GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

BIẾN THỂ OMICRON VÀ ĐỐI SÁCH KHẨN CẤP CỦA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 28-11-2021, 13:35

Ngày 26/11/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố, biến thể Omicron của virus Covid-19 thuộc diện biến thể đáng quan ngại (Variant of Concern-VOC) [1] tương tự như biến thể Delta đang phổ biến trên thế giới. Theo những kết luận ban đầu, biến thể Omicron làm tăng khả năng lây lan, gây nguy cơ tái nhiễm cao hơn và có thể kháng các loại vắc xin Covid-19 hiện có.

Tại Nam Phi, số ca nhiễm Covid-19 mới đã giảm xuống đáng kể từ tháng 8/2021 và lệnh lockdown cũng đã được chính phủ quyết định dỡ bỏ. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi hoàn toàn chỉ trong vòng vài ngày gần đây. Số ca mới khoảng 100 người vào đầu tháng 11, bất ngờ tăng lên đến 2465 ca vào ngày 25 và 2828 ca vào ngày 26/11/2021. Ban đầu, “chủng Omicron” chỉ chiếm 65% số ca mới mắc bệnh. Nhưng tính đến ngày 24/11 đã chiếm hơn 80% và nhanh chóng trở thành chủng Covid-19 chính thay thế chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ [2].

Trước tình hình biến thể Omicron đang lan nhanh tại Nam Phi và liên tiếp xuất hiện tại các nước, chính phủ Nhật Bản đã rất cảnh giác về nguy cơ xâm nhập của biến thể mới này vào Nhật Bản và ngày 26/11/2021 đã quyết định siết chặt hoạt động nhập cảnh vào nước này.

Cụ thể, vào ngày 27/11/2021, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu đã ra thông báo về việc chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập cảnh kể từ 22 giờ đêm ngày 27/11/2021 đối với các trường hợp đến từ các quốc gia miền Nam châu Phi gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Zimbabwe, Namibia và Lesotho. Những người đến từ 6 quốc gia này bất kể quốc tịch đều buộc phải cách ly 10 ngày tại các cơ sở do chính phủ chỉ định và làm tổng cộng bốn xét nghiệm trong thời gian đó. Biện pháp này được áp dụng cho cả những người lưu trú trung và dài hạn tại Nhật Bản [3].

Đến tối ngày 27/11, Thủ tướng Kishida Fumio tiếp tục bổ sung 3 nước Mozambique, Malawi và Zambia  vào danh sách các quốc gia là mục tiêu của biện pháp siết chặt nhập cảnh, kể từ ngày 28/11 [4]. Trước tình hình những ca nhiễm biến thể Omicron liên tiếp xuất hiện ở Châu Âu, Israel và Hồng Công…, chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét các biện pháp bổ sung khác.

Tại cuộc họp báo sau phiên họp Nội các bất thường ngày 27/11, Chánh văn phòng Nội các Matsuno cho biết: Hiện chưa rõ về hiệu quả của vắc-xin Covid-19 hiện có đối với biến thể này, vì vậy chính phủ quyết định xem đây là "chủng virus đột biến cần được ứng phó bằng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh". Trả lời câu hỏi của các phóng viên rằng, với sự xuất hiện của biến thể Omicron, Nhật Bản “có cân nhắc lại kế hoạch tiêm mũi vắc xin tăng cường thứ 3 hay không?”, ông Matsuno cho biết: “Chúng tôi vẫn quyết định thực hiện việc tiêm mũi vắc xin thứ ba sau khi đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để việc triển khai tiêm chủng mũi thứ 3 này diễn ra suôn sẻ”.

Tại Nhật Bản, tính đến ngày 26/11/2021, biến thể Omicron vẫn chưa được phát hiện trong quá trình kiểm dịch và giám sát bộ gen. Trong tình huống chưa biết rõ về điều kiện và ảnh hưởng thực tế của biến chủng mới xuất hiện Omicron để xác định được phương thức đối phó cụ thể, hạn chế nhập cảnh là một biện pháp ứng phó khẩn cấp mà chính phủ Nhật Bản lựa chọn.

Lý giải về biện pháp đối phó của chính phủ Nhật Bản hiện nay, theo phân tích của một số chuyên gia nước này, những hiểu biết về biến thể Omicron hiện còn quá ít ỏi, nhưng thực tế cho thấy rằng biến chủng này có thể lây ngay cả trước khi bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng và thời gian ủ bệnh cũng lâu hơn, bởi vậy mà nó có thể vừa tàng hình vừa ngầm lan rộng, dần thay thế chủng Delta. Ngoài ra, xét nguy cơ từ những người nhập cảnh từng có lịch sử lưu trú tại các nước châu Phi, vấn đề về độ nhạy của xét nghiệm (trường hợp lây nhiễm nhưng vẫn cho kết quả xét nghiệm âm tính), đặc biệt nhìn lại kinh nghiệm “đau thương” của những lần dịch bùng phát trước, có thể thấy việc khẩn trương đưa ra biện pháp kiểm soát nhập cảnh của chính phủ Nhật Bản hiện nay là phù hợp.

Trong thời đại toàn cầu hóa, hầu như không thể ngăn chặn triệt để sự lây lan của virus xâm nhập qua biên giới quốc gia. Tuy nhiên vẫn có thể làm chậm lại tốc độ xâm nhập, có thêm thời gian xây dựng và củng cố một hệ thống thích ứng. Trong thời gian kìm hãm sự xâm nhập và lây lan của các biến thể nguy hiểm như Omicron, cần nghiên cứu tính hiệu quả của vắc xin và thuốc điều trị, thúc đẩy tiêm chủng, tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch và củng cố hệ thống y tế. Việc tăng số giường điều trị đặc biệt cho bệnh nhân nặng không đơn giản do bác sĩ chuyên khoa cũng thiếu hụt, bởi vậy cẩn thiết phải xây dựng hệ thống hỗ trợ điều trị từ sớm đối với bệnh nhân nhẹ để giảm thiểu số bệnh nhân chuyển nặng.

Trong đối sách ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của Nhật Bản, chìa khóa để xử lý khủng hoảng là “giả định tình huống tồi tệ nhất”. Chính phủ nước này vào ngày 12/11/2021 đã thông qua kế hoạch tổng thể về phòng chống Covid-19 với các biện pháp chủ động đối phó với kịch bản làn sóng dịch bệnh lần thứ 6 có thể bùng phát mạnh mẽ tại Nhật Bản, gấp nhiều lần so với đỉnh dịch vừa qua. Kế hoạch tổng thể về phòng chống COVID-19 của Nhật Bản tập trung vào các biện pháp chính sách cho 4 lĩnh vực là tăng cường hệ thống y tế, thúc đẩy tiêm chủng vắc xin, đảm bảo thuốc điều trị và khôi phục cuộc sống thường nhật. Liên quan đến vấn đề tăng cường hệ thống y tế, trong làn sóng dịch thứ 5, với sự lây lan mạnh của biến thể Delta Nhật Bản có thời điểm ghi nhận tới 28.000 người cần nhập viện điều trị. Trong kế hoạch mới này, chính phủ Nhật đã đặt mục tiêu đảm bảo 37.000 giường bệnh, cao hơn so với nhu cầu tại thời điểm đỉnh dịch lúc đó. Về việc thúc đẩy tiêm chủng, chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu tiêm chủng mũi thứ 3 cho nhân viên y tế kể từ tháng 12/2021 và đối với người cao tuổi từ tháng 1/2022. Theo nguyên tắc khoảng cách giữa các lần tiêm nhắc lại là 8 tháng trở lên kể từ mũi thứ hai, nhưng những đối tượng như người cao tuổi và nhân viên y tế có thể là 6 tháng. Việc tiêm chủng vaccine đối với trẻ em dưới 12 tuổi cũng sẽ được thực hiện sau khi hoàn thiện việc cấp phép. Hiện hãng dược Pfizer đang đề nghị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cấp phép tiêm chủng vắc xin của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi của nước này.

Theo những gì được biết cho đến thời điểm hiện tại [5], Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng Delta vì biến thể này hiện đã thay thế chủng Delta ở một số vùng của Nam Phi. Tuy nhiên, vẫn cần có các nghiên cứu sâu hơn về virus học và các nghiên cứu xác minh hiệu quả của vắc-xin để đánh giá thực sự hiệu quả của chủng đột biến này và mức độ ảnh hưởng của nó đối với các ca nhiễm đột biến. Nhìn chung, các chủng đột biến cho đến nay cho thấy hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm ngày càng ít hơn, nhưng tác dụng ngăn ngừa bệnh nặng thêm vẫn được duy trì. Điều này có nghĩa tiêm phòng vẫn là biện pháp quan trọng để kiểm soát sự lây làn của Covid-19.

 

Đỗ Thị Ánh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]https://www.who.int/news/item/26-11-2021-classification-of-omicron-(b.1.1.529)-sars-cov-2-variant-of-concern

[2] https://news.yahoo.co.jp/byline/kutsunasatoshi/20211127-00269968

[3]https://news.yahoo.co.jp/articles/d8906edb936e13e3c4699c0118da2ab11767edc6

[4]https://news.yahoo.co.jp/articles/2a25e6e9b4a6e1aab288bac6d66986b2c8477502

[5] https://news.yahoo.co.jp/byline/kutsunasatoshi/20211127-00269968

 

 

 

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn