GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Nhật Bản chuẩn bị tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ độ tuổi từ 5 đến 11

Đăng ngày: 9-02-2022, 11:05

Ngày 21/1/2022, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã chính thức phê duyệt vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11. Vắc-xin được sử dụng là Pfizer của hãng dược Mỹ và là sản phẩm tách biệt với vắc-xin dành cho người lớn. Theo MHLW, hiệu quả và độ an toàn của vắc-xin cho trẻ ở độ tuổi này đã được đánh giá và xác nhận bởi một tiểu ban gồm các chuyên gia. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết: "Vắc xin cho trẻ sẽ được nhập khẩu từ tháng hai và dự kiến việc tiêm chủng có thể bắt đầu sớm nhất từ tháng ba (năm 2022). Bên cạnh các thủ tục cần thiết, Chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp để việc triển khai tiêm chủng cho trẻ diễn ra suôn sẻ như nhanh chóng đưa ra hướng dẫn các địa phương tiến hành chuẩn bị" [1]. Đây là lần đầu tiên tại Nhật Bản, chỉ định tiêm vắc-xin Covid-19 được mở rộng cho nhóm đối tượng là trẻ dưới 12 tuổi [2]. Việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi sẽ được thực hiện đối với cá nhân tại các cơ sở y tế hoặc theo nhóm trẻ do chính quyền địa phương thực hiện và được miễn phí [3].

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số trẻ dưới 10 tuổi mắc Covid-19 từ ngày 12-18/1/2022 tại nước này vào khoảng 39.000 ca, vượt quá mức đỉnh trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 5 năm 2021 với khoảng 29.000 ca. Tại tỉnh Okinawa nơi biến chủng Omicron lây lan trước đó, số người mắc bệnh ở độ tuổi 20 giảm, trong khi số ca nhiễm ở trẻ em và người trung, cao niên tăng nhanh. Tỷ lệ ca mắc ở trẻ em trong độ tuổi dưới 10 tuổi vào khoảng 30% trong tổng số tất cả các nhóm tuổi (từ ngày 12~18/1/2022) [4].

Mặc dù vắc-xin có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ diễn biến nặng đối với những trẻ có bệnh lý nền, vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng về tác dụng đối với chủng Omicron, bên cạnh đó cũng có không ít băn khoăn của các bậc cha mẹ khi xác định lợi ích và nhược điểm của việc tiêm phòng Covid-19 cho con cái họ. Ngày 26/1/2022, một hội đồng của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã được thành lập nhằm đánh giá những ưu và nhược điểm của việc tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi này. Bộ trưởng phụ trách tiêm chủng Noriko Horiuchi cho biết sẽ phổ biến kết quả đánh giá đồng thời nỗ lực xây dựng một môi trường để các bậc cha mẹ có thể đưa ra quyết định về việc tiêm phòng Covid-19 cho con cái mình dựa trên các thông tin chính xác và cần thiết.

Theo Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản (được thành lập tại Nhật Bản từ năm 1896), đối với những trẻ có bệnh lý nền, vắc-xin có tác dụng giúp ngăn ngừa nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc Covid-19. Đối với những trẻ khỏe mạnh, cá nhân trẻ và cha mẹ nên nắm đầy đủ về những lợi ích của tiêm chủng và những bất lợi của các phản ứng phụ khi ra quyết định tiêm vắc-xin. Dưới đây là ý kiến của Ủy ban Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm và Tiêm chủng trực thuộc Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản [5] về vấn đề tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ ở lứa tuổi 5-11 tuổi được đăng trên trang web chính thức của Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản ngày 19/1/2022.

Thông tin/ kiến thức về tình hình Covid-19 và vắc xin

1) Phần lớn các trường hợp nhiễm Covid-19 từ 5 đến 11 tuổi ở Nhật Bản là nhẹ, tỷ lệ nhiễm là 1 đến 2% số trẻ ở trong độ tuổi, các trường hợp cần thở oxy được báo cáo không nhiều [6]. Tuy nhiên trong tương lai, nếu số ca mắc ở mọi độ tuổi tăng thì số ca mắc bệnh là trẻ em ở mức độ vừa và nặng được dự đoán sẽ tăng.

2) Đã có báo cáo về nguy cơ tăng nặng ở bệnh nhi dưới 2 tuổi (0 đến 1 tuổi) và trẻ em có các bệnh lý nền [7].

3) Liên quan đến vấn đề hòa nhập cộng đồng của trẻ, những hạn chế hoạt động khi dịch bệnh kéo dài sẽ gây nhiều ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đối với trẻ.

4) Hiện tại, Pfizer là vắc xin duy nhất đã được phê duyệt tại Nhật Bản để tiêm cho trẻ 5 đến 11 tuổi. Loại vắc xin này chứa 1/3 liều lượng so với loại vắc xin thông thường của hãng. Đã có đánh giá ở nước ngoài cho rằng vắc xin này có hiệu quả phòng bệnh từ 90% trở lên đối với trẻ trong độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi [8], nhưng chưa có đủ dữ liệu cho thấy hiệu quả chống lại các virus đột biến mới (như chủng Omicron).

5) Tại Mỹ, từ ngày 3/11-19/12/2021 đã có khoảng 8,7 triệu liều vắc-xin Pfizer được tiêm cho trẻ em ở độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi và 42.504 trẻ đã tự nguyện đăng ký điều tra tình hình sức khỏe sau tiêm (thông qua Công cụ kiểm tra an toàn sau khi tiêm chủng v-safe [9]). Sau mũi tiêm thứ hai, số trẻ có phản ứng tại chỗ là 57,5%, phản ứng toàn thân là 40,9%. Phản ứng sốt quan sát thấy ở 7,9% trẻ sau lần tiêm thứ nhất và 13,4% trẻ sau lần tiêm thứ hai [10].

6) Trong khoảng thời gian nêu trên, Hệ thống Giám sát An toàn Vắc-xin Mỹ (Vaccine Adverse Event Reporting System: VAERS) đã nhận được 4.249 thông báo nghi ngờ về phản ứng phụ của vắc-xin. Trong số này, 97,6% (4.149 trường hợp) không nghiêm trọng [11]. Trong 100 trường hợp (2,4%) được báo cáo là nghiêm trọng, phổ biến nhất là sốt (29 trường hợp) [12]. Có 11 trường hợp được xác định là viêm cơ tim và tất cả đều đã khỏi bệnh [13].

7) Người ta cho rằng trẻ em từ 5 đến 11 tuổi nhìn chung có tần suất các phản ứng phụ có hại sau khi tiêm chủng thấp hơn so với độ tuổi từ 16 đến 25 tuổi [14].

Quan điểm của Ủy ban Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm và Tiêm chủng thuộc Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản về tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi:

1) Để bảo vệ trẻ em trước Covid-19, điều quan trọng là những người lớn có tiếp xúc thường xuyên với trẻ phải được tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-19.

2) Việc tiêm vắc-xin cho trẻ em có bệnh lý nền được kỳ vọng sẽ ngăn chặn sự gia tăng mức độ nặng của Covid-19. Khi tiêm chủng cho trẻ có bệnh lý nền cần có sự thảo luận trước với bác sĩ điều trị và người chăm sóc hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của trẻ và cách thức chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng.

3) Tiêm chủng cho trẻ em khỏe mạnh từ 5 đến 11 tuổi cũng có ý nghĩa như tiêm chủng cho trẻ em khỏe mạnh từ 12 tuổi trở lên. Để tiêm chủng cho trẻ khỏe mạnh, người chăm sóc trẻ cần hiểu đầy đủ những lợi ích như ngăn ngừa khởi phát bệnh...) và bất lợi (phản ứng phụ có hại…), đồng thời thực hiện các biện pháp cẩn thận và chi tiết trước, trong và sau khi tiêm chủng.

4) Khi tiêm chủng, cần chú ý độ tuổi (loại thuốc, phương pháp pha loãng và liều lượng thuốc khác nhau giữa vắc-xin cho trẻ từ 12 tuổi trở lên khác với trẻ từ 5 đến 11 tuổi). Ngoài ra, ngay cả khi việc tiêm chủng được thực hiện theo nhóm trẻ thì cũng cần hỏi rõ thông tin và khám sức khỏe kỹ càng từng trường hợp trước khi tiến hành tiêm chủng [15].

Đỗ Thị Ánh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

[1]  https://www3.nhk.or.jp/news/html/20220126/k10013450781000.html

[2] https://www3.nhk.or.jp/news/html/20220121/k10013442001000.html

[3] ttps://news.yahoo.co.jp/articles/c78f81c59a601520aa4e8033a8fbaa2fcca9148e

[4] https://mainichi.jp/articles/20220121/k00/00m/040/258000c

[5]  https://www.jpeds.or.jp/modules/activity/index.php?content_id=94

[6] Shoji K, et al. Clinical Characteristics of Hospitalized COVID-19 in Children: Report From the COVID-19 Registry in Japan. J Pediatric Infect Dis Soc. 2021 Dec 31;10(12):1097-1100.

[7] 令和2年度厚生労働行政推進調査事業費補助金 新興・再興感染症及び予防接種政策推進研究事業・一類感染症等の患者発生時に備えた臨床的対応に関する研究(研究代表者加藤康幸)診療の手引き検討委員会:新型コロナウイルス感染症 COVID-19 診療の手引き第 6.0 版

[8] Walter EB, et al: Evaluation of the BNT162b2 Covid-19 Vaccine in Children 5 to 11 Years

of Age. N Engl J Med 2022; 386:35-46

[9] https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/safety/vsafe.html

[10], [11], [12], [13] Hause AM, et al.:COVID-19 Vaccine Safety in Children Aged 5–11 Years — United States, November 3–December 19, 2021.MMWR Morb Mortal Wkly Rep. 2021 Dec 31;70(5152):1755-1760.

[14] Woodworth KR, et al.: The Advisory Committee on Immunization Practices’ Interim Recommendation for Use of Pfizer-BioNTech COVID-19 Vaccine in Children Aged 5–11 Years — United States, November 2021.MMWR Morb Mortal Wkly Rep. 2021 Nov 12;70(45):1579-1583.

[15] https://www.jpeds.or.jp/uploads/files/20220119_5-11corona.pdf

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn