GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN VÀ HÀN QUỐC CAM KẾT XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI KHÔNG CARBON 2050

Đăng ngày: 17-11-2020, 12:15

Ngày 26/10, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội kể từ khi nhận chức, trong đó, những vấn đề về biến đổi khí hậu được Thủ tướng Suga quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt các mối nguy hại ảnh hưởng tới môi trường toàn cầu. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đưa ra cam kết nước Nhật sẽ đạt được mục tiêu không phát thải khí nhà kính và một xã hội không carbon vào năm 2050. So với mục tiêu trước đây của Nhật Bản là cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, thì đây là mục tiêu thể hiện tham vọng của chính quyền Thủ tướng Suga. Với mục tiêu mới này, Nhật sẽ bắt kịp Liên minh châu Âu vốn đã đặt ra mục tiêu tương tự vào năm ngoái.

Cụ thể, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dự định đưa việc kiến tạo nền kinh tế bền vững thành một trụ cột trong chiến lược tăng trưởng và nỗ lực tối đa để trở thành một xã hội xanh, và trong đó có mục tiêu xây dựng xã hội không carbon vào năm 2050. Theo ông Suga, việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch để ứng phó với biến đổi khí hậu là một cơ hội thay vì là một gánh nặng. Cần phải thay đổi cách suy nghĩ để nhìn nhận rằng việc thực hiện các giải pháp tích cực giúp chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ dẫn đến sự thay đổi trong cấu trúc ngành công nghiệp và nền kinh tế, từ đó đem đến sự tăng trưởng vượt bậc.

Theo kế hoạch năng lượng hiện tại của Nhật Bản (xây dựng vào năm 2018), 22-24% tổng năng lượng của Nhật Bản là năng lượng tái tạo, 20-22% là năng lượng hạt nhân và 56% là năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí đốt...). Các chuyên gia cũng đang thảo luận về việc chỉnh sửa kế hoạch năng lượng cơ bản của Nhật Bản vào năm 2030 và 2050. Trong đó, để đạt được mục tiêu cân bằng carbon vào năm 2050, Nhật Bản cần có những thay đổi lớn, có thể phải kích hoạt thêm các nhà máy điện hạt nhân. Các chuyên gia cho biết, hiện khoảng 40% phát thải carbon của Nhật Bản từ các nhà máy điện. Các nhà máy này cần tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời phát triển các công nghệ sử dụng hydrogen, ammonia và các nguồn năng lượng không phát thải carbon khác [1].

Trong khi đó, Thủ tướng Suga cũng đưa ra nhận định rằng việc thực hiện mục tiêu đến năm 2050 trở thành một xã hội không phát thải carbon là không hề dễ dàng. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực trong ngành năng lượng, vốn là nguồn phát thải hơn 80% tổng lượng khí nhà kính. Tại Hạ viện vào ngày 28/10, các nghị sĩ cũng đã đặt câu hỏi cho ông Suga về chính sách trung hòa carbon vào năm 2050 sau khi ông đưa ra. Ông Edano Yukio, người đứng đầu đảng Dân chủ Lập hiến, đảng chính trong phe đối lập, hoan nghênh kế hoạch của ông Suga. Tuy nhiên, ông kêu gọi Thủ tướng Suga không nên tăng cường sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân để đạt được mục tiêu này. Về phần mình, Thủ tướng Suga cho biết chính phủ sẽ đặt mục tiêu tiết kiệm triệt để năng lượng và đưa vào sử dụng tối đa năng lượng tái tạo để giảm thiểu phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Đồng thời, sẽ theo đuổi tất cả các phương án, trong đó không chỉ có năng lượng tái tạo mà còn cả năng lượng hạt nhân. Ông cũng cam kết sẽ tập trung vào các cuộc thảo luận để tìm ra giải pháp [2]. Bên cạnh đó, ông Suga cũng khẳng định sẽ đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ chủ chốt như pin mặt trời thế hệ tiếp theo và tái chế carbon. Ông cũng cam kết giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào năng lượng than đá. Ông Suga là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đưa ra mốc thời gian cụ thể để hiện thực hóa việc giảm thiểu khí thải và xây dựng xã hội không carbon. Giám đốc điều hành tổ chức Greenpeace Jennifer Morgan nhận định, không carbon không còn là một giấc mơ xa vời mà là một cam kết cần thiết, phù hợp với các thỏa thuận biến đổi khí hậu quốc tế [3].

Cùng ngày 26/10, sau bài phát biểu của Thủ tướng Suga, phía Trung Quốc đã đánh giá cao và hoan nghênh những cam kết của Thủ tướng Nhật Bản với mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng Nhật Bản và Trung Quốc sẽ cùng chung tay giải quyết những vấn đề gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ: “Biến đổi khí hậu là một thách thức lớn mà nhân loại đang phải đối mặt. Chúng ta phải tôn trọng chủ nghĩa đa phương, tập hợp sức mạnh của tất cả các nước và cùng nhau giải quyết vấn đề này... Động thái của Nhật Bản sẽ giúp tăng cường những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế” [4]. Trước đó, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đưa ra cam kết hướng tới mục tiêu không thải carbon vào năm 2060.

Về phía Hàn Quốc, sau tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, ngày 28/10/2020, trong bài phát biểu tại Quốc hội, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc - một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhất thế giới, sẽ tích cực hành động để cùng cộng đồng quốc tế đối phó biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết nỗ lực để trung hòa lượng khí thải carbon vào năm 2050. Ông Moon cũng cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ đầu tư 8 nghìn tỷ won (tương đương 7,1 tỷ USD) vào các dự án “thỏa thuận xanh mới”, đồng thời tuyên bố sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào than đá và thay thế bằng năng lượng tái tạo. Liên hợp quốc đã bày tỏ sự hoan nghênh trước những tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc. Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết đây là một bước đi rất tích cực và đúng hướng sau kế hoạch tăng trưởng xanh - hình mẫu của Hàn Quốc từng được công bố hồi tháng 7. Thành viên của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) khu vực Đông Á cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi kỳ vọng rằng cam kết quan trọng này sẽ dẫn dắt ngành công nghiệp Hàn Quốc nhanh chóng chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang hệ thống sử dụng 100% năng lượng tái tạo” [5].

Có thể thấy, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide là vị thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đưa ra một mốc thời gian cụ thể để hiện thực hóa việc giảm thiểu khí thải và xây dựng một xã hội không carbon. Các quốc gia Nhật - Hàn và trước đó là Trung Quốc, ba nền kinh tế lớn nhất ở Đông Á đã đặt ra những cam kết rõ ràng nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là bảo vệ môi trường sống của con người. Đây là một tín hiệu vô cùng tích cực và có sức lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích các quốc gia khác trên thế giới cùng thực hiện. Giữa những lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu, sự gia tăng bất thường các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, việc đưa ra những mục tiêu theo hướng chủ động những biện pháp phòng chống biến đổi khí hậu đi đôi với việc thay đổi cơ cấu công nghiệp và kinh tế, là việc làm cấp thiết, từ đó đem lại sức tăng trưởng mới tốt hơn cho các quốc gia.

Trần Mỹ Hoa

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]; [3] Diet session opens; Suga says Japan to go carbon-free by 2050

https://japantoday.com/category/politics/post-abe-agenda-suga-says-japan-to-go-carbon-free-by-2050

[2] Suga outlines carbon-neutral society by 2050

https://www.newsonjapan.com/html/newsdesk/article/128790.php

[4] Trung Quốc hoan nghênh 'mục tiêu xanh' của Nhật Bản

https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-hoan-nghenh-muc-tieu-xanh-cua-nhat-ban-20201026195314068.htm

[5] South Korea's Moon targets carbon neutrality by 2050

https://www.japantimes.co.jp/news/2020/10/28/asia-pacific/south-koreas-moon-carbon-neutrality-2050/

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn