị xã hội của nữ giới Nhật Bản dần được nâng cao. Nữ giới Nhật Bản ngày nay không chỉ có vai trò làm việc nhà và chăm sóc con cái, thay vào đó họ đã và đang cố gắng nâng cao vị thế của mình thông qua việc tham gia tích cực vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên địa vị xã hội của nữ giới Nhật Bản vẫn còn thấp so với nhiều quốc gia Âu - Mỹ, tiêu biểu là Thụy Điển và Hoa Kỳ. Vì vậy, cho đến nay, bình đẳng giới và nâng cao địa vị xã hội của nữ giới vẫn được coi là một vấn đề lớn trong xã hội.

Xã hội Nhật Bản thời hậu chiến đã trải qua những biến đổi to lớn về kinh tế và xã hội,  cùng với đó mối quan hệ giữa giữa nam giới và nữ giới cũng thay đổi đáng kể. Nhật Bản thời kỳ trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai là một xã hội gia trưởng, trong đó nữ giới phải chịu sự phân biệt đối xử so với nam giới, tuy nhiên thời kỳ hậu chiến, đặc biệt kể từ sau khi Hiến pháp Nhật Bản được thực thi năm 1947, tuyên bố rằng bình đẳng giới và quyền con người phải được duy trì và bảo đảm, sự thay đổi về địa vị nữ giới ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Tại cuộc tổng tuyển cử lần thứ 22 (cũng là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau năm 1945) được tổ chức vào ngày 10 tháng 4 năm 1946, lịch sử Nhật Bản lần đầu tiên được chứng kiến hơn 20 triệu phụ nữ Nhật (chiếm 50,4 % dân số Nhật lúc bấy giờ) đi bỏ phiếu. Và cũng trong cuộc tổng tuyển cử này, 39 trong số 89 ứng cử viên nữ đã được bầu vào Quốc hội và trở thành các nghị sĩ. Sự kiện này đánh dấu sự “bước chân” chính thức của phụ nữ vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhật Bản, cũng từ đây phụ nữ Nhật đã có tiếng nói, quyền năng trong việc quyết định các dự thảo luật, tâm tư và nguyện vọng của nữ giới hứa hẹn sẽ được phản ánh qua các điều luật để xây dựng một xã hội bình đẳng. Tháng 10/1948, Hội Liên hiệp phụ nữ Nhật Bản ra đời với vai trò đề xướng của Oku Muemo, trở thành tổ chức thống nhất toàn quốc của nữ giới Nhật sau chiến tranh. Các hoạt động của Hội không chỉ tác động mạnh mẽ đến việc đòi quyền lợi kinh tế cho nữ giới mà còn có sức ảnh hưởng tới cả hệ thống chính trị Nhật Bản.

Kể từ đó, thông qua các cuộc bầu cử của Hạ viện, Thượng viện và các hội đồng địa phương, tỷ lệ bỏ phiếu của nữ giới luôn trên 60%. Tuy nhiên từ những năm 1970, số lượng ứng cử viên tham gia các cuộc bầu cử Hạ viện, Thượng viện và Hội đồng địa phương đã giảm đi. Năm 1973, số nữ nghị sĩ trong Hạ viện đã giảm từ 39 người vào năm 1946 xuống chỉ còn 7 người, ngay cả khi Hạ viện tăng từ 466 thành viên lên đến 491 thành viên. Tính đến năm 1977, đại diện phụ nữ vẫn ở mức thấp, chỉ có 6 phụ nữ ở Hạ viện và ít hơn ở Thượng viện[1]. Năm 1974, bà Aiko Noda trở thành người phụ nữ đầu tiên làm việc tại Tòa án tối cao của Nhật Bản, điều này cho thấy những rào cản đối với nữ giới khi tham gia chính trị đang dần biến mất. Nữ giới Nhật Bản cũng ngày càng tự do trong việc phát biểu, tổ chức hội họp, thành lập hội nhóm…. Họ đã tự thành lập và hoạt động trong nhiều tổ chức kinh tế, chính trị và tôn giáo như Liên đoàn cử tri nữ, Hiệp hội Kitô giáo của Phụ nữ trẻ (YWCA), các câu lạc bộ của nữ giới tại địa phương… Đến những năm 1980 đã có 2/3 nữ giới Nhật Bản tham gia vào một hiệp hội hay tổ chức nào đó, tiếng nói của họ đối với xã hội ngày càng cao so với thời kỳ trước Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Khi địa vị của nữ giới Nhật Bản dần được cải thiện sau chiến tranh, họ tích cực đấu tranh chống lại nạn mại dâm, xem phụ nữ như công cụ mua vui của nam giới đã tồn tại lâu đời ở nước này. Ngay từ năm 1949, chính phủ đã ban hành đạo luật nhằm bãi bỏ các nhà chứa, trong đó có các nhà chứa lớn như nhà chứa Tobita ở Osaka hay Yoshiwara ở Tokyo được hình thành và phát triển từ những năm 1600. Song phải tới ngày 1/4/1958, theo nghị định của Chính phủ, nạn mại dâm mới chính thức bị cấm và các nhà chứa bị xóa bỏ hoàn toàn.

Sự tham gia của nữ giới vào các loại hình nghề nghiệp khác nhau đã bắt đầu trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ hai khi họ được tuyển dụng thay thế cho nam giới bị triệu tập tham gia quân đội. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, số lượng lao động nữ tiếp tục tăng cao. Năm 1948, tổng số lao động nữ đạt khoảng 3.000.000 người và năm 1970, tiếp tục tăng lên 10.960.000 người, chiếm 33,2% tổng số lao động trên cả nước. Đến năm 1976, con số này đã lên tới 19.960.000 người, chiếm 38% lực lượng lao động trên cả nước. Nếu như thời điểm trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, phần lớn phụ nữ Nhật Bản làm việc trong các ngành kinh tế trọng điểm như nông, lâm, ngư nghiệp, khai khoáng… thì sau đó, do sự chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao (từ năm 1955 đến năm 1973) dẫn đến số người lao động làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ… ở các khu đô thị chiếm đa số. Từ năm 1960 đến 1970, số lượng lao động nữ làm việc trong các ngành chế biến, dịch vụ và các ngành bán buôn bán lẻ đã tăng mạnh, chiếm tới 80% tổng số lao động nữ[2].

Vào thập niên 1980, hưởng ứng các phong trào vì phụ nữ do Liên Hợp Quốc khởi xướng, quan điểm "thời đại của phụ nữ" nhận được ủng hộ lớn từ người dân, số lượng nữ giới tham gia lao động sản xuất tiếp tục tăng mạnh, cho đến giữa thập niên 1990, số lao động nữ đã chiếm đa số trong tổng số lao động cả nước. Năm 1985, Nhật Bản đã thông qua Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại nữ giới của Liên Hợp Quốc, theo đó yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải tiến hành mọi biện pháp hợp lý, bao gồm cả lập pháp, để loại bỏ phân biệt đối xử đối với nữ giới trong tất cả các lĩnh vực. Cũng trong năm 1985, Nhật Bản đã ban hành Bộ luật Cơ hội việc làm bình đẳng, thúc đẩy một sự thay đổi lớn trong khuôn khổ pháp lý của Nhật Bản đối với bình đẳng giới trong công việc, bằng cách cố gắng ngăn cấm phân biệt đối xử trong tất cả các giai đoạn của công việc, từ tuyển dụng, đào tạo, phân công, thăng tiến và chấm dứt công việc (bao gồm cả miễn nhiệm và nghỉ hưu bắt buộc). Tuy nhiên các chương trình hành động tích cực chỉ thực sự lan rộng kể từ Luật Cơ hội việc làm bình đẳng được sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện hơn vào năm 1997. Bộ luật này đã thay đổi nghĩa vụ nỗ lực tránh phân biệt đối xử thành nghiêm cấm phân biệt đối xử trong tuyển dụng, phân công và thăng tiến trong công việc. Nhờ đó, bắt nguồn từ các doanh nghiệp lớn, các hoạt động tuyển dụng và bổ nhiệm phụ nữ ngày càng lan rộng một cách tích cực. Việc phát triển hệ thống đánh giá nhân sự, không kể đến giới tính mà coi trọng các yếu tố dựa trên hiệu suất lao động hơn là các yếu tố thâm niên đã tác động đến việc thay đổi cách ứng xử và mức lương dành cho nữ giới trong các doanh nghiệp.

Ngày nay, bên cạnh các ngành dịch vụ, các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản, phụ nữ Nhật Bản cũng đảm nhận công việc trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, ngoại thương và thậm chí là khoa học công nghệ, những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao. Tuy nhiên, phụ nữ chỉ chiếm 8% số bác sĩ, 0,5% số luật sư và 1% số công chức trong các cơ quan hành chính. Phụ nữ chiếm một nửa số giáo viên tiểu học, nhưng chỉ chiếm 1% trong số hiệu trưởng của trường tiểu học[3]. Tỷ lệ các nhà lãnh đạo, quản lý là nữ  ở Nhật Bản chỉ ở mức thấp so với các quốc gia Âu Mỹ. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ nhân viên nữ so với tỷ lệ nữ là quản lý, điều hành gần như tương đương bởi hai tỷ lệ này đã ở mức cao kể từ thập niên 1960 khi mà Chính sách hành động vì bình đẳng giới được thực thi ở nước này.

Năm 1999, theo công bố từ Bộ Yế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, tỷ lệ phụ nữ đi làm ở Nhật Bản chỉ chiếm 57%, thấp nhất trong các nước phát triển. Một trong những giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề khủng hoảng thiếu lao động do dân số già thời kỳ này của Nhật Bản là có thêm nhiều phụ nữ tham gia thị trường lao động. Ông Shinzo Abe khi tái đắc cử thủ tướng năm 2012 đã nhấn mạnh khái niệm "womenomics", nhằm kêu gọi sự tham gia của nhiều phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy nền kinh tế. Từ đó, vai trò của phụ nữ ở Nhật Bản được nhìn nhận như một trụ cột chính trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Từ năm 2012-2016, giai đoạn gắn liền với việc triển khai chiến lược kêu gọi phụ nữ "đi làm", đã có thêm 1,5 triệu phụ nữ Nhật tham gia thị trường lao động và số phụ nữ làm các vị trí quản lý đã tăng gấp đôi; sự tham gia của phụ nữ Nhật Bản vào thị trường lao động đã lên mức 66%, vượt cả Mỹ (64%). Cũng trong thời gian này, số tiền các tập đoàn Nhật Bản kiếm được tăng 55% và tổng GDP của Nhật Bản cũng tăng lên 9%. Cùng với đó, tỉ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đạt mức thấp nhất trong lịch sử[4].

Việc giảm tải tiến tới xóa bỏ tình trạng thiếu chỗ gửi trẻ và đảm bảo gửi trẻ với chi phí hợp lý là một trong những nguyên nhân khiến số lượng phụ nữ đi làm tăng vọt. Tháng 4/2016, một đạo luật khuyến khích lao động nữ ở Nhật Bản chính thức có hiệu lực. Luật này yêu cầu các công ty tư nhân quy mô lớn và các cơ sở nhà nước có từ 300 lao động trở lên phải công bố thông tin về giới như tỷ lệ nữ giới trong ban lãnh đạo và các vị trí quản lý. Mặt khác, Thủ tướng Shinzo Abe cũng kêu gọi tất cả các công ty niêm yết phải bổ nhiệm ít nhất một phụ nữ trong ban giám đốc nhằm đảm bảo phụ nữ chiếm 30% ở tất cả vị trí lãnh đạo trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh trước năm 2020[5]. Đây là một bước đi có ý nghĩa và tăng cường tính minh bạch trong vấn đề lao động nữ.

Địa vị của phụ nữ Nhật Bản trong hôn nhân và gia đình cũng được tự do hóa kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Từ năm 1947, một đạo luật quy định nguyên tắc bình đẳng giữa hai giới đã được thiết lập liên quan đến quyền tự do kết hôn và ly hôn, quyền sở hữu và thừa kế tài sản… Theo luật này, cha mẹ không có quyền quyết định hôn nhân của con cái khi họ trên 20 tuổi. Mặt khác, việc quyết định ly hôn không còn là hành động đơn phương của người chồng như trước đây. Việc chồng ngoại tình hay các lý do khác từ phía chồng cũng là một trong những căn cứ để phụ nữ có thể tiến hành ly hôn theo pháp luật. Theo xu hướng của các nước phát triển như Hoa Kỳ, vấn đề tiền cấp dưỡng và các hình thức phân chia tài sản sau ly hôn ở Nhật Bản cũng đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Theo quy định mới, việc thừa kế tài sản sau khi ly hôn đã có sự bình đẳng giữa con trai và con gái, bên cạnh đó có một phần dành riêng cho người vợ. Bộ luật mới cũng xóa bỏ nguyên tắc về “shoshi” (những đứa con ngoài giá thú của người chồng mà bộ luật cũ yêu cầu người vợ hợp pháp phải công nhận là con của mình). Trước đây, chỉ có người chồng với địa vị là chủ nhà, là người nắm quyền duy nhất trong gia đình theo pháp luật, có quyền áp đặt ý kiến đối với các thành viên khác trong gia đình thì ngày nay, việc quyết định nơi ở, chi phí sinh hoạt, việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái hay các vấn đề khác trong gia đình đều cần có sự bàn bạc và thống nhất của cả hai vợ chồng.

Ngoài những tiến bộ về mặt pháp lý, sự tiến bộ của khoa học công nghệ với sự ra đời của nhiều thiết bị gia dụng hiện đại đã giải phóng các bà nội trợ Nhật Bản khỏi nhiều công việc cực nhọc và buồn tẻ khiến họ bận rộn cả ngày, thay vào đó họ dành thời gian rảnh để hưởng thụ và chăm sóc bản thân hơn. Nhìn chung sự thay đổi xã hội kết hợp với đô thị hóa đã làm suy yếu khái niệm đại gia đình truyền thống (với cấu trúc phức tạp, nhiều thế hệ) được “cai trị” bởi con trai trưởng dựa trên nguyên tắc của dòng họ, thay vào đó là gia đình hạt nhân, trong đó chỉ bao gồm một cặp vợ chồng và con cái của họ. Sự thay đổi này không chỉ giúp phụ nữ Nhật Bản thoát khỏi các tập tục hà khắc của gia đình chồng mà còn tạo điều kiện cho họ quản lý các công việc trong gia đình. Cùng với đó, sự thay đổi cấu trúc sinh hoạt trong gia đình cũng khiến cho các giá trị xã hội của Nhật Bản cũng dần thay đổi. Thực tế là phụ nữ Nhật Bản ngày càng cởi mở, năng động và tự tin hơn thay vì hình ảnh cam chịu và khép kín như thế hệ trước đây.

Một số vấn đề đặt ra

Tuy đã có nhiều thay đổi tích cực đối với vấn đề bình đẳng giới về mặt pháp lý, song trên thực tế việc thay đổi những tư tưởng cố hữu trong xã hội là rất khó khăn. Những phong tục và truyền thống vốn có đã kéo dài nhiều thế kỷ và cố hữu trong tư tưởng nhận thức của người Nhật Bản khi đặt gánh nặng người vợ và người mẹ lên vai người phụ nữ thì khó có thể dễ dàng thay đổi bằng tấm gương phương Tây hoặc thông qua luật pháp. Ở một số vùng nông thôn Nhật Bản, nhiều phong tục và quy tắc cổ hủ vẫn còn tồn tại, nam giới vẫn giữ quyền lực tối cao trong mọi lĩnh vực của đời sống. Chẳng hạn, việc người chồng và con trai được ưu tiên phục vụ trước trong bữa ăn; khi người chồng tiếp khách trong nhà, người vợ dành thời gian phục vụ và phải ăn uống ở trong bếp; người vợ lùi lại để chồng đi trước, thậm chí là nhường ghế cho chồng trên tàu điện ngầm… Trên thực tế, sự tham gia các công việc nhà của nam giới Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia G7 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2014, phụ nữ Nhật Bản dành 225 phút và nam giới Nhật Bản dành 31 phút mỗi ngày cho việc nhà và chăm sóc con cái (mức trung bình của OECD là 208 phút đối với phụ nữ và 90 phút đối với nam giới)[5]. Phụ nữ Nhật Bản phải đảm nhận hầu hết mọi công việc tại nhà và nuôi dạy con cái, thậm chí thời gian làm việc cả ở ngoài xã hội và gia đình nhiều hơn, song thu nhập trung bình của phụ nữ chỉ bằng một nửa so với nam giới.

Ở Nhật Bản, thị trường tuyển dụng lao động khi phụ nữ đi làm trở lại sau khi sinh con không có sự điều chỉnh và linh hoạt, do đó để cân bằng giữa công việc và gia đình, nhiều phụ nữ đã phải lựa chọn các công việc bán thời gian hoặc làm tạm thời thay vì tìm cho mình một công việc ổn định lâu dài. Năm 2012, tỷ lệ phụ nữ làm công việc bán thời gian là 42,5%, trong khi tỷ lệ này ở nam chỉ là 9,5%[6]. Các công việc bán thời gian mà phụ nữ làm thường là lương thấp, điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế như không được đóng bảo hiểm, không có cơ hội thăng tiến… Cũng chính bởi phụ nữ không thể có thời gian làm việc liên tục lâu dài nên thường không được tuyển dụng cho các vị trí việc làm chính thức mà hệ thống trả lương theo thâm niên được áp dụng. Ngay cả khi trở thành nhân viên chính thức phụ nữ thường vẫn phải làm một loại công việc cố định trong nhiều năm với mức lương thấp. Nói cách khác đó là một vị trí công việc không thể có sự thăng tiến và mức lương như nam giới. Trong khi đó với mọi ngành nghề và quy mô doanh nghiệp, nam giới thường được xem xét, đánh giá việc thăng chức hay tăng lương qua số năm họ làm việc bất kể họ có làm các công việc không chính thức như làm thêm, làm bán thời gian… Do đó, cho dù có luật về trả lương ngang nhau cho công việc như nhau nhưng mức lương cho phụ nữ Nhật Bản trung bình chỉ bằng một nửa so với nam giới và theo độ tuổi, thu nhập của phụ nữ ngày càng tạo khoảng cách với nam giới. Theo kết quả “Điều tra sự chênh lệch giữa thu nhập của lao động nam và nữ ở Nhật Bản” do Cục Bình đẳng giới thực hiện, năm 2011, có hơn 60% lao động nữ Nhật Bản có thu nhập dưới 3 triệu yên một năm, trong khi tỷ lệ này ở nam chỉ là 23,9%. Ngược lại, nếu 18,0% lao động nam có thu nhập trên 7 triệu yên một năm thì nữ chỉ là 2,8%.

Kết quả một cuộc thăm dò do Cục Bình đẳng giới thực hiện vào năm 2018 cho thấy có 75% các doanh nghiệp Nhật Bản không có các cán bộ cấp cao là nữ giới, và phần lớn các doanh nghiệp phụ nữ chiếm chưa đến 10% các vị trí quản lý. Trong lĩnh vực chính trị, 70 năm sau cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra vào năm 1946, năm 2016, số phụ nữ trong hạ viện là 45 người, chiếm 9,5%, hầu như không thay đổi về tỉ lệ. Tuy nhiên so sánh tỉ lệ tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị với 195 nước trên thế giới, Nhật Bản chỉ xếp vị trí thứ 156. Điều này cho thấy chính sách đề cao vai trò phụ nữ của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe với mục tiêu phụ nữ chiếm 30% các vị trí quản lý vào năm 2020 khó có thể trở thành hiện thực, việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và nâng cao địa vị xã hội của nữ giới trong tương lai gần vẫn tiếp tục là thách thức lớn đối với Nhật Bản.

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1], [2],  [3] Soon Man Rhim (1983), Women of Asia: Yesterday and today (India, China, Korea, Japan), Friendship Press, England.

[4], [6] Aki Iida (2018), Gender inequality in Japan: The status of women, and their promotion in the workplace, Corvinus University of Budapest.

[5] シャジニナ・ハンナ(2019)、『日本女性の社会地位に関する歴史的研究位』、広島大学(Shazinina Hannah (2019), Nghiên cứu lịch sử về địa vị xã hội của phụ nữ Nhật Bản, Đại học Hiroshima).

 

 

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn