GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Tìm hiểu về thuật ngữ DV (bạo hành gia đình) và các hình thức DV trong gia đình Nhật Bản

Đăng ngày: 9-02-2022, 10:54

Bạo hành gia đình đã trở thành vấn đề xã hội đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản trong khoảng ba mươi năm trở lại đây. Từ năm 2001, Nhật Bản đã ban hành đạo luật về phòng chống bạo hành gia đình và bảo vệ nạn nhân, song số lượng và mức độ các vụ bạo hành trong gia đình tại Nhật Bản không có dấu hiệu suy giảm. Bạo hành gia đình vẫn là loại tội phạm ít được trình báo nhất mặc dù nó chiếm tới 1/5 trong số các loại tội phạm.

Trong tiếng Nhật, bạo hành (bạo lực) gia đình là「家庭内の暴力」. Không có định nghĩa rõ ràng về bạo hành trong gia đình, nhưng ở Nhật Bản, đó là những hành động gây nên tổn thương giữa những người có mối quan hệ thân thiết, gần gũi trong gia đình không chỉ về thể chất mà cả về mặt tinh thần. Bạo hành gia đình có thể xảy ra với mọi đối tượng bất kể tuổi tác, trình độ học vấn, nghề nghiệp, thu nhập…

Tuy nhiên, cụm từ「家庭内の暴力」không được sử dụng phổ biến mà thuật ngữ chỉ bạo hành gia đình được các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng tại Nhật Bản hiện nay là「ドメスティック・バイオレンス」(viết tắt là DV) được biến đổi từ “domestic violence” trong tiếng Anh. Thuật ngữ này hiểu theo nghĩa đen thì bao gồm hai thành tố「domestic=家庭内の nghĩa là trong gia đình」và「violence=暴力 nghĩa là bạo hành」. Thuật ngữ DV ban đầu là một khái niệm được tạo ra để chỉ bạo lực giữa các cặp vợ chồng trong một mối quan hệ hôn nhân thông thường, nhưng sau này khái niệm này được mở rộng cả giữa nam nữ đang hẹn hò, sống chung với nhau và vợ chồng đã ly hôn trên pháp luật. Ở Nhật Bản, hành vi bạo lực từ bạn tình (chưa phải vợ chồng) còn được gọi là「デートDV」nghĩa là “DV hẹn hò”. Tùy thuộc vào từng đối tượng và từng trường hợp, DV cũng có thể được sử dụng để ám chỉ bạo lực giữa cha mẹ và con cái [1].

DV được cho là có 3 giai đoạn khác nhau: Đầu tiên là "thời kỳ căng thẳng" là giai đoạn đối tượng gây ra bạo lực hay còn gọi là thủ phạm bắt đầu bộc lộ cảm xúc thất vọng và căng thẳng, mâu thuẫn với nạn nhân. "Thời kỳ bùng nổ" là giai đoạn thủ phạm mất kiểm soát cảm xúc và gây ra các hành vi bạo lực với nạn nhân. Cuối cùng là "thời kỳ trăng mật" là giai đoạn thủ phạm thay đổi, trở nên hiền lành, tỏ ra ăn năn và xin lỗi nạn nhân về hành vi của mình. Lý do chính khiến thủ phạm thay đổi thái độ với nạn nhân trong thời kỳ trăng mật là nhằm ngăn cản nạn nhân bỏ đi. Vào giai đoạn thứ ba, nạn nhân dễ từ bỏ ý định bỏ trốn với hy vọng rằng thủ phạm đã hối lỗi và bạo lực có thể biến mất. Trong nhiều gia đình, chu kỳ của DV lặp đi lặp lại có thể khiến nạn nhân kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần, khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát trong chính mối quan hệ với thủ phạm. Mối quan hệ chi phối – bị chi phối càng được củng cố, do đó nạn nhân càng khó có thể thoát khỏi bạo hành gia đình. Không phải tất cả các trường hợp đều trải qua ba giai đoạn kể trên. Nhiều gia đình có thể có những khoảng “thời kỳ căng thẳng” kéo dài mà không có “thời kỳ trăng mật”.

"Luật phòng chống bạo lực gia đình” của Nhật Bản, tại điều 1 [2] có quy định bạo lực gia đình giữa vợ chồng bao gồm các hành vi sau:

- Bạo hành thể chất: Gồm các hành vi đấm, đá, kéo, đẩy, bóp cổ, ném đồ vật vào người, gây thương tích cho đối phương bằng bất cứ vật gì, đổ nước sôi (làm cho bỏng)…

- Bạo hành tinh thần: Gồm các hành vi chửi mắng, nguyền rủa, phỉ báng, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, đe dọa, bỏ mặc đối phương trong thời gian dài, làm đối phương sợ hãi; kiểm soát, theo dõi các mối quan hệ xã hội, các cuộc gọi, tin nhắn; soi xét, ra lệnh về hành động, cách ăn mặc, mối quan hệ của đối phương…

- Bạo hành tài chính: Không chi trả hoặc không đưa đủ chi phí sinh hoạt; ép đối phương chi trả một cách vô lý; ngăn cản đối phương làm việc và kiếm thêm thu nhập.

- Bạo hành tình dục: Cưỡng bức quan hệ tình dục hoặc buộc phá thai; không hợp tác với các biện pháp tránh thai; ép đối phương xem các video, tạp chí hoặc nội dung khiêu dâm…

Ngoài ra có ý kiến cho rằng lợi dụng trẻ em cũng là một hình thức bạo hành gia đình thông qua việc sử dụng lời nói hoặc hành động khiến cho trẻ em nghĩ nạn nhân bạo hành là người tồi tệ. Bạo hành gia đình khác với các nhóm bạo lực khác trong xã hội ở một điểm rất dễ thấy, đó chính là nạn nhân không chỉ có một. Nạn nhân không chỉ là người bị hại -  tức người bị bạo hành, mà nạn nhân còn là những thành viên khác trong gia đình khi họ chứng kiến hành vi bạo hành.

Trên thực tế, ở rất nhiều gia đình Nhật Bản hiện nay, bạo lực giữa vợ/ chồng và bạo hành trẻ em xảy ra đồng thời cùng lúc. Có 5 trường hợp có thể xảy ra:

- Một là trẻ bị bạo hành trực tiếp khi người chồng, người cha trong gia đình đồng thời bạo hành với cả vợ và con mình.

- Hai là bạo hành gia đình diễn ra trước sự chứng kiến của trẻ đồng thời cũng là một hình thức bạo hành tâm lý đối với trẻ.

- Ba là người cha hoặc người mẹ là nạn nhân của bạo hành gia đình nhiều lần có thể mất lý trí và cảm xúc, từ nạn nhân trở thành thủ phạm tấn công, ngược đãi lại chính con cái của mình.

- Bốn là trường hợp trẻ bị bạo hành bởi cả thủ phạm và nạn nhân của bạo hành, khi nạn nhân của bạo hành gia đình không thể chống lại nỗi sợ hãi trước kẻ bạo hành mình, từ đó cùng với thủ phạm bạo hành con mình.

- Năm là trường hợp thủ phạm bạo hành chủ động phá vỡ mối quan hệ giữa trẻ với nạn nhân khi bôi nhọ, nói xấu nạn nhân với trẻ khiến cho trẻ trở nên thiếu tôn trọng nạn nhân và mối quan hệ giữa nạn nhân và đứa trẻ có thể bị rạn nứt. [3]

Bạo hành gia đình không còn là một vấn đề của riêng gia đình mà là vấn nạn của toàn xã hội, gây nhức nhối cho nhân loại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Ở Nhật Bản, từ đầu những năm 1990, bạo hành gia đình mới được quan tâm và trở thành vấn nạn xã hội, trong đó nạn nhân là phụ nữ và trẻ em chiếm đến gần 90% trong số các trường hợp bạo hành gia đình được trình báo.

 

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1]内閣府(2019)、「共同参画」第128号2019年11月号 (Văn phòng Nội các Nhật Bản, Tạp chí Kyoudou Sankaku số 128 tháng 11/2019)

[2]配偶者暴力防止法第1条の「配偶者からの暴力」(Luật phòng chống hành vi bạo lực gia đình, điều 1 – Bạo lực từ vợ/chồng)

[3]深澤優子、西田公昭、浦光博(2003)「親密な関係における暴力の分類と促進要因の検討」対人社会心理学研究 第 3 号 (Yuko Fukasawa, Kimiaki Nishida, Mitsuhiro Ura (2003), Phân loại bạo lực gia đình và nguyên nhân thúc đẩy, Tạp chí Nghiên cứu Tâm lý xã hội cá nhân số 3).

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn