GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Cộng đồng ở đô thị Nhật Bản: nguy cơ và giải pháp (Phần 1)

Đăng ngày: 3-11-2021, 13:23

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh chóng, đưa đến những biến động lớn về dân số, phân bố dân số cũng có sự thay đổi, vào cuối thời kỳ tăng trưởng cao, cả khu vực đô thị lẫn vùng nông thôn nước Nhật đều mang trong mình những vấn đề lớn.

Nếu như trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, vào những năm 1920, dân số sống ở thành phố chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng dân số Nhật Bản, thì ngay trong thời kỳ chiến tranh những năm 1940, cùng với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, tỉ lệ dân số đô thị cũng gia tăng nhanh chóng, lên tới 40%. Sau khi nước Nhật bại trận, công nghiệp tại các thành phố đình đốn, nên tỉ lệ dân số thành thị giảm trong một thời gian ngắn. Sau đó, nền kinh tế Nhật Bản được phục hồi và nhanh chóng phát triển, tốc độ “đô thị hóa dân số” cũng không ngừng tăng. Năm 1955, tỉ lệ dân số đô thị đã lên tới trên 50%, năm 1985 tỉ lệ này vào khoảng 80%. Tuy nhiên, thời kỳ này, do có chính sách hợp nhất các trị trấn và thôn làng, nên có thể nói, khu vực đô thị không hẳn là toàn bộ các thành phố, nhưng nếu điều tra dựa trên những tiêu chí nghiêm ngặt về dân cư đô thị, thì lúc này dân số đô thị cũng chiếm tới trên 60% tổng dân số Nhật Bản. Nhưng có một tình trạng bất cập là dân số đô thị chủ yếu lại tập trung ở 3 thành phố lớn nhất của Nhật Bản là Tokyo, Osaka và Nagoya. Đặc biệt, vào giữa thập niên 1980, dân số Tokyo đã chiếm tới 25% tổng dân số Nhật Bản, còn dân số ở 3 đại đô thị nói trên cộng lại cũng chiếm tới 47% dân số nước Nhật và đến nay con số này hầu như không thay đổi.

Đô thị hóa dân số là do dòng người di cư từ nông thôn ra thành thị vào thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao những năm từ 1955 đến 1965. Những khu vực có dân cư lưu động và luồng di cư lớn nhất là từ vùng Tohoku, Chukoku, Shikoku và Kyushu, dân số giảm nhanh tại các tỉnh vùng núi và đảo này. Sau năm 1965, kinh tế tăng trưởng ở mức ổn định nên dòng người di cư cũng chững lại, hiện tượng sụt giảm dân số ở các vùng này tương đối cải thiện. Tuy nhiên, những người trẻ sau đó vẫn tiếp tục đổ ra các thành phố lớn tìm kiếm cơ hội học tập và việc làm, nên tại nông thôn, dân số vẫn tiếp tục già hóa so với các thành phố lớn, tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên ở nông thôn cũng thấp dưới mức trung bình của toàn nước Nhật.

Ở khu vực đô thị, sự tập trung dân cư đông đúc, mật độ dân cư cao dẫn đến ảnh hưởng xấu tới môi trường sống, tắc nghẽn giao thông, môi trường tự nhiên ô nhiễm nặng nề, tất cả những điều này tác động ngược trở lại đến con người. Bên cạnh đó, cộng thêm với sự thay đổi cơ cấu lao động, việc làm, lối sống, dẫn tới con số những người sống độc thân tăng lên, các hộ gia đình hạt nhân cũng tăng, giao tiếp xã hội và sự liên kết giữa những người sống trong cùng một khu vực ngày càng yếu đi.

Quay trở lại với vấn đề lao động, việc làm - một trong những tác nhân ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi lối sống và cơ cấu gia đình của người Nhật Bản, cuối cùng dẫn đến những hệ lụy đổ vỡ cộng đồng truyền thống. Năm 1955, nền công nghiệp bị phá hủy sau chiến tranh đã nhanh chóng được khôi phục lại, sau đó, kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng thần kỳ và điều này có ảnh hưởng lớn đến cơ cấu các ngành sản xuất trong nước Nhật. Lao động làm trong nhóm ngành nghề thứ nhất (nông, lâm, ngư nghiệp) giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 10% vào những năm 1980, lao động trong nhóm ngành nghề thứ 2 (công nghiệp nặng, công nghiệp hóa dầu...) tăng từ 20% lên 30%, sau đó tốc độ gia tăng chững lại, trong khi đó, nhóm ngành nghề thứ 3 (công nghiệp điện, sản xuất hàng tiêu dùng và dịch vụ...) tăng lên đến 50% vào những năm 1970 và đạt gần 60% vào năm 1980. Tuy nhiên, sau đó sự gia tăng tỉ lệ lao động trong các ngành sản xuất và giao thông vận tải chững lại, lao động bán hàng và làm trong các ngành dịch vụ cũng không tăng kể từ những năm 1980, thay vào đó, lao động “cổ trắng” vẫn tiếp tục gia tăng, chiếm 79% lao động Nhật Bản. Tầng lớp “cổ cồn” đã làm hình thành lối sống mới ở đô thị và các vùng ven đô nước Nhật, đó là lối sống “nhà ở cách xa nơi làm việc”. Họ đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, chỉ về nhà vào lúc trời đã khuya, ban ngày họ không có mặt tại nơi sinh sống, nên được mệnh danh là những “cư dân bóng đêm”. Nửa sau thập niên 1980, giá đất tăng cao hậu kinh tế bong bóng lại tiếp tục gây ra sự chuyển dịch dân cư từ khu vực trung tâm thành phố ra các vùng ngoại ô lân cận. Có thể nói, phần lớn cư dân đô thị là những người làm công ăn lương nên họ coi trọng các mối quan hệ ở công ty, ưu tiên cho công việc, do đó cảm giác phụ thuộc, gắn bó của họ với cộng đồng địa phương - nơi cư trú dần mất đi. Và cuối cùng, do tính chất của công việc, luân chuyển việc làm liên tục kéo theo sự thay đổi nơi cư trú, chưa kịp làm quen với hàng xóm láng giềng nơi ở mới thì đã phải chuyển đi, họ ít có cơ hội giao lưu, gần gũi với cộng đồng cũng như khó có thể quan tâm đến các công việc chung của cộng đồng. Một tầng lớp “cư dân vô cảm”, bàng quan với cuộc sống xung quanh, ít tiếp xúc hoặc giao lưu với hàng xóm ra đời, thay thế cho tầng lớp “cư dân truyền thống” gắn bó với cộng đồng trong xã hội nông nghiệp xưa kia. Cộng đồng thiếu vắng sự giao tiếp giữa các cá nhân, kết nối xã hội lỏng lẻo, việc tự nguyện tham gia các hoạt động chung của cộng đồng giảm, ý thức cộng đồng suy yếu. Đó chính là hiện trạng của cộng đồng đô thị ở Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Những thời kỳ tiếp theo, cộng đồng gặp phải khó khăn do sự suy giảm dân số, hoang hóa đất đai tại khu vực ven đô hoặc đô thị nhỏ. Có thể thấy, sau thời kỳ kinh tế bong bóng, thị trường địa ốc ở Nhật Bản sụp đổ, nhiều khu chung cư mới còn chưa kịp xây dựng, các khu nhà tập thể cũ thì lâm vào tình trạng đổ nát không người ở, trường học đóng cửa… gây ra tình trạng hoang hóa ngay tại một số khu vực đô thị nhỏ hoặc ven đô, kéo theo các hoạt động chung của cộng đồng giảm, sức sống của cộng đồng bị bào mòn.

Mặt khác, lối sống độc thân, hoặc kết hôn mà không sinh con tiếp tục tăng lên. Xu hướng các cặp vợ chồng cùng đi làm cũng tăng, khác với lối sống truyền thống chồng đi làm, vợ ở nhà nội chợ và chăm sóc con cái. Kinh tế phát triển khiến cho việc sử dụng xe ô tô riêng tăng ở các đô thị nhỏ, xu hướng đi mua sắm tại các siêu thị lớn ở ngoại thành cũng tăng lên. Kết quả là các khu phố bán hàng vốn rất sầm uất nằm ở trung tâm đô thị nhỏ ngày càng trở nên tiêu điều vì lượng người đi mua sắm giảm, người kế nghiệp của các cửa hàng buôn bán nhỏ cũng không có, dẫn đến nhiều cửa hàng phải đóng cửa, những khu phố chợ có mái vòm truyền thống như vậy chỉ còn là những con đường vắng vẻ. Trước đây, ở mỗi đô thị Nhật Bản đều có những khu phố bán hàng tại trung tâm thành phố. Khu phố bán hàng có vai trò rất quan trọng, nó là bộ mặt của cộng đồng, là không gian nghỉ ngơi, giải trí của cộng đồng. Việc biến mất các khu phố buôn bán đó đã làm mất đi cái “không gian thư giãn” chung của cộng đồng, những nghi lễ, lễ hội truyền thống cũng khó có thể tổ chức vì thiếu không gian và thiếu người đứng ra thực hiện. Cuối cùng, như một ngọn lửa nhỏ leo lét rồi vụt tắt, cộng đồng truyền thống ở các đô thị dần dần tan rã.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan làm tan rã cộng đồng truyền thống ở đô thị, còn có nguyên nhân chủ quan liên quan đến sự thay đổi trong suy nghĩ, lối sống của người Nhật Bản hiện đại. Một cuộc điều tra về ý thức người Nhật hiện đại được Viện Nghiên cứu NHK tiến hành 5 năm một lần từ năm 1973 đến 2008 đã cho kết quả về tình trạng quan hệ với hàng xóm làng giềng của người Nhật ở các khu đô thị mới (new town) như sau:

Bảng 3: Tình trạng quan hệ với hàng xóm của người Nhật Bản[1] (Đơn vị:%)

 

Đặc điểm

1973

1978

1983

1988

1993

1998

2003

2008

1. Quan hệ chỉ dừng ở việc chào hỏi khi gặp

Quan hệ chỉ mang tính hình thức

15,1

15,1

19,6

19,2

19,8

23,2

25,2

25,6

2. Có thể nói chuyện thoải mái

Quan hệ một phần

49,8

52,5

47,5

53,4

54,2

53,3

54,0

53,7

3. Quan hệ thân thiết, có thể tâm sự hoặc giúp đỡ nhau

Quan hệ toàn diện

34,5

31,9

32,4

26,8

24,9

22,8

19,6

19,4

4. Khác

 

0,0

0,0

0,0

0,0

0,1

0,1

0,0

0,1

5. Không biết

 

0,5

0,5

0,4

0,6

1,1

0,6

1,1

1,3

Từ bảng thống kê trên, có thể thấy quan hệ với hàng xóm của người Nhật trong 35 năm qua chuyển từ mối quan hệ “toàn diện”, khăng khít, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết, sang mối quan hệ “hình thức”, chỉ chào hỏi, tiếp xúc xã giao chứ không thân thiết. Nếu như vào năm 1973, có tới 34,5% người Nhật “thường xuyên qua lại, giúp đỡ hàng xóm”, thì tới năm 2008, con số này giảm xuống chỉ còn 19,4%. Cũng theo thống kê của Văn phòng Nội các Nhật Bản, khi được hỏi “Tại sao sự gắn kết với hàng xóm yếu đi?”, có 55,3% cho rằng “do tình cảm giữa những người sống gần nhau trong cộng đồng đang phai nhạt”, 49,8% cho rằng “ít có cơ hội giao lưu với hàng xóm”, còn 38,3% cho rằng “do ngày càng có nhiều người không hoan nghênh sự can dự của hàng xóm vào cuộc sống riêng của họ”[2]. Như vậy là dưới ảnh hưởng của đô thị hóa và sự thay đổi cơ cấu sản xuất, tuyển dụng, mối quan hệ trong cộng đồng kiểu cũ dần trở nên mờ nhạt. Lực lượng lao động mới đổ vào thành thị không quan tâm đến đời sống cộng đồng như trước kia, họ coi trọng “tính hợp lý”, “sự riêng tư”, “bình đẳng”, “tự do cá nhân”..., khiến cho việc duy trì cộng đồng kiểu cũ với quan niệm truyền thống gặp nhiều  khó khăn.

Mặc dù không thích liên quan đến hàng xóm đang là xu hướng chung của cư dân thành phố, nhưng tình cảm mà người Nhật dành cho khu vực mà họ sinh sống vẫn rất cao. Điều tra về “Mức độ yêu mến đối với vùng đất và con người nơi mình sinh sống” do Ban điều tra đời sống quốc dân thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản tiến hành đối với 5.000 người Nhật ngẫu nhiên, có độ tuổi từ 15 tuổi đến 80 tuổi cho thấy, gần 70% số người được hỏi cảm thấy “yêu mến” hoặc “rất yêu mến” vùng đất nơi họ sinh sống, chỉ có trên 30% trả lời “không rõ” hoặc “cảm thấy không thích” (trong đó 25,6% “không rõ”, chỉ có 5,6% “không thích” và 3,9% “rất không thích”)[3]. Trong khi đó, đối với câu hỏi “có muốn giao lưu với những thành viên khác trong cộng không”, câu trả lời phủ định lại chiếm đại đa số (hơn 60%). Khi được hỏi về “sự mong muốn cống hiến cho cộng đồng nơi cư trú”, số người “mong muốn” và “không mong muốn” chiếm tỉ lệ ngang nhau, mỗi loại trên dưới 50%. Tỉ lệ cụ thể được thể hiện trong biểu đồ dưới đây.

Biểu đồ 2: Mức độ tình cảm đối với cộng đồng nơi cư trú (đơn vị:%)[4]

Rất không thích/ Rất không muốn

Không thích, không muốn

Không biết

Vừa vừa

Rất

Muốn cống hiến cho cộng đồng

Tích cực giao lưu với các thành viên trong cộng đồng

Yêu mến khu vực sinh sống

 

Việc không thích giao lưu với hàng xóm láng giềng và cộng đồng cùng là một trong những lý do dẫn đến tỉ lệ tham gia hoạt động cộng đồng không cao, đặc biệt là những người trẻ. Biểu đồ 3 thể hiện tỉ lệ tham gia các hoạt động cộng đồng, cụ thể là hoạt động của hội phố hoặc các hội tự trị địa phương ở Nhật Bản năm 2015. Tỉ lệ này thấp ở lớp người trẻ tuổi (từ 15 tuổi đến 49 tuổi có chưa đầy 40% tham gia), tăng dần theo độ tuổi (từ 50 tuổi đến 70 tuổi có trên dưới 50% tham gia hoạt động cộng đồng ít nhất vài lần một năm), đặc biệt tỉ lệ tham gia cộng đồng ở người già trên 70 tuổi khá cao, chiếm trên 60%, trong đó có 11,3% tham gia với tần suất nhiều lần trong một tháng. Điều này chứng tỏ người già vẫn là trụ cột của các hoạt động cộng đồng, nhưng nó cũng cho thấy sự lão hóa của tổ chức “hội phố”, “hội tự trị”.

 

Biểu đồ 3: Tỉ lệ tham gia hội phố, hội tự trị

theo lứa tuổi của người Nhật Bản năm 2015[5] (đơn vị:%)

Nhưng lý do thực chất của việc không tham gia sinh hoạt cộng đồng là gì? Cho đến nay, chưa có cuộc điều tra trên diện rộng ở tất cả các địa phương trên cả nước, song cuộc điều tra ngẫu nhiên với 5.000 người Nhật do Văn phòng Nội các tiến hành đã thu được kết quả như biểu đồ 4. Đó là, đối với những người hiện tại đang không tham gia hoạt động cộng đồng và tương lai cũng không có ý định tham gia, lý do chiếm đại đa số là vì “bận” (54,9%), tiếp đến là do “không biết có những hoạt động gì”, không nắm được nội dung hoạt động của cộng đồng (34,1%), “thấy phiền” (28,1%), “không hứng thú” (23,7%), “không có nhóm ăn í để cùng tham gia” (18,8%), “không có ý định ở lâu dài tại cộng đồng này” (17,7%), “không quan hệ với hàng xóm và những người xung quanh” (14,3%), “bầu không khí không thoải mái” (12%), “không biết cách thức tham gia” (10,9%), “không muốn trả phí hội viên” (8,6%), “không biết có hội phố” (8,1%), “các câu trả lời khác” (6,3%), “không biết lý do” (3,6%)[6]. Từ các lý do trên, có thể thấy rằng ngoài lý do bất khả kháng về mặt thời gian do “bận” (chiếm trên 50%), các lý do được đưa ra đều cho thấy xu hướng bàng quan với các hoạt động của cộng đồng, không biết, không tìm hiểu, cũng không muốn liên quan hay chịu trách nhiệm gì đối với cộng đồng.

Biểu đồ 4: Lý do không tham gia các hoạt động cộng đồng[7] (đơn vị:%)

 

1.

Bận

2.

Không biết có hoạt động gì

3.

Phiền toái khi phải chịu trách nhiệm thành viên

4.

Không có hứng thú với các hoạt động của cộng đồng

5.

Không có nhóm ăn ý cùng tham gia

6.

Không có ý định ở lâu dài tại đây

7.

Không quan hệ với hàng xóm

8.

Không khí không được thoải mái

9.

Không biết cách thức tham gia

 

10.

Không muốn trả phí hội viên

11.

Không biết có hội phố ở khu vực mình sống

12.

Khác

13.

Không

biết

 

(Còn nữa)

 

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á



[1] Ý thức người Nhật Bản hiện đại, NHK Books, Tokyo, 2010, tr.22.

[2] Nguồn: Trang web Văn phòng Nội các Nhật Bản, “Điều tra về mức độ hài lòng với cuộc sống của người dân Nhật Bản năm 2015”, truy cập ngày 25/08/2021: https://www5.cao.go.jp/seikatsu/senkoudo/senkoudo.html

[3] Nguồn: Trang web Văn phòng Nội các Nhật Bản, đã dẫn, tr.39.

[4] Trang web Văn phòng Nội các Nhật Bản, “Điều tra về mức độ hài lòng với cuộc sống của người dân Nhật Bản năm 2015”, đã dẫn.

[5] Nguồn: Bộ Y tế Lao động Nhật Bản, Ban tổng kết chính sách, Phòng ủy thác điều tra đánh giá chính sách, Sách trắng Bộ Y tế Lao động Nhật Bản, “Điều tra ý thức người Nhật Bản trong xã hội giảm dân số”, năm 2015. Website Bộ Y tế Lao động Nhật Bản, truy cập ngày 25/8/2021:

平成27年版厚生労働白書 - 人口減少社会を考える - |厚生労働省 (mhlw.go.jp)

[6] Nguồn: Trang web Văn phòng Nội các Nhật Bản, đã dẫn, tr.34.

[7] Nguồn: Trang web Văn phòng Nội các Nhật Bản: https://www5.cao.go.jp/seikatsu/senkoudo/senkoudo.html

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn