GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Bạo hành gia đình ở Nhật Bản gia tăng kỷ lục trong đại dịch Covid 19

Đăng ngày: 11-05-2022, 15:51

Bạo hành gia đình là hành vi gây nên tổn thương giữa những người có mối quan hệ thân thiết, gần gũi trong gia đình không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần. Những năm qua, bạo hành gia đình có sự phát triển phức tạp trong xã hội hiện đại tạo nên những vấn đề nhức nhối, đau lòng. Ở Nhật Bản, từ đầu những năm 1990, bạo hành gia đình mới được quan tâm và trở thành vấn nạn xã hội, trong đó nạn nhân là phụ nữ và trẻ em chiếm đến gần 90% trong số các trường hợp bạo hành gia đình được trình báo.

Đặc biệt kể từ năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh Covid 19 xuất hiện và lây lan mạnh mẽ, sự hạn chế di chuyển và các biện pháp cách ly khác kèm theo tâm lý tù túng và lo lắng về bệnh tật, thảm họa; áp lực về xã hội, kinh tế hiện hữu do nhiều người rơi vào cảnh mất việc, lo lắng về kinh tế đã gây ra tâm lý căng thẳng và gia tăng nguy cơ bạo lực gia đình. Nếu trước đây khi Covid-19 chưa xuất hiện, cả hai vợ chồng đi làm, con cái đi học không gặp nhau nhiều nên nguy cơ xảy ra các mâu thuẫn trong gia đình chưa cao thì trong thời gian nghỉ việc, nghỉ học ở nhà phòng tránh dịch bệnh, bạo hành gia đình trở thành vấn nạn đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều nam giới trước áp lực công việc, tài chính đã giải tỏa bằng cách uống rượu, đánh đập, lăng mạ và tấn công vợ con mình. Điều này khiến cho các hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục tăng lên về cả tần suất và mức độ khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn.

Theo thống kê của Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số vụ bạo hành gia đình được trình báo năm 2020 đã lên tới con số 82.643, con số cao nhất trong 17 năm gần đây. Trong số này có tới 76,4% nạn nhân là phụ nữ. Xét theo độ tuổi, có 23,4% nạn nhân trong độ tuổi 20; nạn nhân trong độ tuổi 30 chiếm 27% và độ tuổi 40 chiếm 22,9%. Nam giới chiếm 75,9% trong số thủ phạm hành hung, trong đó 26,3% trong độ tuổi 30 và 23,9% trong độ tuổi 40. Trong số các vụ bạo hành gia đình được trình báo thì có 76 vụ vi phạm trật tự Luật Phòng chống bạo lực gia đình (tăng 5 vụ so với năm trước), 8.702 vụ (giảm 388 vụ) mang tính hình sự, 5.183 vụ hành hung, 2.626 vụ gây thương tích, 110 vụ cố ý giết người và một vụ gây tử vong tại tỉnh Fukuoka. Về mối quan hệ giữa nạn nhân và thủ phạm, có 40,8% trường hợp là các cặp đôi từng hẹn hò hoặc đang hẹn hò, 7,4% là các cặp đôi từng là vợ chồng hoặc đang là vợ chồng, hoặc chung sống cùng nhau [1]. Độ tuổi của nạn nhân và người bạo hành chủ yếu là ở nhóm tuổi 30 và 40, cho thấy các cặp vợ chồng tuổi trung niên thường xảy ra bạo lực nhiều nhất.

Đối với bạo hành trẻ em, từ năm 2020 đến nay, tình trạng bạo hành trẻ em tại gia đình đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể khi hầu hết trường học tại Nhật Bản phải đóng cửa để phòng dịch COVID-19. Năm 2020, các Trung tâm bảo trợ trẻ em đã ghi nhận tổng cộng 205.029 trường tình nghi bạo hành trẻ em, tăng 11.249 trường hợp tương đương 5,8% so với năm 2019 (năm 2019 tăng 21,2% trường hợp so với năm 2018) và lần đầu tiên vượt qua mức 200.000 trường hợp, một con số cao kỷ lục trong 30 năm liên tiếp kể từ khi các số liệu được ghi nhận từ năm 1990. Số lượng các trường hợp bạo hành trẻ em tăng vọt một phần là do điều tra và báo cáo từ phía cơ quan cảnh sát tăng 103.619 vụ (50,5%) so với năm trước đó [2]. Trong khi đó số lượng các vụ bạo hành báo cáo từ các trường học và nhà trẻ, mẫu giáo, văn phòng phúc lợi địa phương, cơ sở y tế…  những nơi lần lượt bị đóng cửa do các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh lại giảm mạnh.

Trong các vụ bạo hành trẻ em năm 2020, phổ biến nhất là bạo hành tinh thần, trong đó dùng lời lẽ lăng mạ hoặc bạo lực gia đình trước mặt trẻ em chiếm tới 121.325 trường hợp (59,2%), tăng 12.207 trường hợp (11,2%) so với năm trước đó. Tiếp theo, có 5333 trường hợp (24,4%) bạo hành thể chất, 31.420 trường hợp (15,3%) bỏ mặc, không chăm sóc con cái và 2251 trường hợp (1,1%) lạm dụng tình dục trẻ em. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, số trẻ em tử vong do bị cha mẹ bạo hành (loại trừ các vụ tự sát) trong năm tính đến tháng 3/2020 đã lên 57 trẻ (tăng 3 trẻ so với năm 2018). Đáng lưu ý trong số 57 trẻ tử vong có 17 trẻ (29,8%) bị bạo hành thể chất, 13 trẻ (22,8%) bị bỏ mặc, không được chăm sóc đầy đủ; có 28 trẻ (chiếm tới 49,1%) là trẻ sơ sinh (dưới 1 tuổi), trong đó có 11 trẻ mới sinh chưa đầy một tháng tuổi. Ngoài ra, kết quả xem xét cụ thể các trường hợp trẻ bị bỏ mặc không chăm sóc trong 12 năm qua, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là 58,7%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ chung của trẻ tử vong vì bị bạo hành. Có nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao như vậy là do có nhiều bà mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc con nhỏ do không nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ lúc mang thai cho đến lúc sinh con dẫn đến bị trầm cảm và bỏ mặc con ruột của mình. Mặt khác, trong vòng 1 năm từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020 đã có 21 trẻ tự vẫn, mà nhiều trường hợp trong số đó nguyên nhân xuất phát từ những hành vi rối loạn tâm lý và sự túng quẫn về kinh tế của người giám hộ đã ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ [3]. Dịch bệnh cũng khiến các nhân viên an sinh xã hội - khó can thiệp hỗ trợ các em.

Các chuyên gia xã hội tại Nhật Bản đã cảnh báo, vấn nạn bạo hành gia đình sẽ còn tồi tệ hơn, khi ngày càng nhiều gia đình phải đối mặt với những khó khăn tài chính do hệ quả của đại dịch COVID-19. Bạo hành gia đình đang là vấn đề được báo động trên toàn thế giới, song song cùng cuộc chiến chống Covid-19.  Xuất phát từ thực tại đáng lo ngại của bạo lực gia đình trong đại dịch, việc đưa ra các giải pháp để ngăn chặn, xử lý các hành vi này là vô cùng cần thiết.

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Báo động tình trạng bạo lực gia đình tại Nhật Bản trong đại dịch

https://www.vietnamplus.vn/bao-dong-tinh-trang-bao-luc-gia-dinh-tai-nhat-ban-trong-dai-dich/697928.vnp

[2] 北仲千里(2020),「女性に対する暴力(とくにDV)コロナ禍での被害者支援日本と世界」, 広島大学 (Chisato Kitanaka (2020), Cẩm nang hỗ trợ nạn nhân bạo hành gia đình trong đại dịch Covid 19 tại Nhật Bản và thế giới, ĐH Hiroshima)

[3] “Bạo hành trẻ em năm ngoái đã vượt con số 200.000 vụ” theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi

https://www3.nhk.or.jp/news/html/20210827/k10013226101000.html

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn