GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Bài học từ việc phát triển cộng đồng ở Nhật Bản

Đăng ngày: 21-10-2022, 14:46

Nhật Bản là một đất nước có tính cộng đồng cao, nhưng trải qua quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, đã nhiều lần đứng trước nguy cơ mất cộng đồng. Thực tế đã chứng minh kiểu cộng đồng truyền thống - cộng đồng địa lý vốn tồn tại từ xa xưa, chủ yếu dựa vào mối quan hệ khăng khít giữa hàng xóm, láng giềng khó có thể tồn tại trong xã hội hiện đại, nơi mà tiêu chuẩn về sự riêng tư, cá nhân được đặt lên hàng đầu. Cùng với dòng chảy của thời gian, chức năng của cộng đồng truyền thống cũng dần dần bị bào mòn và mất đi, có những chức năng vốn dĩ do cộng đồng truyền thống đảm nhiệm, nay được trao cho “chính quyền” hoặc “doanh nghiệp”. Mặc dù trải qua các giai đoạn lịch sử, tính cộng đồng ở mỗi giai đoạn có sự thay đổi, có mức độ “đậm”, “nhạt” khác nhau, có những mô hình cộng đồng bị suy thoái, song không thể phủ nhận vai trò quan trọng của cộng đồng đối với đời sống xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Chính vì vậy mà sự tồn tại của cộng đồng đã được nhìn nhận lại ở Nhật Bản vào những năm 1970, sau khi quốc gia này trải qua thời kỳ phát triển kinh tế cao độ.

Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện hàng loạt chính sách cộng đồng trong suốt 3 thập kỷ từ 1970 đến những năm 2000. Nhiều mô hình cộng đồng mới đã được thử nghiệm như “cộng đồng kiểu mẫu” lấy trường tiểu học trong khu vực làm trung tâm cộng đồng, “khu vực xúc tiến cộng đồng”, “khu vực kích hoạt hoạt động cộng đồng”… Có thể nói, nhà nước đã bỏ không ít kinh phí ra trang bị “phần cứng” cho các cộng đồng, đó là việc quy hoạch, xây dựng nhà cộng đồng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi chung…, cũng như lập kế hoạch “kiểu mẫu” cho các hoạt động cộng đồng. Về “phần mềm”, hệ thống chính sách và luật tạo điều kiện cho việc thành lập các tổ chức cộng đồng và phát triển cộng đồng. Nhờ sự “kích hoạt” này, các hoạt động cộng đồng như tổ chức lễ hội truyền thống, hoạt động thể thao, giải trí, vệ sinh môi trường… đã diễn ra khá sôi nổi, và từ “community” (cộng đồng) trở thành một từ khóa quan trọng trong suốt những năm 1970-1980, con số các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng cũng tăng lên đáng kể. Về phương diện phúc lợi xã hội, trách nhiệm đảm bảo phúc lợi cho người dân đã chuyển từ “gia đình” và “cộng đồng” sang “chính phủ” vào những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng năm 1990, Luật Phúc lợi sửa đổi lại đưa trách nhiệm này quay lại với cộng đồng, nhưng theo một cách thức khác, có sự phân công, chia sẻ trách nhiệm và hợp tác giữa các tổ chức tư nhân, tổ chức công và các đoàn thể cung cấp dịch vụ phúc lợi trong cộng đồng, nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội.

Tuy nhiên, các chính sách cộng đồng ở Nhật Bản cũng bộc lộ một số mặt hạn chế. Trước hết, chính sách cộng đồng những năm 1970-1980 nhằm xây dựng cộng đồng theo kế hoạch, dưới sự quy hoạch của nhà nước, nên thực chất đây chỉ là sự thay đổi về mặt quản lý hành chính đối với các địa phương mà thôi. Quy hoạch gộp và hợp nhất các thị trấn, thôn, làng đã tạo ra những “cộng đồng lý tưởng” với trung tâm là trường tiểu học trong vùng, nhưng lại bỏ qua các cộng đồng địa lý đã tồn tại lâu dài, thân thuộc và có chức năng chính trong các hoạt động cộng đồng như hội phố, hội thôn… Cộng đồng mới được quy hoạch có vị trí địa lý khác với các cộng đồng cũ, nên vô tình lại “cắt xẻ” cộng đồng địa lý cũ, làm giảm sức bền của chính cộng đồng và sự liên kết giữa các cư dân trong cộng đồng đó. Mặt khác, các kế hoạch hoạt động cộng đồng được bộ máy hành chính thôn, làng, xã đặt ra, mặc dù có tham khảo ý kiến người dân, nhưng chưa phù hợp, nên chưa lôi cuốn được sự tham gia của người dân, người dân chưa thực sự chủ động tham gia vào quá trình “lập kế hoạch và hành động” của cộng đồng. Tóm lại, cách tiếp cận từ trên xuống “top-down” chưa thực sự hiệu quả đối với việc phát triển cộng đồng.

Chính sách cộng đồng đầu thập niên 2000 đã được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn khi thực hiện chính sách “cộng đồng kế hoạch” ở các giai đoạn trước, nên giai đoạn này tính “mở”, tính “dân chủ” và tính “tự lập” được đẩy mạnh. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các tổ chức cư dân, tổ chức NPO, các nhóm, hội tình nguyện cuối thập niên 1990, đầu những năm 2000 đã cho thấy hiệu quả của chính sách cộng đồng trong giai đoạn này. Đặc biệt, Nhật Bản đã xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan dịch vụ phúc lợi địa phương, đó là “Luật tự trị địa phương sửa đổi” ban hành năm 1991, “Luật xúc tiến các hoạt động phi lợi nhuận đặc biệt” (Luật NPO) năm 1998 và “Luật kinh doanh phúc lợi xã hội sửa đổi” được ban hành năm 1999. Trong giai đoạn này, người dân được trao quyền tự quyết, được chủ động tham gia vào toàn bộ quy trình “phát hiện vấn đề, xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề, hành động thực tế và đánh giá kết quả thực hiện”. Điều này thể hiện ở việc “không gian cộng đồng mới” - “Cơ chế hợp tác địa phương” (地方共同体) được thiết lập, gồm chủ thể là toàn bộ cư dân sống trong cộng đồng và các đoàn thể, hội, nhóm, các tổ chức tự trị trong cộng đồng, còn Hội đồng địa phương (地方協議会) chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động hợp tác, chia sẻ trong cộng đồng. Hội đồng địa phương được thành lập với sự tham gia của đại diện tất cả các chủ thể trên, nên mỗi người dân đều có tiếng nói trong các kế hoạch hoạt động của cộng đồng, ý kiến của hội đồng được phản ánh lên Trưởng thị trấn, thôn, làng hoặc thành phố. Tuy nhiên, về mặt tổ chức, hội đồng này không có tư cách pháp nhân mà chỉ là một tổ chức tư vấn cho thị trưởng hoặc trưởng các thôn, làng, phố, thị trấn.

Các chính sách và giải pháp phát triển cộng đồng hiện nay ở Nhật Bản về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân về phúc lợi xã hội địa phương và các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số vấn đề đặt ra, đó là:

(1) Thứ nhất, tình hình ít trẻ em, già hóa dân số vẫn tiếp tục tiến triển với tốc độ nhanh, các làng nông nghiệp, ngư nghiệp, khu vực nông thôn miền núi đang dần dần bị hoang hóa, trong khi đó, hình thái gia đình trở nên đa dạng hơn, tính cá nhân trong xã hội tăng lên, nhưng sức cộng sinh trong khu vực lại yếu đi, vì vậy cần phải tăng cường mạng lưới an toàn trong khu vực.

(2) Thứ hai, việc liên hiệp, hợp nhất một số thị trấn, thôn, làng vẫn tiếp tục được thực hiện, nhưng trong lúc cơ chế hành chính vẫn còn chưa hoàn thiện thì ý thức cộng đồng vốn có đã bị giảm sút nghiêm trọng, nội lực khu vực giảm. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến các dịch vụ cư dân vốn được cung cấp bởi các tổ chức cộng đồng trong khu vực khó tránh khỏi giảm chất lượng, giảm tiêu chuẩn.

(3) Thứ ba, cần phân quyền địa phương, nhấn mạnh vai trò tự trị, tự lập của không chỉ các đoàn thể, mà cả người dân địa phương.

(4) Thứ tư, làm thế nào để có cơ chế cộng tác, liên kết hợp lý giữa các đoàn thể địa lý ở khu vực (cộng đồng địa lý) như hội phố, hội thôn… vốn đã tồn tại lâu dài từ trước, với các tổ chức cộng đồng mang tính chức năng như NPO và các đoàn thể khác.

(5) Thứ năm, cần thống nhất về quan điểm và cách thức thực thi các chính sách cộng đồng ngay đối với các bộ, ngành, Bộ Nội vụ và các sở ban ngành trực thuộc.

(6) Thứ sáu, nội lực nằm ở các hoạt động cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, ý thức của người dân khi tham gia phải là tự nguyện.

(7) Thứ bảy, tiếp tục xây dựng nền tảng cộng đồng: Nền tảng hoạt động cộng đồng địa phương phải có hình thái đa dạng phù hợp với hiện trạng cộng đồng, môi trường và hoàn cảnh lịch sử của cộng đồng đó. Đối với hoạt động cộng đồng, các đoàn thể xã hội với từng mục đích độc lập và chức năng khác nhau không hoạt động riêng biệt, mà có sự kết nối, thống nhất ý kiến và cùng nhau vận hành, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng.

(8) Thứ tám, vận dụng ICT: Công nghệ thông tin mà tiêu biểu là mạng xã hội của khu vực có hiệu lực lớn trong việc kết nối các thành viên ở xa, đồng thời hữu ích trong việc tạo ra những cộng đồng theo chủ đề riêng biệt. Tuy nhiên,  cũng cần lưu ý sử dụng công nghệ thông tin như thế nào để an toàn, hiệu quả, kết hợp các hoạt động thật và hoạt động ảo.

(9) Thứ chín, cách thức can dự về mặt hành chính: Về cơ bản, hoạt động của cộng đồng địa phương là hoạt động do người dân làm chủ thể. Chính vì vây, người dân không nên dựa dẫm quá nhiều vào bộ máy hành chính nhà nước. Mặt khác, về phía bộ máy hành chính, từ quan điểm tôn trọng tính chủ thể, chủ động của người dân, chỉ tiến hành các hoạt động trên cương vị người cộng tác. Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ đào tạo chuyên gia - người làm công tác cộng đồng, bởi vai trò của người liên kết (condinater) nhằm tạo ra sự đồng thuận về ý kiến trong cộng đồng là rất quan trọng.

(10) Thứ mười, hoạt động cộng đồng trong thời gian tới tập trung vào 4 lĩnh vực

- Hoạt động giáo dục, nuôi dạy trẻ của cộng đồng

- Xây dựng thành phố, phát triển tham quan du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử của địa phương

- Hoạt động phòng chống tội phạm, phòng chống thiên tai.

- Các hoạt động hội họp, tụ tập cư dân trong cộng đồng.

 

* Liên hệ với Việt Nam

Cũng giống như Nhật Bản trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, Việt Nam là một quốc gia châu Á có tính cộng đồng cao với số lượng các tổ chức xã hội như phường, hội, nhóm lên đến hàng trăm ngàn hội, chủ yếu là những hội tự phát, không đăng ký tư cách pháp nhân. Theo số liệu của Vụ tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ, tính đến cuối năm 2006 Việt Nam có “364 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc và 4.157 hội và hàng chục vạn tổ chức nhỏ có hoạt động được đăng ký chính thức tại các cấp chính quyền cơ sở”[1]. Có những hội được thành lập từ xa xưa, có truyền thống lâu đời, thường được gọi là “phường”, cũng có nhiều hội thành lập mới dưới cái tên “câu lạc bộ”, “hội’. Theo nghiên cứu của Đặng Thị Việt Phương (2011) tại xã Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội, chỉ riêng trong xã này đã có 22 loại hình tổ chức xã hội tự nguyện như: Phường trâu, Phường gà, Phường chim, Phường cờ, Phường chèo, Hội đồng niên/đồng canh, Hội đồng học, Hội đồng bạn, Hội đồng ngũ, Hội bạn chiến đấu, Hội cán bộ hưu trí, CLB cựu quân nhân, CLB quan họ, CLB văn nghệ, CLB thơ, CLB xe đạp, CLB bóng bàn, CLB cầu lông, CLB dưỡng sinh, CLB cây cảnh, Hội sinh vật cảnh, Hội khuyến học… Tương ứng với mỗi tổ chức là các tổ chức thành viên với tên gọi theo thôn, xóm (ví dụ CLB cầu lông thôn Trang Liệt…), sinh hoạt hội thường là ở cấp độ thôn, xóm, thậm chí hàng xóm, và tính ra có đến hàng trăm tổ chức tự nguyện như vậy trong một xã. Hội nhóm tồn tại dày đặc như vậy khiến cho mỗi thành viên trong cộng đồng đều có thể tìm được một hội nào đó đáp ứng nhu cầu, sở thích của riêng mình. Những tổ chức xã hội tự nguyện này có cơ cấu tổ chức tương đối lỏng lẻo, có bầu ra ban lãnh đạo nhưng chỉ mang tính hình thức, còn trên thực tế chỉ có chủ tịch và kế toán kiêm thủ quỹ là hoạt động. Đối tượng tham gia các tổ chức tự nguyện rất đa dạng, phần lớn là nam giới, tuy nhiên, thời gian gần đây, nữ giới cũng tham gia, đặc biệt là vào các dịp lễ của làng. Các hội, nhóm được chia theo cấp độ xã hội: từ gia đình, họ hàng đến làng, xóm, xã, tuy nhiên, khu vực gia đình và xã hội (làng, xóm, xã) có sự tách bạch. Những người không tham gia thường bị chê là “không biết tham gia xã hội”, “không muốn ra xã hội”[2], có thể là do năng lực yếu kém (nói năng và tiền bạc) nên phạm vi tham gia của họ chỉ giới hạn trong gia đình, họ mạc. Mục đích tham gia các hội nhóm tự nguyện này chủ yếu là vì “sở thích” hoặc “liên kết và trao đổi xã hội”. Hoạt động chủ yếu của các hội, nhóm tự nguyện là hoạt động theo “sở thích”, “thăm hỏi gia quyến” và “ăn uống”, trong đó “ăn uống” là chức năng khá quan trọng để kết nối các thành viên, đôi khi, nó được nâng lên thành “nghi lễ” (ăn uống trong hội đồng niên giống như một “lễ thức tôn giáo”).

Cùng với dòng chảy thời gian, sự thay đổi, hiện đại hóa của xã hội nông thôn, nhất là ở những vùng nông thôn có nhiều người thoát ly ra thành phố, các quan hệ xã hội và tính cộng đồng của người nông dân cũng ít nhiều phai nhạt. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, nông thôn Việt Nam với hơn 70% dân số vẫn là nơi mà không gian “làng” và tính cộng đồng thấm đẫm trong tất cả các hoạt động sản xuất và đời sống.

Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa tương đối thấp. Theo Nguyễn Hữu Minh (2012), Việt Nam đạt khoảng 10% dân số đô thị vào những năm 1950, sau năm 1975 tăng lên đến 21,5% và năm 2009 đạt 29,6%[3]. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam so với các nước trong khu vực ở mức thấp hơn mức trung bình của Đông Nam Á (Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ này năm 2008 ở Thái Lan là 32,3%, Indonesia là 48,1%, Malaysia 67,3%, Mianma 30,7%, Philippines 62,7%, Lào 20,6%, Campuchia 19,7%...)[4]. Mặc dù tốc độ đô thị hóa diễn ra tương đối chậm, song  khu vực đô thị Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu nhà ở, môi trường sống ô nhiễm, thiếu cơ hội việc làm, tình hình trật tự trị an kém... Tất cả những vấn đề này rất cần cộng đồng chung tay giải quyết, song cơ chế giúp cho cộng đồng có thể tham gia vào việc quy hoạch thành phố, cũng như hoạch định chính sách lại là vấn đề đang phải bàn thảo.

Mặt khác, ở vùng nông thôn Việt Nam, mặc dù tồn tại số lượng lớn các phường, hội, nhóm, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân nông thôn, cũng như đóp góp vào việc đảm bảo một số lợi ích xã hội, tuy nhiên, sự tham gia của các tổ chức cộng đồng tự nguyện này vào việc ra quyết định đối với các chính sách phát triển địa phương lại không đáng kể. Điều này là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nằm ở cơ chế phối hợp giữa cá nhân, “nhóm tổ chức” của người dân và nhóm chính quyền; có những nguyên nhân nằm ở yếu tố tâm lý và thói quen văn hóa của người nông dân, đó là việc sợ “mất mặt” khi trình bày ý kiến, tham gia phát biểu hoặc nhận lỗi, hay thói quen “được nhận tiền khi đi họp”[5]…

Vậy thì, Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì từ quá trình biến đổi của cộng đồng truyền thống và những định hướng chính sách của chính phủ Nhật Bản liên quan đến việc xây dựng và củng cố cộng đồng ở Nhật Bản?

1- Bài học kinh nghiệm thứ nhất, cộng đồng truyền thống biến đổi là một quá trình không thể đảo ngược. Xã hội dân sự sẽ dần dần thay thế cho cộng đồng truyền thống với các phường, hội cũ. Người dân có thể tham gia nhiều hơn và chủ động hơn vào quá trình xây dựng kế hoạch và hành động để phát triển cộng đồng. Hoạt động hội, nhóm tự nguyện ở nông thôn không thể chỉ giới hạn ở sở thích, hoặc thăm hỏi, ăn uống mà cần phải được mở rộng, tham gia vào các kế hoạch phát triển của địa phương. Cần làm thế nào để người nông dân tham gia vào “việc công” nhiều hơn nữa; Nâng cao ý thức tham gia cộng đồng, nếu như việc tham gia hoạt động cộng đồng trước đây được xem là việc cá nhân, việc “tư”, thì nay chuyển thành việc “công”.

2- Bài học kinh nghiệm thứ hai, đó là về phía chính phủ, cần phải tạo ra một hệ thống hành lang pháp luật cho phép và tạo điều kiện để người dân trong khu vực dễ dàng tổ chức thực hiện, hoặc tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế hành chính cho phép “cộng đồng” tham gia vào việc hoạch định chính sách cùng với các tổ chức chính trị ở địa phương. Nghiên cứu lý thuyết về “sự tham gia của cộng đồng” cho thấy “thực hiện gắn kết các cá nhân, nhóm dân cư, tổ chức xã hội… trong cộng đồng vào các quyết định và chính sách chính là để đảm bảo các nhu cầu đạo đức, tri thức, quản lý, và sự công bằng cho người dân trong cộng đồng sinh sống”[6]. Hiện nay việc tham gia của cộng đồng trong hoạch định chính sách ở Việt Nam vẫn còn khá mờ nhạt, còn ở mức độ thấp “mức độ cung cấp thông tin”, “tham vấn”, chưa tiến lên mức “trao quyền cho công dân” (quyền kiểm soát, ủy quyền, cộng tác…, ví dụ như đàm phán, tranh luận và gắn kết vào các thỏa thuận với những người nắm giữ quyền lực). Ở khu vực nông thôn, cộng đồng cần tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình quyết định các chính sách về môi trường và phát triển bền vững. Ở thành thị, sự tham gia của cộng đồng vào quá trình quy hoạch đô thị, bảo tồn và tái phát triển các khu vực đô thị lịch sử là rất quan trọng.

3- Bài học kinh nghiệm thứ ba, mặc dù vai trò hỗ trợ của chính phủ đối với sự phát triển của cộng đồng là rất quan trọng, nhưng tránh áp đặt từ trên xuống đối với các kế hoạch phát triển cộng đồng. Kinh nghiệm thất bại của cộng đồng mô hình “top-down” ở Nhật Bản những năm 1970-1980 là bài học cho Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay tồn tại song song hai hệ thống tổ chức cộng đồng, đó là các tổ chức chính trị - xã hội tồn tại một cách chính quy từ cấp trung ương đến địa phương như: Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Công đoàn…; Loại thứ hai là các tổ chức xã hội tự nguyện, do người dân tự  thành lập, tự đóng kinh phí để hoạt động, có thể đăng ký thành lập hoặc không, ví dụ như các phường, hội văn nghệ, thể thao, sở thích, hội đồng niên, đồng bạn, hội nghề nghiệp… Sự kết nối giữa hai loại tổ chức này trong cộng đồng là tương đối lỏng lẻo, các hội tự nguyện mặc dù được sự tham gia của đông đảo người dân, song ít có tiếng nói trong các kế hoạch, chính sách phát triển cộng đồng. Cần xây dựng mô hình cộng đồng lấy người dân làm gốc, tạo cơ chế lắng nghe ý kiến của người dân.

4- Bài học kinh nghiệm thứ tư, tạo ra sức mạnh cộng đồng trên cơ sở tập trung được nguồn lực đa dạng của địa phương là rất quan trọng. Nguồn nhân lực là yếu tố khởi nguồn cho sức sống của địa phương, vì vậy cần có sự đầu tư về giáo dục đối với thế hệ trẻ, tạo sự kết nối giữa các thế hệ, tạo ra một hệ thống có tính “kế thừa, trao truyền, khai phá, hồi sinh và sáng tạo”. Bên cạnh đó, phải kết hợp giữa khu vực tư nhân và nhà nước, phát huy được sức mạnh của tất cả các tổ chức xã hội trong cộng đồng. Ngoài ra, không bỏ qua các phường hội, các tổ chức tự nguyện mang tính truyền thống vì những tổ chức này có sự kết nối rất bền chặt giữa các thành viên, được trao truyền qua nhiều thế hệ, cần tận dụng tính năng của từng tổ chức xã hội, sao cho có được sự hợp tác chặt chẽ khi thực hiện các hoạt động của cộng đồng, huy động được tối đa nguồn lực con người trong cộng đồng.

5- Bài học kinh nghiệm thứ năm, đó là cần nhìn nhận một cách đúng đắn vai trò, tiềm lực của cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Muốn như vậy, cần xây dựng các cơ quan nghiên cứu về cộng đồng, chính phủ cần chú trọng đến công tác nghiên cứu, điều tra về cộng đồng, xây dựng các chính sách phát triển cộng đồng phù hợp với từng giai đoạn. Mặt khác, cũng cần nhận thức được nguy cơ mất cộng đồng ở khu vực đô thị hiện nay, đặc biệt là khu vực đô thị mới, hoặc những vùng có sự chuyển đổi phương thức sinh kế, di dân, những khu tái định cư… để có đối sách phù hợp; Nhìn nhận sự chuyển biến của cộng đồng nông thôn truyền thống như một quá trình tất yếu của lịch sử, vai trò của những cộng đồng huyết thống như “họ”, “chi”, “tộc” và cộng đồng địa lý “thôn”, “xóm”, “tổ”, “phường nghề”… trong đời sống xã hội địa phương sẽ yếu đi, thay vào đó, vai trò của các tổ chức xã hội tự nguyện sẽ mạnh lên, cùng với chính quyền và các tổ chức chính trị - hành chính đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương như trật tự trị an, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, vấn đề môi trường, bảo tồn văn hóa truyền thống...

 

 

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Thị Việt Phương, Bùi Quang Dũng (2011), “Các tổ chức xã hội tự nguyện ở nông thôn đồng bằng sông Hồng: Liên kết và trao đổi xã hội”, Tạp chí Xã hội học

2. Nguyễn Hữu Minh (2012) “Đặc trưng nhân khẩu học của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam: một số phát hiện từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009”, Tạp chí Xã hội học số 3 (119), 2012

3. Lương Hồng Quang, Phát triển văn hóa dựa vào cộng đồng: các tranh luận lý thuyết và thực tiễn, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, NXB.Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018

4. Ngô Hương Lan, “Tình hình dân số và gia đình Nhật Bản giai đoạn trước thập niên 1990”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 3/2020 (229)

5. Ngô Hương Lan, “Tình hình vốn xã hội ở Nhật Bản hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 7/2018 (209)

6. Ngô Hương Lan, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp cơ sở "Cộng đồng xã hội Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay", Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, năm 2021.

7. Phạm Hồng Tung, “Cộng đồng: khái niệm, cách tiếp cận và phân loại trong nghiên cứu”, Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội số 12/2009

8. 今西一、『近代日本の地域社会』、日本経済評論社出版、2009年 (Imanishi Hajime, Cộng đồng địa phương Nhật Bản hiện đại, NXB.Nihon keizai Hyoronsha, 2009)

9. 山内一宏、「少子高齢化時代におけるコミュニティの役割-地域コミュニティの再生-」『法律調査誌』288号、2009年  (Yamauchi Kazuhiro, “Vai trò của cộng đồng trong thời đại già hóa dân số, ít trẻ em: Phục hồi cộng đồng địa phương”, Tạp chí Pháp luật và Điều tra số 288, năm 2009)

10. 横道清孝、「日本における最近のコミュニティー政策」、自治体国際化協会政策研究大学院大学、自治体関係の動きに関する資料3.2009 (Yokomichi Kyotaka, “Chính sách cộng đồng hiện nay”, Tư liệu về sự chuyển biến của các tổ chức tự trị, Hiệp hội Quốc tế hóa tổ chức tự trị, Trung tâm Nghiên cứu so sánh tự trị địa phương, 3.2009)

11. 『日本の人口・日本の家族』、人口問題審議会、厚生省大臣官房政策課編、厚生省人口問題研究所、1988年 (Dân số Nhật Bản - Gia đình Nhật Bản, Viện Nghiên cứu vấn đề dân số, Bộ Y tế, Phòng chính sách, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi, 1988)

12. 『現代日本人の意識構造』、NHK Books, 東京、2010 (Ý thức người Nhật Bản hiện đại, NXB.NHK Books, Tokyo, 2010)

13.  『平成27年版厚生労働白書ー人口減少社会を考えるー』、厚生労働省、2015 (Sách trắng về Y tế Phúc lợi, Bộ Y tế Phúc lợi Nhật Bản, 2015)

14. Website Văn phòng Nội các Nhật Bản:

https://warp.da.ndl.go.jp/info:ndljp/pid/10361265/www5.cao.go.jp/seikatsu/senkoudo/senkoudo.html

 

 

 



[1] Đặng Thị Việt Phương, Bùi Quang Dũng (2011), “Các tổ chức xã hội tự nguyện ở nông thôn đồng bằng sông Hồng: Liên kết và trao đổi xã hội”, Tạp chí Xã hội học, tr.31.

[2] Đặng Thị Việt Phương (2011), đã dẫn, tr.36.

[3] Nguyễn Hữu Minh (2012) “Đặc trưng nhân khẩu học của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam: một số phát hiện từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009”, Tạp chí Xã hội học số 3 (119), 2012, tr.12.

[4] Dẫn theo Nguyễn Hữu Minh, đã dẫn, tr.13.

[5] Nguyễn Thị Kim Nhung (2014), “Lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng” trong hoạch định chính sách và khả năng vận dụng vào quá trình ban hành các quyết định về môi trường ở Việt Nam”, Tạp chí xã hội học số 2 (126), 2014, tr.78.

[6] Nguyễn Thị Kim Nhung (2014), đã dẫn, tr.71.

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn