GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TẠI NHẬT BẢN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Đăng ngày: 15-08-2022, 08:46

Có thể nói, trong đại dịch COVID-19, nhiều vấn đề liên quan đến người lao động nước ngoài nảy sinh tại Nhật Bản, phần nào đã phơi bày những điểm bất cập trong chính sách đối với lao động nước ngoài của quốc gia này. Mặc dù không thể phủ nhận những nỗ lực không ngừng của chính phủ Nhật Bản trong việc hỗ trợ cho người lao động trong đại dịch, nhưng những bất cập xảy ra cho thấy có những nguyên nhân thuộc về vấn đề mang tính cơ cấu, cần phải được từng bước giải quyết bởi hai phía, quốc gia xuất khẩu lao động và quốc gia tiếp nhận lao động.

Một trong những vấn đề nổi lên hàng đầu trong đại dịch COVID-19, đó là người lao động nước ngoài mà phần lớn là du học sinh và thực tập sinh kỹ năng bị mất việc. Nhiều du học sinh bị mất công việc làm thêm hoặc các công việc bán thời gian, không đủ tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí, trong khi thực tập sinh kỹ năng bị thất nghiệp, công ty nợ lương, nghiệp đoàn bỏ rơi… họ bị đẩy vào tình trạng túng quẫn, khó khăn dẫn đến làm liều, vi phạm pháp luật. Theo thống kê được Đài truyền hình NHK đưa tin ngày 12/10/2021, vào thời điểm tháng 10/2021, đã có tới 36.800 thực tập sinh Việt Nam hết hạn visa muốn về nước mà không thể về được. Lý do không thể về nước là vì chính sách hạn chế xuất nhập cảnh của cả Nhật Bản lẫn Việt Nam trong những giai đoạn dịch bệnh bùng phát, bên cạnh đó còn có do giá vé máy bay tăng cao, có những thời điểm lên tới hơn 30 vạn yên (3.000 USD), người lao động không thể chi trả để về nước. Không việc làm, không nơi ở, túng quẫn dẫn đến làm liều, và trên thực tế, số người nước ngoài vi phạm pháp luật ở Nhật tăng cao từ những tháng cuối năm 2020. Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia có tỉ lệ phạm pháp cao nhất tại Nhật Bản. Đó là một thực trạng đáng buồn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trực tiếp là do môi trường làm việc bị tác động sâu sắc bởi đại dịch COVID-19. Một thực tập sinh 23 tuổi, đến từ Việt Nam cho biết anh đã phải vay nợ khoản tiền 100 vạn yên (tương đương khoảng 200 triệu VND) để đến Nhật Bản; với mức lương 14 vạn yên/tháng (28 triệu VND) và chi tiêu thật tằn tiện, anh có thể gửi về cho gia đình 10 vạn yên/tháng (20 triệu VND) để trả nợ. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã cướp đi cơ hội việc làm của anh, công ty gặp khó khăn và thu nhập giảm xuống dưới 9 vạn yên (18 triệu), một khoản tiền rất khó để vừa trang trải cuộc sống, vừa tiết kiệm để trả nợ trong thời hạn 2 năm ở Nhật. Còn rất nhiều trường hợp khó khăn hơn trường hợp trên, đó là những người thất nghiệp hoàn toàn, không còn sinh kế nơi đất khách quê người… Tuy nguyên nhân trực tiếp là do đại dịch COVID-19, nhưng nguyên nhân thực sự có lẽ nằm ở vấn đề chính sách. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng đã chỉ trích việc nước này cho phép sử dụng nguồn lao động là “du học sinh” - những người đến Nhật để học tập chứ không phải để lao động “ngoài tư cách lưu trú” như hiện nay. Bên cạnh đó, chương trình “thực tập kỹ năng” của Nhật Bản với mục đích ban đầu là “hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đóng góp cho sự phát triển khoa học kỹ thuật của các nước đang phát triển”, nhưng lại “được tận dụng như một chế độ nhằm đảo bảo nguồn cung lao động cho Nhật Bản” - quốc gia vốn không thể phủ nhận thực trạng thiếu nhân lực trầm trọng do già hóa dân số. Vậy thì, phải chăng xem xét lại chính sách nhập khẩu lao động nước ngoài, nhìn nhận thẳng thắn vào thực tế, cho người lao động nước ngoài vị trí pháp lý rõ ràng, được hưởng các quyền lợi mà họ đáng được hưởng chính là bước đi cần thiết đầu tiên của nước sở tại. Về phía Việt Nam, cũng cần quản lý chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan phái cử lao động để tránh trường hợp người lao động bị lừa đảo, phải trả những khoản chi phí đắt đỏ cho việc sang Nhật Bản làm việc để rồi gồng mình trả nợ.

Vấn đề thứ hai không hoàn toàn liên quan đến đại dịch COVID-19, nhưng là vấn đề tồn lại lâu dài trước và cả sau đại dịch, đó là chế độ chuyển đổi TCLT từ visa “Thực tập kỹ năng” sang “Kỹ năng đặc định loại 1” và “Kỹ năng đặc định loại 2”. Trước hết, phải nói rằng chế độ “Kỹ năng đặc định” là một bước đi mới của chính phủ Nhật Bản vào tháng 4/2019 như một sự thừa nhận chính thức về tình trạng thiếu nhân lực do già hóa dân số, đồng thời cũng là chế độ hỗ trợ cho thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản. Chế độ này cho phép người lao động nước ngoài có tay nghề và trình độ tiếng Nhật đủ để có thể làm việc ngay tại Nhật Bản mà không phải qua đào tạo sẽ được tuyển dụng sang Nhật làm việc trong thời gian tối đa là 5 năm; Đây cũng là chế độ hỗ trợ cho thực tập sinh sắp hết hạn visa- phải về nước được chuyển đổi TCLT từ “thực tập kỹ năng” sang “kỹ năng đặc định” để có thể kéo dài thời gian làm việc tại Nhật Bản trong 14 ngành nghề “đặc định” mà chính phủ nước này quy định như: ngành chăm sóc điều dưỡng, vệ sinh tòa nhà, ngành vật liệu, chế tạo máy công nghiệp, điện - điện tử, xây dựng, đóng tàu và thiết kế hàng hải, bảo dưỡng ô tô, hàng không, nông, lâm, ngư nghiệp, phục vụ ăn uống… “Kỹ năng đặc định loại 2” là loại TCLT có nhiều quyền lợi hơn loại 1, đặc biệt có thể nhận được visa “vĩnh trú” nhưng yêu cầu khắt khe hơn và chỉ áp dụng đối với 2 ngành nghề mà Nhật Bản đang rất cần lao động là ngành xây dựng và đóng tàu. Có thể nói, đây là cơ hội mở ra trong người lao động nước ngoài tại Nhật, song hiện nay vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ để người lao động có thể dễ dàng nắm bắt thông tin cũng như đạt được loại visa này. Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận sự cố gắng của chính phủ Nhật Bản khi đã đầu tư cải tiến, tăng cường hệ thống hỗ trợ và tư vấn cho người lao động nước ngoài như: gia tăng số lượng tư vấn viên và phiên dịch viên, bổ sung thiết bị phiên dịch đa ngôn ngữ… Đặc biệt, hệ thống văn phòng Hello Work và Call Center nhằm hỗ trợ việc làm, giải quyết các thủ tục ứng tuyển việc làm cũng như xin trợ cấp thất nghiệp với thông tin chính xác và đầy đủ đã được trang bị thêm các thiết bị đa ngôn ngữ. Đồng thời, thông tin được cung cấp trên trang web “Cổng thông tin điện tử hỗ trợ cuộc sống cho người nước ngoài” của Cục quản lý tư cách lưu trú và xuất nhập cảnh Nhật Bản cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tuy vậy, rào cản ngôn ngữ vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất mà người lao động nước ngoài gặp phải ở Nhật Bản.

Cuối cùng, việc quản lý tuyển dụng lao động nước ngoài cũng là vấn đề cần phải bàn đến. Như đã đề cập ở phần trên, việc sử dụng du học sinh như một nguồn lao động giá rẻ trong nhiều lĩnh vực ngành nghề gây thiệt thòi cho người lao động bởi họ không được đảm bảo các quyền lợi đầy đủ, điều này đã được chứng minh qua thực tiễn đại dịch COVID-19. Ngược lại, lạm dụng nguồn nhân lực nước ngoài cũng sẽ gây tác động ngược trở lại đối với người lao động Nhật, làm mất đi cơ hội việc làm và trải nghiệm của họ, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tu nghiệp sinh được tuyển dụng sang Nhật làm các công việc mang tính thời vụ, không có sự ổn định cũng như cơ hội để trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Con số 61,1% các doanh nghiệp Nhật Bản đang sử dụng lao động nước ngoài là doanh nghiệp quy mô nhỏ dưới 30 người và con số gần 20% doanh nghiệp quy mô từ 30-99 người như thống kê ở biểu đồ 6 cho thấy sự bấp bênh trong công việc cũng như cơ hội được đào tạo của lao động nước ngoài. Mặt khác, xu hướng giảm sút sự thu hút về mức lương ở Nhật Bản như đã trình bày ở biểu đồ 7, cũng như thực trạng già hóa dân số đang diễn tiến nhanh chóng tại các quốc gia xuất khẩu lao động chủ chốt sang Nhật Bản như Việt Nam và Trung Quốc cho thấy nguồn lao động nước ngoài đến Nhật có thể bị thu hẹp trong tương lai, và việc phụ thuộc quá nhiều vào lao động nước ngoài ít nhiều sẽ gia tăng rủi ro cho nền kinh tế nước này. Chính phủ Nhật Bản đang hướng đến việc “quy hoạch” tuyển dụng lao động nước ngoài với các kế hoạch cụ thể, song song với điều chỉnh các chính sách lao động và ngành nghề của Nhật Bản.

Già hóa dân số sâu sắc và những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng nhu cầu về nguồn nhân lực của Nhật Bản hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các chính sách đối với lao động nước ngoài của Nhật Bản lại chưa theo sát thực tiễn, chưa đem lại hiệu quả cao, cần phải được cải cách đồng bộ với các chính sách về thị trường lao động và ngành nghề. Có lẽ, việc tiếp nhận người lao động nước ngoài trên danh nghĩa “thực tập kỹ năng” và “du học sinh” cần được điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho người lao động. Chính sách “Tiếp nhận và cộng sinh với người lao động nước ngoài” được chính phủ Nhật Bản ban hành năm 2018 và chế độ “Kỹ năng đặc định” được thực hiện từ tháng 4 năm 2019 đã cho thấy những bước đi mạnh mẽ, sát thực tế hơn của Nhật Bản. Về phía Việt Nam, chúng ta cũng cần quản lý chặt chẽ và có chế tài nghiêm ngặt đối với các công ty phái cử lao động Việt Nam sang Nhật Bản, cũng như chuẩn bị cho người lao động một lộ trình học tập đầy đủ về ngôn ngữ, văn hóa và kỹ năng chuyên môn để có thể nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống lao động và học tập tại Nhật Bản.

 

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Website Viện Nghiên cứu chính sách Nhật Bản Nisei: https://www.nli-research.co.jp/
  2. Website Cơ quan hợp tác nhân lực quốc tế JITCO: https://www.jitco.or.jp/
  3. Website Bộ Y tế Lao động Nhật Bản: ホーム|厚生労働省 (mhlw.go.jp)
  4. Báo cáo về hiện trạng lao động nước ngoài tại Nhật Bản, website Bộ Y tế Lao động Nhật Bản: 000391311.pdf (mhlw.go.jp)
  5. Hoshino Takuya, “Thảo luận về vấn đề tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật Bản”, tháng 1/2022, Website Viện Nghiên cứu kinh tế Dai-ichi Life Group: 内外経済ウォッチ『日本~外国人労働者受け入れ議論の課題~』(2022年1月号) | 星野 卓也 | 第一生命経済研究所 (dlri.co.jp)
  6. Phan Cao Nhật Anh, “Lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong giai đoạn bình thường mới”, Hội thảo khoa học Hiện trạng lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong trạng thái “bình thường mới”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, 17/11/2021
  7. Ngô Hương Lan, “Tình hình lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong đại dịch Covid”, Hội thảo khoa học Hiện trạng lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong trạng thái “bình thường mới”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, 17/11/2021
  8. Ngô Hương Lan “Vấn đề chuẩn bị các kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản của du học sinh và thực tập sinh Việt Nam trước khi sang Nhật”, Hội thảo Quốc tế Vấn đề người lao động Việt Nam tại Nhật Bản - Xem xét tác động của đại dịch COVID-19 và xây dựng đối sách mới, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, ngày 2/12/2020.
  9. Ngô Hương Lan, “Lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong thời đại “Sống chung với Covid-19”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 3/2022.

 

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn