GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TRONG GIÁO DỤC NHẬT BẢN, HÀN QUỐC (PHẦN 2)

Đăng ngày: 29-09-2022, 16:47

2.Một số những thay đổi quan trọng trong hệ thống giáo dục

Nhìn chung, những gián đoạn do dịch bệnh và quá trình sử dụng công nghệ thông tin bắt buộc trong thời gian Covid 19 lây lan đã làm thay đổi mạnh mẽ phương thức giáo dục, mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh, phụ huynh trong quá trình học tập và rộng lớn hơn là liên kết giáo dục giữa các quốc gia.

2.1.Cuộc cách mạng phát triển kỹ thuật số trong ngành giáo dục

Tại Hàn Quốc, theo khảo sát quốc gia năm 2020 ( NIA, Năm 2020), do ảnh hưởng của Covid 19, 99,9% thanh thiếu niên sử dụng Internet để học tập, trong khi vào năm 2019 con số này là 57,8%. Điều này cho thấy rõ ràng giáo dục trực tuyến đã trở nên phổ biến một cách nhanh chóng như thế nào trong thời kỳ Covid 19 lây lan. Đặc biệt trong khoảng thời gian các trường học đóng cửa, việc học online gần như là chính.

Cũng theo đó, các giáo viên cũng dần làm quen với cách sử dụng công nghệ trực tuyến vào các bài giảng của mình mặc dù các bài giảng có thể chưa hoàn chỉnh cho tất cả các học sinh. Các trường học cũng thực hiện một số thay đổi về việc đi học để phù hợp với các điều kiện giáo dục trực tuyến. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng đưa ra hướng dẫn về các lớp học mới, hướng dẫn xác định ba loại lớp học trực tuyến: dựa trên tương tác trực tuyến đồng bộ (SOIB ), dựa trên tương tác trực tuyến không đồng bộ ( ASOIB ) và dựa trên phân công dự án ( PAB). Đối với các lớp học này, Bộ Giáo dục đã cung cấp cho các trường nhiều lựa chọn khác nhau về hệ thống quản lý học tập ( LMS) và giáo viên với các thiết bị như webcam và máy tính bảng. Học sinh có nhu cầu đã được cung cấp máy tính bảng để tham gia. Ngoài ra, các giáo viên trên toàn quốc đã tham gia phát triển chuyên môn về giảng dạy trực tuyến do Bộ Giáo dục cung cấp, và trao đổi giữa các đồng nghiệp thông qua phát triển chuyên môn tại địa phương và nội bộ. Tất cả những điều này xảy ra chưa đầy 2 tháng trước khi nhà trường bắt đầu phương thức giáo dục mới vào tuần đầu tiên của tháng 4 năm 2020.

Tại Nhật Bản, Tỷ lệ thực hiện đào tạo trực tuyến ở Nhật Bản đã tăng từ 13% trước khi Covid xuất hiện lên 51 %, tuy nhiên vẫn bị đánh giá là thấp so với các khu vực khác ở châu Á như Ấn Độ, Hồng Kông, Malaysia ..v.v…[1] . Như đã trình bày, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ sử dụng thiết bị kỹ thuật số thấp nhất trong trường học (theo đánh giá của PISA 2018). Tuy nhiên, do sự lây lan các biến chủng virut mới, khái niệm trường học GIGA đã được đưa ra, và môi trường mạng với "một thiết bị đầu cuối cho mỗi người" đã được thiết lập tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập trên toàn Nhật Bản. Từ tháng 4 năm 2021, hầu hết các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập đã bắt đầu học sử dụng “mỗi người một thiết bị”. Tuy nhiên, có thể nói bối cảnh gấp rút, cùng với hệ thống giáo dục chưa thể lập tức thích ứng với điều kiện công nghệ mới, việc dạy và học thông qua thiết bị điện tử tại Nhật Bản vẫn còn nhiều vấn đề chưa phù hợp[2]. Đặc biệt phải kể đến sự thay đổi bắt buộc của các giáo viên. Như đã trình bày, giáo viên tại Nhật Bản đề cao việc dạy trực tiếp mà không cần các thiết bị điện tử hỗ trợ, nhưng năm 2020, theo báo cáo của TALIS, 36 % giáo viên trung học cơ sở cho biết đã sử dụng tài liệu học tập kỹ thuật số trong thời gian trường học đóng cửa ( tăng so với con số 18% trước đó). Thậm chí, sau khi trường học mở cửa trở lại, theo báo cáo khảo sát về giáo viên các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập của Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Benesse năm 2021, tỷ lệ giáo viên sử dụng thiết bị CNTT trong các lớp học lên đến 63,3% ở các trường tiểu học và 58,9% ở các trường trung học cơ sở[3]. Rõ ràng rằng, văn hóa sử dụng tài liệu trực tuyến, thiết bị thông tin điện tử đối với giáo viên Nhật Bản đã thay đổi. Không chỉ có giáo viên, tư duy của học sinh cũng thay đổi trong quá trình học trực tuyến, từ chỗ thụ động tiếp nhận trực tiếp sang chủ động tiếp nhận. Hay nói cách khác, việc học đã được cá nhân hóa, người học có thể tự mình chọn lựa thời gian, địa điểm và bạn đồng hành.

Rõ ràng, cho dù tỷ lệ đào tạo trực tuyến của Nhật Bản không cao so với Hàn Quốc, song ở cả hai quốc gia đều chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng và phổ biến phương thức giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, văn hóa giảng dạy của giáo viên và tiếp nhận của học sinh cũng đang dần thay đổi.

2.2.Mối quan hệ trong giáo dục

Những trở ngại trong quá trình học tập trực tiếp đã làm thay đổi mối quan hệ giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Tại Nhật Bản, như đã trình bày cuộc khủng hoảng này đã cho phép hệ thống giáo dục của Nhật Bản cung cấp phương pháp học tập cá nhân hóa hơn thông qua giáo dục trực tuyến. Nhật Bản là một trong những quốc gia có số lượng trẻ em và học sinh trên mỗi lớp cao nhất trong số các nước OECD. Theo báo cáo Sơ lược về Giáo dục của OECD, năm 2018 số học sinh mỗi lớp ở Nhật Bản là 27,2 so với mức trung bình của OECD là 21,1 ở các trường tiểu học. Ở trường trung học cơ sở, con số đó là 32,1 so với mức trung bình của OECD là 23,3. Việc triển khai các lớp học trực tuyến và dạy thêm trong thời gian trường đóng cửa đã giúp mỗi học sinh có thể đặt câu hỏi “trực tiếp” với giáo viên và cho phép giáo viên quan tâm đến từng học sinh hơn.

Về phía phụ huynh, theo một cuộc khảo sát do Văn phòng Nội các thực hiện năm 2020, 70,3% các cặp vợ chồng đã kết hôn trả lời rằng thời gian dành cho gia đình tăng lên trong thời kỳ đại dịch. Đối với những người có kinh nghiệm làm việc tại nhà, có tới 77,7% cho biết rằng thời gian dành cho gia đình tăng lên. Trong một cuộc khảo sát trực tuyến do Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Phát triển Trẻ em thực hiện, khoảng 75% trẻ em ở các lớp dưới của trường tiểu học (lớp 1–3) cần sự giúp đỡ của cha mẹ trong việc học ở nhà và 60% trẻ em ở các lớp trên của trường tiểu học (lớp 4–6) cũng cần sự giúp đỡ của cha mẹ.  Do đó, thời gian mà cha mẹ dành cho con cái của họ, đặc biệt là đối với học sinh nhỏ tuổi, và khả năng hỗ trợ con cái của họ tăng lên, có thể cải thiện việc học ở nhà.

Tuy nhiên, việc học tập tại nhà cũng chỉ là biện pháp bất khả kháng bởi so với việc học tập trên lớp, học tập trực tuyến đã khiến gia tăng thêm những bất bình đẳng giữa các học sinh có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin và những học sinh vốn đã khó khăn. Thêm vào đó, kết quả so sánh từ việc học trực tuyến so với học trên lớp, đa số học sinh, giáo viên và phụ huynh đều cho rằng việc học trực tiếp đem lại hiệu quả cao hơn với đa số học sinh. Kết quả từ giáo dục ở Hàn Quốc cũng cho thấy điều này.

Trong cuộc khảo sát về nhận thức vai trò của trường học và lớp học trực tuyến trong thời kỳ Covid 19 năm 2021 của một nhóm các nhà khoa học Hàn Quốc đã cho thấy 80-90% những người được hỏi khẳng định về khoảng cách giáo dục khi học trực tuyến. Lý do chủ yếu là do đặc điểm cá nhân về sự khác biệt về khả năng học, khả năng thích ứng của học sinh, nền tảng gia đình cũng như sự hỗ trợ của cha mẹ với việc học và những hạn chế trong giao tiếp, phản hồi giữa học sinh và giáo viên trong quá trình học trực tuyến,

Cũng trong cuộc khảo sát này, các kết quả chỉ ra rằng việc không gặp mặt trực tiếp đã làm suy yếu các mối quan hệ với bạn bè và cộng đồng lớp học, các học sinh có hoàn cảnh kinh tế và xã hội thấp bị gạt ra ngoài lề, gánh nặng hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tại nhà tăng lên, khoảng cách học tập và khả năng học tập kém đi, trong khi đó giáo viên vẫn còn hạn chế trong khả năng sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Cuối cùng, các lớp học trực tuyến chỉ được đánh giá đạt hiệu quả là 6%, trong khi học tập trên lớp được đánh giá có hiệu quả lên đến 77%.[4]

Như vậy, so với những lợi ích về cải thiện mối quan tâm giữa giáo viên – học sinh – phụ huynh học sinh trong khoảng thời gian học trực tuyến vẫn thấp hơn so với những hạn chế mà việc học tập trực tuyến này đem lại. Về cơ bản, phần lớn những thay đổi trong mối quan hệ học tập này đều không được mong đợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại và trong thời gian tới, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều phải tính đến những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng học trực tuyến và hỗ trợ giáo viên, học sinh, phụ huynh thích ứng với phương pháp học tập mới này.

2.3.Liên kết giáo dục giữa các quốc gia bị gián đoạn dẫn đến những chênh lệch về tỷ lệ du học trong và ngoài nước;  thay đổi trong chọn lựa môi trường học tập

Ảnh hưởng của Covid 19 đã gây ra sự đứt gãy đột ngột trong liên kết giáo dục giữa các quốc gia, đặc biệt là giáo dục bậc cao.

Tại Nhật Bản, chính sách kiểm soát Covid chặt chẽ đã gây ra sự mất cân bằng giữa sinh viên Nhật Bản du học và sinh viên quốc tế đến Nhật Bản. Thêm vào đó, nhiều sinh viên quốc tế đã xem xét đến những lựa chọn du học khác ngoài Nhật Bản. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chính sách tăng số lượng sinh viên quốc tế của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.

Theo Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản (JASSO), có 312.214 sinh viên nước ngoài ở Nhật Bản vào tháng 5 năm 2019, nhưng con số này đã giảm xuống còn 242.444 người vào tháng 5 năm 2021. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản báo cáo, số lượng sinh viên nước ngoài giảm mạnh sau khi Nhật Bản đóng cửa biên giới và thực hiện chính sách nhập cư mới, bao gồm cả chính sách cho sinh viên nước ngoài đã có thị thực vào đầu đại dịch. Một số sinh viên đã chuyển hướng sang các quốc gia khác hoặc từ bỏ việc nhập học tại Nhật Bản.

Báo cáo cũng cho thấy số lượng sinh viên Nhật Bản đi du học đã giảm do đại dịch, từ 115.146 người trong năm 2019 xuống còn 1.487 người vào năm 2021[5].

Mặc dù  trong thời kỳ đại dịch căng thẳng, sinh viên Nhật Bản vẫn hy vọng theo đuổi các cơ hội học tập quốc tế  ngay tại trong nước thông qua các hình thức trực tuyến. Tuy nhiên,  chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt do chính phủ áp đặt cuối cùng đã khiến các cơ sở giáo dục không thể tiếp cận với các mối quan hệ đối tác và học sinh quốc tế.


ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TRONG GIÁO DỤC NHẬT BẢN, HÀN QUỐC (PHẦN 2)

 

ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TRONG GIÁO DỤC NHẬT BẢN, HÀN QUỐC (PHẦN 2)

 

Trước đó, vào đầu năm 2020, khi Covid bắt đầu bùng nổ, các chương trình du học dành cho sinh viên Nhật Bản đã đột ngột dừng lại. Trong khi đó, đến năm 2021, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên thế giới đã dần nối lại các chương trình du học và tiếp nhận sinh viên Nhật Bản. Do đó, sinh viên nước ngoài có thể rời Nhật Bản và tham gia vào các trải nghiệm học tập quốc tế, trong khi sinh viên quốc tế hy vọng đến Nhật Bản lại thấy mình bị mắc kẹt tại các cơ sở giáo dục ở quê nhà và buộc phải tham gia các khóa học trực tuyến do các trường đại học Nhật Bản cung cấp.

Nhật Bản đã tuân thủ một chính sách chặt chẽ hơn đối với việc nhập cảnh của du khách quốc tế so với việc xuất cảnh của công dân Nhật Bản. Chính sách nhập cư khắt khe như vậy đã tạo ra sự mất cân bằng giữa sinh viên du học Nhật Bản và sinh viên quốc tế đến Nhật Bản. Đổi lại, sự mất cân bằng này có khả năng dẫn đến tình trạng các trường đại học Nhật Bản mất mối quan hệ đối tác với các trường đại học và cơ quan quốc tế, điều này có thể tước đi cơ hội du học của sinh viên Nhật Bản. Ngoài ra, sự thiếu tin cậy của các chính sách nhập cư có thể dẫn đến việc sinh viên quốc tế không còn coi Nhật Bản là điểm đến du học hợp lệ. Vào tháng 2 năm 2022, chính phủ Nhật Bản đưa ra thông báo rằng cuối cùng họ sẽ nới lỏng các hạn chế biên giới. Quyết định mở cửa cho sinh viên quốc tế có thể có tác động tích cực đến các sáng kiến ​​quốc tế hóa trong tương lai và thậm chí tác động đến khả năng của sinh viên trao đổi Nhật Bản có được cơ hội học tập quốc tế.[8]

So với Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng du học sinh nước ngoài  ở mức ít hơn, song do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng du học sinh cũng cho thấy sự sụt giảm từ 160.165 người năm 2019 xuống  152.281 người năm 2021 ( tham khảo bảng 4). Trong khi đó, số lượng sinh viên Hàn Quốc ra nước ngoài cũng giảm mạnh, đặc biệt là sinh viên tới Mỹ giảm 14%[9]( thị trường có số lượng du học sinh Hàn Quốc lớn nhất từ nhiều năm trước). Theo báo cáo của Bộ ngoại giao Hàn Quốc, số lượng sinh sinh đi du học đã giảm 41% ( so sánh số liệu năm 2018 và 2020) sau khi đại dịch diễn ra.

 

ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TRONG GIÁO DỤC NHẬT BẢN, HÀN QUỐC (PHẦN 2)

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, khi tình trạng nhiễm COVID-19 tiếp tục kéo dài hơn hai năm, số lượng sinh viên quay trở về Hàn Quốc sau khi đi du học ngày càng tăng. Theo Cơ quan Quản lý Khu kinh tế Tự do Incheon ,  24,4% (855 người) trong số 3.504 sinh viên theo học tại 5 trường đại học nước ngoài cư trú tại Trung tâm quốc tế Incheon ở Thành phố Quốc tế Songdo đã hoàn thành các khóa học trung học tại đây. Số sinh viên còn lại chiếm 67,1% (2.351) là sinh viên trong nước thuần túy và 8,5% (298) sinh viên nước ngoài. Cơ quan Quản lý Kinh tế Incheon phân tích rằng khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kéo dài, các trường đại học nước ngoài ở Hàn Quốc nổi lên như một giải pháp thay thế cho việc du học.

Trên thực tế, tỷ lệ sinh viên nhập học (số lượng sinh viên đăng ký trong tổng số năng lực) của Trung tâm quốc tế Incheon đang tăng mạnh từ 64,8% vào năm 2019, trước COVID-19, lên 70,3% vào năm 2020 và 78,2% vào năm 2021.  Độ tin cậy của K-cách ly tương đối cao so với các nước lớn ở nước ngoài, và sự đảm bảo ổn định về quyền học tập và cuộc sống nhất định ở Hàn Quốc cũng đóng vai trò là một yếu tố thúc đẩy sự quay đầu của du học sinh tại Hàn Quốc. .

Như vậy, đại dịch Covid rõ ràng đã gây ra những gián đoạn không hề nhỏ tới các mối liên kết giáo dục quốc tế. Song trong giai đoạn khó khăn này lại chứng nhiều nhiều thay đổi trong lựa chọn môi trường học tập của các sinh viên đến và đi tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong tương lai, những chính sách liên quan đến vấn đề nhập cảnh sẽ còn có tác động rất lớn đối với số lượng du học sinh đến hai quốc gia này. Đồng thời, quá trình hiện đại hóa giáo dục cũng có giá trị quan trọng trong việc hấp dẫn sinh viên trong và ngoài nước trong thời gian tới.

3.Kết luận

Qua phân tích có thể thấy, Cuộc cách mạng công nghệ thông tin trong giáo dục đã tạo ra những thay đổi trên quy mô lớn, khiến các quốc gia nhận thức được nhiệm vụ cấp bách trong việc cải thiện điều kiện công nghệ và suy nghĩ những phương án giải quyết mặt trái của công nghệ trực tuyến. Về phía giáo viên – học sinh – phụ huynh học sinh, những thay đổi trong mối quan hệ này được hình thành dựa trên văn hóa học trực tuyến vẫn còn nhiều tranh luận, song mọi cá nhân trong cuộc đều buộc phải tìm cách thích ứng trong điều kiện vẫn còn nhiều mối lo ngại về dịch bệnh hiện nay. Trong bối cảnh mới, rõ ràng Hàn Quốc đang chiếm ưu thế về khả năng ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều đang rất khó khăn để kiểm soát sự bất bình đẳng trong học tập, cải thiện những hạn chế từ việc hạn chế tiếp xúc cộng đồng.

Hơn nữa, trong tình huống hiện tại, sự gián đoạn mối liên kết giáo dục giữa các quốc gia gây nên 2 vấn đề, đó là sự thay đổi lựa chọn môi trường học tập; sự chênh lệch về số lượng học sinh du học và học sinh nước ngoài nhập học. Điều này đòi hỏi chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản cần linh hoạt trong việc thực hiện các chính sách nhập cư và tính toán các phương pháp hỗ trợ hàn gắn các mối liên kết giáo dục quốc tế.

 

Th.s Nguyễn Thị Ngọc Anh

TTNC Nhật Bản, Viện NC Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.日本の遠隔授業実施率は51%、コロナ禍で増加もアジアでは遅れ

https://reseed.resemom.jp/article/2021/08/30/2187.html

2.GIGA元年、2021年の教育界を人気記事で振り返り不登校、ブラック校則、偏差値教育、格差まで,

https://toyokeizai.net/articles/-/478278

3.Kazuaki Iwabuchi (2021), “ Covid 19 and education on the front lines in Japan: What caused learning disparities and how đi the government and schools take initiative?”, https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-3-030-81500-4_5

4.[기획] 코로나 시대, 학교의 역할 및 온라인 수업에 대한 인식 조사, https://hrcopinion.co.kr/archives/17834

5.Noah Yarrow, Hayeon Kim, Tobias Pfutze (2022), “Online learning in Korea: Moving ahead and falling behind during Covid”, https://blogs.worldbank.org/education/online-learning-korea-moving-ahead-and-falling-behind-during-covid

 

[6] Result of International Student Survey in Japan, 2021, https://www.studyinjapan.go.jp/en/statistics/zaiseki/data/2021.html

[7] https://www.jaos.or.jp/newsrelease_eng#dd01

[8] “How will COVID affect Japan’s internationalisation aims?”

https://www.universityworldnews.com/post.php?story=20220323093057681

[9] https://chicagokoreatimes-com

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn