GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Tự do tôn giáo qua những lần bổ sung, sửa đổi chính sách tôn giáo của Nhật Bản (phần 1)

Đăng ngày: 13-08-2022, 11:46

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, việc thể hiện quyền tự do tôn giáo trong trong chính sách tôn giáo của mỗi nước cần được hiểu trong bối cảnh cụ thể. Không những thế, ở bất kỳ một quốc gia nào, các hoạt động tôn giáo tự do đều không được xâm phạm đến lợi ích an ninh, trật tự xã hội và phải tuân thủ sự điều chỉnh của pháp luật. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích quá trình sửa đổi, hoàn thiện chính sách tôn giáo của Nhật Bản từ kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay nhằm góp phần hiểu thêm về chủ đề nêu trên.

Có thể thấy chính sách tôn giáo của Nhật Bản ngày nay là sự tiếp tục và hoàn thiện các nguyên tắc chính sách tự do tôn giáo được hình thành trong thời kỳ Nhật Bản bị chiếm đóng bởi quân đội Hoa Kỳ với danh nghĩa đại diện cho Lực lượng quân Đồng Minh từ 8/1945 đến 4/1952 đặt nền móng cho một nhà nước Nhật Bản mới tự do, dân chủ theo mô hình phương Tây. Nguyên tắc tự do tôn giáo và “chính giáo phân li” (phân tách giữa chính trị và tôn giáo) theo tinh thần tự do tôn giáo kiểu Mỹ đã được quán triệt rất sâu sắc trong các văn bản chính sách được định hình trong thời kỳ này. Tuy nhiên, thực tế phát triển của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội Nhật Bản và sự điều chỉnh chính sách tôn giáo của Nhật Bản từ đó đến nay đã cho thấy việc áp dụng nguyên tắc tự do tôn giáo, nguyên tắc tách biệt giữa chính trị và tôn giáo, giữa nhà nước và giáo hội luôn dựa trên điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mối nước ở mỗi giai đoạn phát triển.

Trong một sắc lệnh về tôn giáo có tiêu đề "Cấm hỗ trợ, ủng hộ, duy trì, điều hành và phổ biến Thần đạo Quốc gia" (thường gọi là Sắc lệnh về Thần đạo) được ban hành ngày 15 tháng 12 năm 1945 ngay khi quân Mỹ đại diện lực lượng quân Đồng minh vừa đặt chân đến Nhật Bản. Sở dĩ Sắc lệnh về Thần đạo trở thành một trong quan tâm đầu tiên của lực lượng chiếm đóng là vì họ cho rằng, Thần đạo Quốc gia chính là một nguyên nhân quan trọng đưa Nhật Bản đến con đường của chủ nghĩa phát xít, là ngọn nguồn nuôi dưỡng tư tưởng quân phiệt chủ nghĩa. Ba nguyên tắc chung về quản lý tôn giáo đã được đưa ra trong Sắc lệnh về Thần đạo là (1) Tự do tôn giáo; (2) Triệt để phân ly giữa tôn giáo và nhà nước; (3) Triệt bỏ tư tưởng chủ nghĩa quân phiệt và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Cùng thời gian này quân chiếm đóng còn ban hành Sắc lệnh về Nhân quyền, trong đó tuyên bố huỷ bỏ những quy định của chính quyền trước đây về hạn chế tự do chính trị, tự do dân sự và tự do tôn giáo. Sắc lệnh này cũng tuyên bố bãi bỏ Luật Đoàn thể Tôn giáo - một bộ luật tôn giáo được ban hành từ năm 1939. Nhằm tạo căn cứ hợp pháp cho hoạt động của các tổ chức tôn giáo và cụ thể hoá phương châm tự do tôn giáo và "chính giáo phân ly" trong Sắc lệnh về Thần đạo, ngày 28 tháng 12 năm 1945 quân chiếm đóng lại cho công bố Sắc lệnh Pháp nhân Tôn giáo thay cho Luật Đoàn thể Tôn giáo. Sắc lệnh Pháp nhân Tôn giáo quy định một số quy tắc mà các đoàn thể tôn giáo muốn được nhà nước công nhận thì phải tuân theo. Theo quy định của lệnh này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được phép can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Với sắc lệnh này thì nguyên tắc tách biệt giữa Nhà nước và tôn giáo được củng cố thêm một bước.

Thực tế cho thấy, Sắc lệnh Pháp nhân Tôn giáo chỉ đơn giản là một số quy định mà theo đó, một đoàn thể tôn giáo nào đó muốn được chính quyền công nhận thì phải tuân theo. Việc làm của các đoàn thể tôn giáo để được công nhận là một pháp nhân không có gì hơn là điền vào một tờ đơn và nộp cho một cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước để công bố về sự hoạt động của mình mà không cần sự công nhận trở lại của chính quyền. Đáng chú ý là sắc lệnh này không có điều khoản nào cho phép Nhà nước có quyền quản lý các tổ chức tôn giáo cũng như quyền can thiệp vào nghi lễ, giáo lý và các vấn đề bên trong của nó. Điều kiện quản lý lỏng lẻo như vậy đã dẫn tới kết quả là các tổ chức tôn giáo mới đã xuất hiện ồ ạt. Trước 1945 ở Nhật bản chỉ có 43 tổ chức tôn giáo được Nhà nước chính thức thừa nhận, trong đó có 13 tổ chức Thần đạo, 20 tổ chức Phật giáo, 2 tổ chức Kitô giáo. Vậy mà sau khi Sắc lệnh Pháp nhân Tôn giáo được ban hành thì các nhóm độc lập mới tách ra từ các tổ chức tôn giáo cũ và các tổ chức tôn giáo mới đăng ký hoạt động tăng nhanh đến mức cuối năm 1949 số các giáo phái lên đến 430. Số các đền, chùa, nhà thờ tách ra khỏi tổ chức mẹ để trở thành các tổ chức tôn giáo độc lập lên đến 1.546. Quả là một hiện tượng các tổ chức tôn giáo xuất hiện bùng phát chưa từng có.

Mặc dù nguyên tắc chính giáo phân ly và tự do tôn giáo đã được tuyên bố từ Sắc lệnh Thần đạo, Sắc lệnh Pháp nhân Tôn giáo, song phải đến Hiến pháp Nhật Bản được công bố ngày 3/11/1946 và có hiệu lực ngày 3/5/1947 thì những nguyên tắc cơ bản của hệ thống tôn giáo Nhật Bản sau chiến tranh mới được xác định. Tại điều 20 của Hiến pháp Nhật Bản ban hành năm 1946 có quy định về tự do tôn giáo, trong đó quy định rõ: Quyền tự do tín ngưỡng được đảm bảo đối với mọi người. Không một tổ chức tôn giáo nào được hưởng đặc ân từ phía Nhà nước và không một tổ chức tôn giáo nào được sử dụng quyền chính trị; Không ai có thể bị bắt buộc tham gia vào bất kỳ hoạt động, lễ kỷ niệm, lễ nghi tôn giáo nào; Nhà nước và các cơ quan của nó không phổ biến, giáo dục tôn giáo và không được tiến hành  bất cứ hoạt động tôn giáo nào.

Tại điều 89 của Hiến pháp còn khẳng định thêm sự tách biệt giữa tôn giáo và Nhà nước, quy định việc Nhà nước không ưu tiên và ủng hộ về mặt tài chính cho bất cứ tổ chức tôn giáo nào. Các tổ chức tôn giáo cũng như các tổ chức xã hội khác đều được đối xử bình đẳng. “Không một khoản tiền hoặc một tài sản công cộng nào được sử dụng hoặc dành cho việc sử dụng để mang lại lợi ích hoặc duy trì một tổ chức hay hiệp hội tôn giáo nào, hay một công việc từ thiện, giáo dục công ích không đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền”

Theo quy định của Hiến pháp thì tự do tôn giáo được áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức tôn giáo. Đối với cá nhân đó là sự tự do theo hay không theo một tôn giáo nào đó và được tự do trong việc truyền bá tư tưởng dựa trên niềm tin tôn giáo. Sự tự do tôn giáo của cá nhân còn được biểu hiện thông qua một số điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân. Điều 19 có quy định tự do tư tưởng và lương tâm sẽ không bị xâm phạm ; Điều 14  quy định về việc không có sự phân biệt cũng như không có đặc quyền nào từ phía Nhà nước đối với các công dân. Đối với đoàn thể tôn giáo thì được tự do tổ chức các hoạt động tôn giáo, tự do truyền bá tư tưởng của giáo phái mình.

Hiến pháp 1946 đã nhấn mạnh đến nguyên tắc phân ly giữa chính trị và tôn giáo. Cụ thể đó là quy định về việc tham dự của các tổ chức tôn giáo vào lĩnh vực chính trị bị ngăn cấm và Nhà nước và các cơ quan của nó cũng không được giáo dục hoặc có những hoạt động tôn giáo.

Tinh thần "chính giáo phân ly" và tự do tôn giáo của Hiến pháp Nhật Bản tiếp tục được thể hiện cụ thể trong Luật Pháp nhân Tôn giáo có hiệu lực từ ngày mồng 3 tháng 4 năm 1951. Sự ra đời của luật này cũng có nguyên nhân của nó. Trước hết là do Sắc lệnh Pháp nhân Tôn giáo quy định quá lỏng lẻo mà các tổ chức tôn giáo mới xuất hiện ngày một nhiều, trong đó không ít tổ chức hoạt động mang tính vụ lợi, lừa đảo mà tính tôn giáo chỉ là cái áo khoác bề ngoài để trốn thuế nhà nước. Không chỉ Bộ Giáo dục Nhật Bản và các lãnh tụ của các giáo phái chính mà cả các nhà chức trách quân chiếm đóng cũng thấy rằng Sắc lệnh Pháp nhân Tôn giáo đã không có những hạn chế đầy đủ, cần thiết để đảm bảo cho đời sống tôn giáo hiện thời trong vòng trật tự.

Luật Pháp nhân tôn giáo được ban hành đã một lần nữa khẳng định chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ các tổ chức tôn giáo và sự thừa nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo từ phía Nhà nước. Các tổ chức tôn giáo chỉ cần trình bày rõ với người hoặc cơ quan có thẩm quyền tại các địa phương mà tổ chức hiện diện về mục đích thành lập giáo phái, điều lệ, trụ sở, danh sách thành viên của tổ chức hay nói cách khác là chỉ cần đáp ứng được những điều kiện do luật định là có thể trở thành một pháp nhân tôn giáo. Việc Nhà nước công nhận một tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân chỉ căn cứ vào việc tổ chức đó có đáp ứng đủ các điều kiện mà luật quy định hay không chứ không phụ thuộc vào việc đó là tổ chức tôn giáo nào. Tại Điều thứ nhất của Chương 1 quy định: Luật Pháp nhân Tôn giáo với mục đích mang lại cho các tổ chức tôn giáo tư cách pháp nhân, giúp các tổ chức này hoạt động đạt được những mục đích của chúng. Các tổ chức tôn giáo sau khi nộp đơn, được xét và được công nhận là một pháp nhân tôn giáo thì sẽ trở thành một tổ chức độc lập có tài sản. Tính độc lập mà các tổ chức tôn giáo có được thông qua các quy định của luật này thể hiện ở chỗ các nhân viên Nhà nước không có quyền yêu cầu các tổ chức tôn giáo trình những thông tin về tổ chức của họ hay can dự vào giáo lý, nghi lễ hoặc bất kể vấn đề gì thuộc phạm vi tôn giáo. Tất cả các tổ chức tôn giáo dù có tư cách pháp nhân hay không đều được tự do hoạt động theo những mục đích của mình trong khuôn khổ của luật pháp. Tuy nhiên nếu bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào muốn trở thành pháp nhân tôn giáo tức là muốn có được địa vị pháp lý thuận lợi để chiếm hữu tài sản của mình một cách hợp pháp đồng thời được hưởng quyền miễn thuế thì cần phải đáp ứng đủ những điều kiện do luật định. Những đòi hỏi này được quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất là có sự xác nhận của chính quyền về các tài liệu mà tổ chức tôn giáo đó trình nộp.

Thứ hai là trong mỗi đoàn thể tôn giáo phải thiết lập một nhóm đại diện pháp để nhóm đó có thể thay mặt pháp nhân trong các quan hệ.

Thứ ba là thông báo công khai những thay đổi diễn ra.

Như vậy nội dung nổi bật nhất của Luật Pháp nhân Tôn giáo là đảm bảo sự tự do cho các tổ chức tôn giáo, luật này xác nhận một điều rằng tự do tín ngưỡng được đảm bảo trên mọi mặt. Tất cả các điều khoản trong luật không có điều nào trở thành rào cản đối với tự do tôn giáo. Mọi tổ chức và các nhân đều có thể được tự do tiến hành các hoạt động mang tính tôn giáo như việc tuyên truyền giáo lý, thực hành nghi lễ, hoặc thực hiện các hành vi tôn giáo khác. Luật cũng ghi nhận sự công nhận địa vị pháp lý của các tổ chức tôn giáo từ phía Nhà nước đồng thời cũng quy định những điều kiện cần thiết để một tổ chức tôn giáo có thể trở thành một pháp nhân tôn giáo.

Phía Nhà nước đảm bảo nguyên tắc chính giáo phân ly nên không can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Hiến pháp và luật quy định quyền tự do tôn giáo được đảm bảo cho tất cả mọi người và phía Nhà nước tôn trọng điều đó trên thực tế. Hầu như không có một cản trở nào đối với việc đăng ký một tôn giáo mới và nhóm tổ chức tôn giáo được hưởng sự miễn thuế.

Khi ban hành Luật Pháp nhân Tôn giáo vào năm 1951 có lẽ những người soạn thảo bản dự thảo mới chỉ quan tâm đến 2 điều cơ bản.

Trước hết là mang lại một nền dân chủ ở Nhật Bản thông qua việc đưa vào một chính sách tự do tôn giáo mà bản chất của nó là giải phóng các tổ chức tôn giáo cũng như các tín đồ tôn giáo ra khỏi sự quản lý và giám sát chặt chẽ của Nhà nước thời kỳ trước Chiến tranh. Tạo điều kiện cho các tổ chức cũng như cá nhân có được quyền tự do trong hoạt động cũng như theo một tôn giáo nào đó.

Thứ đến là chỉ mới đề cập đến những hoạt động mang tính thiện lành của các tổ chức tôn giáo mà chưa lường hết khía cạnh tiêu cực, thậm chí khả năng phạm tội có thể xảy ra trong các tổ chức tôn giáo. Cùng với sự phát triển của xã hội Nhật Bản về sau, nhất là trong bối cảnh phức tạp của quá trình đô thị hóa và di chuyển dân số, số lượng và tính phức tạp của các tổ chức tôn giáo và của các hoạt động của chúng cũng tăng lên. Các hoạt động của các tổ chức tôn giáo không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực tôn giáo thuần tuý mà đã phát triển sang cả lĩnh vực chính trị và đe doạ đến trật tự an ninh xã hội. Trong số các đoàn thể tôn giáo đang ngày một gia tăng có những tổ chức hoàn toàn hoạt động không vì mục đích tôn giáo nhưng vẫn được công nhận tư cách pháp nhân theo Luật Pháp nhân Tôn giáo. Ví dụ pháp nhân tôn giáo “ Giáo hội Hoà Đức” ở huyện Aichi là do tổ chức thuộc xã hội đen hợp thành, lợi dụng tư cách pháp nhân làm lá chắn để tránh sự trừng phạt của lụât pháp đối với các tổ chức bạo lực. Hoặc có những tổ chức tôn giáo đã hoạt động không phải trong lĩnh vực tôn giáo mà đã vươn tay sang lĩnh vực khác của đời sống xã hội làm nguy hại đến lợi ích xã hội, không những vậy những hoạt động của tổ chức này còn làm thiệt hại cả về tính mạng, tài sản và đặc biệt là gây sự sợ hãi về tư tưởng cho người dân. Điển hình là trường hợp Giáo phái Chân lý Aum. Việc giáo phái này dùng khí ga độc (Sarin) để giết người hàng loạt trên các tuyến tàu điện ngầm vào năm 1995 là một tội ác chống lại loài người không thể dung tha. Tình hình đó cần phải có sự can thiệp của Nhà nước để đảm bảo được sự an toàn cho người dân. Như vậy là tình trạng hoạt động của một vài tổ chức tôn giáo đã chệch sang một hướng khác và ngày càng nguy hiểm nếu không có sự ngăn chặn kịp thời trước khi nó có thể gây những hậu quả xã hội nghiêm trọng. Mặc dù vậy, nếu căn cứ vào Luật Pháp nhân Tôn giáo như đã được đề cập ở trên thì các cơ quan có thẩm quyền không thể can thiệp vào công việc nội bộ cũng như các hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Điều đó dẫn đến việc không thể kiểm soát được các hoạt động mang tính khủng bố của các tổ chức tôn giáo và phía các cơ quan nhà nước luôn ở trong thế bị động trước các hoạt động mang tính bạo lực của các tổ chức tôn giáo này. Điều này cho thấy những bất cập tồn tại trong các quy định của Luật Pháp nhân Tôn giáo. Nói cách khác, những quy định trong luật không điều chỉnh kịp thời được những biến đổi của đời sống tôn giáo trong tình hình mới. Thực tế đặt ra cho các cơ quan có thẩm quyền là cần phải có những chính sách mới đối với các tổ chức tôn giáo để tạo thuận tiện trong việc kiểm soát đối với các tổ chức này ở góc độ quản lý. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Pháp nhân Tôn giáo được đặt ra cho Chính phủ Nhật Bản là một lô-gic tất yếu.

Tuy nhiên, quá trình đi đến việc thông qua bản dự thảo luật sửa đổi là cả một quá trình khó khăn và trắc trở.

 

(Còn  nữa)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Phạm Hồng Thái, Đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội – 2005.
  2. Phạm Minh Hằng, Chính sách tôn giáo của Nhật Bản từ năm 1945 đến nay, Tạp chí Lý luận chính trị số 524 (10-2021).
  3. Nguyễn Ngọc Phương Trang, Chính sách tôn giáo của Nhật Bản từ 1990 đến nay. Website Nghiên cứu Nhật Bản ngày:  1-2-2012.
  4. ウィリアム・P. ウッダード、天皇と神道―GHQの宗教政策, サイマル出版社、1972( William P. Wotsudat, Thiên hoàng và Thần đạo – Chính sách tôn giáo của GHQ, Nxb. Saimaru, 1972).
  5. Winston Davis, Japanese Religion and Society Pradigms of Structure and Change. State University of New York Press 1992.

PGS.TS.Phạm Hồng Thái

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn