GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TỔNG QUAN VỀ GIÁO DỤC NHẬT BẢN SAU NĂM 1974

Đăng ngày: 1-09-2021, 13:51

1. Bối cảnh kinh tế xã hội Nhật Bản trước và sau năm 1974

Vào đầu thế kỷ 20 Nhật Bản là một xã hội nông nghiệp. Từ năm 1955 đến 1974, Nhật Bản đã trải qua thời kỳ tăng trưởng  tốc độ cao và thay đổi từ xã hội nông nghiệp thành xã hội công nghiệp với 14% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, 34% trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và 52% tham gia học đại học. Trong 15 năm sau  năm 1974 GNP tăng trưởng trung bình 4% một năm.

Cuối thập niên 1980, đầu 1990 nền kinh tế Nhật Bản có biểu hiện suy thoái từ cuộc khủng hoảng tài chính. Năm 1995, lần đầu tiên trong 20 năm, số việc làm thường xuyên giảm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2,1% năm 1991 lên 5,5% vào tháng 12 năm 2002 (Bản tin Lao động Nhật Bản, 2003). Vào đầu thế kỷ 21 Nhật Bản đã phát triển thành nền kinh tế dịch vụ. Năm 2000, 34% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, 60% trong lĩnh vực dịch vụ và 6% trong nông nghiệp (OECD, 2000).

Sự thay đổi của nền kinh tế từ năm 1974 đến nay đã đòi hỏi hệ thống giáo dục Nhật Bản phải có những bước cách tân, đào tạo ra lớp thế hệ lao động mới phù hợp với sự tiến bộ xã hội. Vào giai đoạn kinh tế tăng trưởng cao, giáo dục chủ yếu đào tạo ra thế hệ lao động có kỹ thuật đa dạng, sức bền bỉ tốt, phù hợp với nhiều loại công việc. Sau khi nền kinh tế hứng chịu những tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế, hệ thống giáo dục buộc phải thay đổi chính sách, tập trung vào phát triển tính cá nhân và tính sáng tạo trong lao động, đào tạo ra lớp thế hệ lao động có kỹ năng chuyên môn sâu. Lịch sử cho thấy, đối với một đất nước không có nhiều tài nguyên thiên nhiên như Nhật Bản, sự phát triển của quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào lực lượng lao động được đào tạo tốt.

 

2. Giáo dục tại Nhật Bản

Về cơ bản, tại Nhật Bản, giáo dục là bắt buộc và được miễn phí với trẻ từ 6 đến 15 tuổi. Đất nước này sử dụng 4,5% ngân sách dành cho giáo dục mỗi năm. Song, phụ huynh học sinh cũng đóng góp khoảng 25% chi phí học tập. Hệ thống giáo dục Nhật Bản đa phần là các trường tư thục với 70% số lượng học sinh được tiếp nhận. Trường phổ thông Nhật Bản tiếp nhận trẻ 6 -12 tuổi vào học tiểu học. Tiếp theo là 3 năm trung học với trẻ từ 13-15 tuổi và 3 năm phổ thông trung học với trẻ từ 15-18 tuổi. Ngoài ra, ở độ tuổi 15, học sinh có thể lựa chọn hình thức giáo dục nghề sơ cấp. Ở độ tuổi 18, thanh thiếu niên có thể lựa chọn hình thức học cao đẳng trong 2 năm hoặc học lên đại học trong 4 năm tiếp theo.

 

 

  1. a. Đặc trưng của nền giáo dục Nhật Bản

Thứ nhất, Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Ở đây, tỷ lệ nhập học luôn ở mức độ rất cao ở các cấp trung học, đại học và giáo dục nghề. Khoảng 80% học sinh tham gia giáo dục đại học và khoảng 70% tổng số người Nhật Bản được tiếp nhận vào thị trường lao động với bằng đại học. Việc đào tạo kỹ năng nghề được xem như là nhiệm vụ của các công ty [1].

Thứ hai, Nhật Bản có tỷ lệ tham gia giáo dục cao nhất trên thế giới. Hơn 90% lực lượng lao động Nhật Bản đã được đào tạo đủ 14 năm phổ thông. Chỉ khoảng 4% học sinh Nhật Bản bắt đầu đi làm ở tuổi 15. Hơn 95% tiếp tục đi học cho đến năm 18 tuổi, sau đó, khoảng 33% bắt đầu đi làm [1].

Đặc trưng thứ ba của hệ thống giáo dục Nhật Bản là tất cả các tổ chức giáo dục bắt buộc đều sử dụng các kỳ thi đầu vào và một hệ thống kiểm tra tập trung đã tồn tại từ 2 thập kỷ nay. Các trường đại học hàng đầu chỉ nhận những sinh viên giỏi nhất.

Thứ tư,  hệ thống giáo dục Nhật Bản là sự lựa chọn quyết định, hệ thống "hensachi"  phân chia nhóm tuổi thành các nhóm có khả năng tương tự. Mục đích của hệ thống giáo dục Nhật Bản là đào tạo ra những sinh viên ưu tú nhất để lựa chọn vào các công việc tốt nhất theo con đường thi cử gian nan. Đây là lý do tại sao một nhà nghiên cứu đã mô tả xã hội Nhật Bản là một xã hội dân chủ bằng cấp. Sự kết hợp của hệ thống kiểm tra với việc làm suốt đời làm cho thành tích xuất sắc ở trường trở thành vấn đề rất nghiêm trọng đối với học sinh. Điều đó có nghĩa là họ phải trải qua một thời kỳ rất khó khăn trong suốt thời gian học tập cho đến khi đỗ vào một trường đại học hàng đầu. Có thể nhận thấy, hai điều rất quan trọng trong hệ thống giáo dục này, đó là: Đầu tiên,  học sinh phải lựa chọn hướng đi quan trọng nhất cho nghề nghiệp của bản thân từ độ tuổi 15. Thứ hai là họ khó có thể chuyển từ hệ thống giáo dục phổ thông sang hệ thống giáo dục nghề nghiệp và ngược lại.

Thứ năm, hệ thống giáo dục Nhật Bản là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và các trường đại học và cao đẳng. Việc làm suốt đời có nghĩa là tuyển dụng ban đầu cũng chính là  lựa chọn nghề nghiệp cả đời, bởi vậy cuộc cạnh tranh giáo dục ngay từ bước đầu thực sự là một cuộc chiến. Điều này thúc đẩy học sinh phải học tập rất chăm chỉ, liên tục tham gia các cuộc luyện thi tư nhân ở trường,  tham gia kỳ kiểm tra đầu vào và được chấp nhận bởi một trường đại học hàng đầu, bởi vì các công ty lớn chỉ lựa chọn những sinh viên giỏi thuộc các trường đại học nổi tiếng.

Thứ sáu là hệ thống giáo dục Nhật Bản không có chương trình đào tạo nghề quốc gia. Chỉ 10% lực lượng lao động có trình độ chuyên môn nghề nghiệp trước khi bắt đầu làm việc. Những sinh viên này kiếm được việc làm trong các công ty vừa và nhỏ có ít phương tiện đào tạo. Các kỹ năng nghề và giáo dục đặc biệt được đào tạo trong các công ty lớn hơn với nhiều cơ sở đào tạo tại chỗ và luân chuyển.

Như vậy, có thể nhận ra vấn đề lớn nhất của hệ thống giáo dục Nhật Bản, đó là: Hệ thống giáo dục Nhật Bản cung cấp rất ít cơ hội cho những đứa trẻ có năng khiếu, tài năng hoặc những tài năng nở muộn, và không giúp những học sinh tụt hậu. Thực tế, trong các trường học Nhật Bản, sự bất bình đẳng vẫn tồn tại: 20% sinh viên nghèo nhất của xã hội Nhật Bản chỉ có 1/3 cơ hội vào trường đại học, trong khi 20% sinh viên giàu sẽ nhận được phần lớn cơ hội này [2]. Chi phí học tập tại các trường nghề và trường đại học cũng rất đắt đỏ khiến các sinh viên nghèo khó có khả năng theo học. Điều thú vị là trong khi các nhà giáo dục và chính trị gia ở Hoa Kỳ hoan nghênh cách tiếp cận kỷ luật từ nền tảng cơ bản của giáo dục Nhật Bản, thì bản thân người Nhật lại chỉ trích nó là quá cứng nhắc và ngột ngạt.

  1. b. Cải cách giáo dục tại Nhật Bản

Giáo dục Nhật Bản theo lối truyền thống dựa trên một chương trình giảng dạy chung trong phạm vi rộng. Phương thức này đã sản sinh ra những người lao động có độ bền bỉ và có kỹ năng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của xã hội công nghiệp hóa nửa sau thế kỷ 20. Nhưng khi nền kinh tế những năm 1990 thay đổi, nhu cầu xã hội đòi hỏi người lao động phải có những kỹ năng chuyên sâu, chẳng hạn như khả năng sáng tạo hoặc kỹ năng làm những công việc cụ thể trong các khâu sản xuất, đã tạo nên áp lực mới cần phải thay đổi hệ thống giáo dục. Lúc này, để điều chỉnh chính sách giáo dục phù hợp, làm giảm áp lực của cuộc suy thoái kinh tế kéo dài, Nhật Bản đã thực hiện các mục tiêu sau:

• Duy trì tính toàn diện của hệ thống giáo dục, bằng cách giảm thiểu học sinh bỏ học ở mỗi thời điểm chuyển tiếp

• Mở rộng liên kết giữa giáo dục và thị trường lao động. Các liên kết này hiện mạnh nhưng hẹp, tập trung vào điểm tuyển dụng.

• Tăng cường giáo dục hướng nghiệp đặc biệt cho cấp trung học cơ sở

• Thúc đẩy sự linh hoạt và tính cá nhân, cung cấp cho người trẻ nhiều lựa chọn khác biệt và sở thích cá nhân.

Nhìn chung, những cải cách trong giáo dục Nhật Bản tập trung vào phát triển sự sáng tạo và tính cá nhân của học sinh, thay thế việc học thuộc lòng bằng cách học thực hành với sự chú trọng nhiều hơn vào trình diễn và thử nghiệm. Học sinh giỏi có thể chọn nhiều môn học hơn.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, sinh viên thường xuyên có cơ hội thu được kinh nghiệm trong các chương trình thực tập tại các công ty. Hiện nay, sự hợp tác giữa các công ty, trường học và các trường đại học trong lĩnh vực giáo dục thực hành và đào tạo bậc cao (các khóa học sau tiến sĩ, nghiên cứu) đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, những cải cách này không đem lại nhiều hiệu quả đối với những học sinh giỏi tại các trường tư thục và các trường đại học top đầu.

Như vậy có thể thấy rằng, sự thay đổi của môi trường kinh tế xã hội đã tác động mạnh đến hướng đi của nền giáo dục Nhật Bản. Cải cách giáo dục là cần thiết để duy trì xã hội phát triển tiến bộ.

Qua phân tích có thể rút ra những điểm cơ bản về hệ thống giáo dục Nhật Bản như sau: 1/ Giáo dục và nền kinh tế có mối quan hệ tác động hai chiều. Một mặt, sự thay đổi kinh tế luôn tạo ra áp lực khiến hệ thống giáo dục phải có bước đổi mới, đào tạo ra nguồn lao động có trình độ phù hợp trong môi trường sản xuất thay đổi. Mặt khác, nguồn lao động chất lượng cao được đào tạo với kỹ năng tốt là cơ sở xây dựng nền kinh tế phát triển ổn định. 2/ Hệ thống giáo dục Nhật Bản được xây dựng rất chặt chẽ song vẫn còn nhiều áp lực về vấn đề thi cử và bằng cấp, chưa chú trọng nhiều đến những tài năng đặc biệt. 3/ Mối quan hệ giữa giáo dục trong nhà trường và đào tạo thực tập tại các công ty có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, các công ty lớn là cơ hội chỉ giành cho những sinh viên ưu tú thuộc trường đại học top đầu. Việc lựa chọn công việc này thậm trí có ý nghĩa cả đời đối với người lao động trong xã hội Nhật Bản.

 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

  1. Simone J.van Zolingen, Developments in Education and training in Japan,

https://files.eric.ed.gov/fulltext/ED492317.pdf

  1. Education system in Japan: bureaucracy, society and international rankings, https://factsanddetails.com/japan/cat23/sub150/item833.html

 

Nguyễn Thị Ngọc Anh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn