GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

THỰC TRẠNG CUỘC SỐNG NGƯỜI VIỆT NAM NAM TẠI NHẬT BẢN (PHẦN 2)

Đăng ngày: 16-02-2024, 10:21

GS. Shimane Katsumi (Viện Khoa học xã hội, Đại học Senshu)

 

4. Tổ chức tình nguyện giảng dạy tiếng Nhật

Đối với người Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản, việc học tiếng Nhật ở mức tối thiểu phục vụ cho công việc là điều không thể thiếu. Ngay cả ở Việt Nam, nước xuất khẩu lao động, trước khi sang Nhật Bản, người lao động thường sẽ được đào tạo tiếng Nhật ở mức độ tối thiểu cần thiết cho cuộc sống và công việc hàng ngày. (Saka 2016). Tuy nhiên, đối với vợ/chồng và con cái được đưa sang Nhật Bản sau đó thì cơ hội học tiếng Nhật trước tại quê hương của họ sẽ rất hạn chế.

Người cung cấp thông tin 1 từng là nhà nghiên cứu tại Việt Nam nhưng chị đã đến Nhật Bản mà không hề có chút kinh nghiệm nào về tiếng Nhật hay xã hội Nhật Bản. Ngoài ra, gia đình người cung cấp thông tin có hai con, mặc dù các em đang học tại các trường mầm non và tiểu học của Nhật Bản nhưng không có giáo viên hay bạn bè nào hiểu được tiếng Việt. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, các em phải trải qua hai môi trường ngôn ngữ khác nhau: Tiếng Việt ở nhà (tiếp xúc với cha mẹ) và tiếng Nhật bên ngoài gia đình (sinh hoạt tại trường học, quan hệ với bạn bè).

Khả năng thích ứng của trẻ em cao hơn người lớn rất nhiều nên các em sẽ không gặp khó khăn khi giao tiếp với bạn bè nhưng sẽ gặp bất lợi lớn khi tham gia các môn học ở trường học Nhật Bản, đặc biệt là giáo dục tiếng Nhật. Điều này là do trẻ em Nhật Bản có thể hỏi cha mẹ khi có vấn đề về đọc và viết; nhưng trẻ em có cha mẹ là người nước ngoài khó có thể hỏi cha mẹ những vấn đề liên quan đến tiếng Nhật. Hơn nữa, do hệ thống trường học và hệ thống các cấp học ở Nhật Bản và Việt Nam khác nhau nên việc phụ huynh chưa làm quen với hệ thống giáo dục Nhật Bản cũng là trở ngại lớn cho con đường học tập của con cái họ.

Để hỗ trợ cho trẻ em có cha mẹ là người nước ngoài, năm 2010, tại thành phố Mishima đã thành lập “Nobikko Club Mishima” (câu lạc bộ dành cho trẻ em chưa trưởng thành; Người đại diện: Chieko Ishii). Bà Ishii vốn là một tình nguyện viên dạy tiếng nước Nhật cho người nước ngoài. Sau đó bà nhận ra tầm quan trọng của những vấn đề mà trẻ em gặp phải và chuyển sang các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ trẻ em nước ngoài học tiếng Nhật cũng như trang bị những kiến ​​thức cần thiết cho việc học ở trường. Tình nguyện viên trong câu lạc bộ bao gồm nhiều thành phần xã hội và nhiều lứa tuổi, từ những người từng làm hiệu trưởng trường trung học đến các sinh viên đang theo học đại học. Trước đây, trẻ em nhận hỗ trợ chủ yếu đến từ Nam Mỹ, nhưng hiện nay số lượng trẻ em đến từ các nước châu Á đặc biệt là Việt Nam ngày càng tăng nhanh.

Việc tham gia vào hoạt động này đối với trẻ em là hoàn toàn tự nguyện. Nói cách khác, trong thời gian các hoạt động được tiến hành, trẻ có thể tham gia hoặc không tùy vào sở thích và nhu cầu. Phương pháp giảng dạy tiếng Nhật tại Câu lạc bộ được tiến hành theo kiểu “Terakoya”, trong đó mỗi trẻ sẽ nhận được sự hướng dẫn riêng từ một tình nguyện viên. Các lớp học tiếng Nhật cũng được tổ chức cho cả người lớn, tuy nhiên đối với các bậc phụ huynh bận rộn công việc và gia đình thì khó có thể tham gia các lớp học tiếng Nhật vào cuối tuần. Gia đình người tham gia khảo sát từng tham gia các lớp học tiếng Nhật nói trên nhưng hiện tại họ không còn tham gia nữa.

5. Các doanh nghiệp tích cực tiếp nhận lao động Việt Nam

Điều quan trọng nhất khi sinh sống ở Nhật Bản là có được một công việc ổn định. Từ 6 năm trước người chồng bắt đầu làm việc cho Tanaka Sangyo. Trong bối cảnh nhiều lao động Việt Nam bị mất việc và phải về nước do đại dịch Covid-19 nhưng gia đình người cung cấp thông tin vẫn có thể ở lại Nhật Bản, tự duy trì cuộc sống và sinh con gái thứ hai. Điều này là do công ty nơi người chồng làm việc không sa thải bất kỳ lao động người Việt Nam nào ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và tiếp tục tuyển dụng họ bằng cách giảm thời gian làm việc (Phỏng vấn, tháng 1 năm 2023).

Để làm rõ về chính sách tuyển dụng ổn định của công ty đối với lao động Việt Nam, tôi sẽ giải thích về phương châm kinh doanh của công ty.

Tanaka Sangyo (vốn điều lệ: 10 triệu yên) được thành lập vào năm 1956, và chủ tịch hiện tại Kiminori Tanaka là thế hệ quản lý thứ ba. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là gia công kim loại và sản phẩm của công ty được cung cấp cho các công ty lớn dưới dạng nguyên liệu trung gian. Do đó, các giao dịch lớn của công ty chủ yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp với nhau. Đây là một ngành sản xuất quy mô trung bình điển hình hỗ trợ các ngành công nghiệp ở Nhật Bản.

Trụ sở chính của công ty tọa lạc tại một khu công nghiệp ở ngoại ô thành phố Mishima. Hiện tại trụ sở chính có 67 nhân viên, nhân viên người Việt chiếm gần một nửa với 32 người, trong đó có một số người Việt đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao. Năm 2011, công ty cũng thành lập trụ sở có tên là Công ty TNHH Tanaka Việt Nam tại tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam. Nhân viên của công ty này có 110 người Việt Nam và 2 người Nhật Bản, được quản lý kinh doanh chủ yếu bởi người Việt Nam.

Chủ tịch Tanaka cho biết việc công ty tuyển dụng nhiều người Việt Nam như vậy hoàn toàn là ngẫu nhiên. Công ty đã tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng người Việt Nam từ năm 2008, đến năm 2010 khi có cơ hội đến thăm Việt Nam, họ đã quyết định mở rộng chi nhánh tại Việt Nam. Chủ tịch Tanaka rất ấn tượng trước sự siêng năng của các thực tập sinh kỹ năng người Việt Nam và cảm thấy tiếc khi những người lao động Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều để nâng cao tay nghề sẽ bị buộc phải quay trở lại quê hương theo quy định. Do đó, công ty đã tuyển dụng nhiều lao động người Việt Nam trở thành nhân viên chính thức.

Vào thời điểm đó, thị trường lao động còn gặp nhiều vấn đề trong việc tuyển dụng người Việt có rào cản ngôn ngữ trở thành nhân viên chính thức. Công ty có hoạt động kinh doanh ổn định với tư cách là một doanh nghiệp quy mô vừa. Tuy nhiên cho dù cơ giới hóa và NC đang phát triển nhưng ngành gia công kim loại vẫn được xếp vào loại “lao động 3K” và không phải là môi trường làm việc hấp dẫn đối với giới trẻ Nhật Bản. Vì vậy, giống như các ngành sản xuất công nghiệp khác ở Nhật Bản, công ty đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực.

Như đã đề cập trước đó, sau khi tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng, Chủ tịch Tanaka nhận thấy sự siêng năng, thích ứng nhanh của người Việt Nam với xã hội Nhật Bản, do đó Tanaka Sangyo đã cố gắng tích cực tiếp nhận lao động người Việt Nam. Theo lời Chủ tịch Tanaka "Quốc tịch không quan trọng miễn là bạn làm việc chăm chỉ và có hiệu quả. Ngoài ra, tại công ty của chúng tôi không có việc lập ra các rào cản về tiền lương hoặc thăng tiến."

Minh chứng rõ ràng nhất của chủ trương này là danh sách đánh giá công việc được hiển thị trên màn hình ở khắp nơi trong nhà máy. Các hạng mục đánh giá công việc được viết bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt. Chủ tịch Tanaka cho biết nếu nhân viên đáp ứng được những tiêu chuẩn này sẽ được đối xử bình đẳng trong việc thăng chức, tăng lương trong công ty, bất kể họ thuộc quốc tịch nào. (Phỏng vấn tháng 7/tháng 8 năm 2023).

Ngoài ra công ty còn có một khu ký túc xá dành riêng cho người Việt Nam, tại đây họ sẽ nhận được sự hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày từ các phiên dịch viên thông thạo tiếng Nhật và được hướng dẫn từng chút một, giúp họ làm quen với lối sinh hoạt của người Nhật nhằm tránh những va chạm với cư dân sống ở quanh đó.

Các nỗ lực tiếp nhận lao động người Việt của công ty này chưa có tiền lệ trong các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Tanaka, tỷ lệ giữ chân lao động Việt Nam mà họ tuyển dụng đến nay rất cao. Ngoài ra, các cuộc phỏng vấn với gia đình người khảo sát cho thấy không có phàn nàn nào về môi trường làm việc. Trên thực tế, mặc dù khối lượng công việc của công ty đã giảm do COVID-19, người chồng trong gia đình tham gia khảo sát vẫn bày tỏ lòng biết ơn đến ban lãnh đạo công ty vì dù giờ làm việc giảm nhưng anh vẫn được bảo đảm trả lương đều đặn thay vì bị sa thải.

Những nỗ lực của Tanaka Sangyo nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh đồng thời đãi ngộ với lao động Việt Nam giống như lao động Nhật Bản, mặc dù là trường hợp ngoại lệ nhưng công ty này đã cung cấp một đề xuất quan trọng góp phần giúp cho người Việt Nam có vị trí vững chắc ở xã hội Nhật Bản trong tương lai.

6. Kết luận và Triển vọng

Bài viết này mô tả thực trạng người Việt Nam tại Nhật Bản dựa trên khảo sát gia đình người Việt Nam có trình độ học vấn và kỹ năng tương đối cao.

Căn cứ theo số liệu thống kê có thể thấy dân số Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản tăng nhanh kể từ những năm 2010. Trong bối cảnh hợp tác kinh tế Việt Nhật, nguyên nhân của sự tăng trưởng này là sự kết hợp của nhiều yếu tố, về phía Nhật Bản đó là sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động, và phía Việt Nam đó là môi trường làm việc tương đối an toàn và dễ kiếm thu nhập tại Nhật Bản. Việc sửa đổi nhiều lần đối với chế độ thực tập sinh kỹ năng có thể coi là phản ứng tất yếu của Nhật Bản, quốc gia đang cần lực lượng lao động khi mà tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi.

Để tìm hiểu điều kiện sống thực tế của người Việt Nam sống tại Nhật Bản, chúng tôi đã tiếp cận cuộc sống của họ bằng cách kết hợp các phương pháp nghiên cứu định tính với trọng tâm là nghiên cứu Photovoice trên nền tảng Facebook.

Gia đình cung cấp thông tin sinh sống và làm việc ở khu vực nào? Chúng tôi đã mô tả đặc điểm của khu vực nơi những người này sinh sống và đưa ra cái nhìn tổng quan về các biện pháp của chính phủ đối với người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản. Do tỷ lệ người nước ngoài ở khu vực này không cao nên trong lĩnh vực giáo dục, giáo dục đa văn hóa vẫn chưa có nhiều tiến bộ.

Để giải quyết vấn đề này, các nhóm tình nguyện tại địa phương đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ học tập theo phong cách “Terakoya”. Tại những khu vực mà nguồn tài chính địa phương còn hạn chế, sự nhiệt tình của những tình nguyện viên là người dân địa phương đã góp phần quan trọng hỗ trợ sự chung sống đa văn hóa.

Tiếp theo là vấn đề cải thiện môi trường làm việc. Tanaka Sangyo được coi là ví dụ điển hình trong việc nỗ lực phát huy kỹ năng của người lao động Việt Nam. Dù có những bất lợi về ngôn ngữ nhưng có thể nói việc áp dụng các tiêu chuẩn thăng tiến dựa trên tiêu chuẩn giống như người Nhật là một nỗ lực rất đáng khích lệ của Tanaka Sangyo.

Cho đến nay, Nhật Bản đã tận dụng tiềm lực kinh tế lớn mạnh của mình để tiếp nhận nguồn lao động Việt Nam với giá rẻ trong một thời gian nhất định trước khi đưa họ về nước. Tuy nhiên, sự sụt giá của đồng yên Nhật đã làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của thị trường lao động Nhật Bản. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam đang đẩy mức thu nhập của người lao động lên cao, đồng nghĩa với việc lợi thế của thị trường lao động của Nhật Bản đang dần biến mất một cách nhanh chóng. Vậy liệu số lao động từ Việt Nam đến Nhật Bản có thực sự tăng gấp đôi vào năm 2040 như dự báo đã đưa ra ở phần đầu bài viết?

Nếu Nhật Bản thực sự cần người lao động Việt Nam như một phần của xã hội, thì cần cung cấp môi trường sống, làm việc và giáo dục mà họ mong muốn. Để đạt được điều này, cần phải hiểu và đánh giá đúng nhu cầu của lao động Việt Nam đang sinh sống ở Nhật Bản. Khảo sát Photovoice này chỉ là bước đầu tiên để thực hiện mục tiêu nói trên.

 

Tài liệu tham khảo

Junichi Akashi (2009), “Chuyển đổi từ quản lý nhập cư sang chính sách nhập cư: Phân tích chính sách đối với lao động nước ngoài ở Nhật Bản hiện đại,'' Hiệp hội Đối chiếu Chính trị Nhật Bản, Báo cáo thường niên của Hiệp hội Đối chiếu Chính trị Nhật Bản, Số 11 .

Akio Imai, Misako Iwai (2004), “60 chương sách tìm hiểu về Việt Nam hiện đại”, NXB Akashi

Misako Iwai (2023), “63 chương sách tìm hiểu về Việt Nam hiện đại”, NXB Akashi

Futaba Ishizuka (2014), “Nhập khẩu lao động quốc tế từ Việt Nam: Vấn đề lao động “bỏ trốn” và hệ thống phái cử và tiếp nhận lao động” “Hệ thống pháp luật đối với lao động nhập khẩu từ Đông Á: Hướng tới xây dựng nền tảng chung giữa nước gửi và nước tiếp nhận lao động” Viện nghiên cứu kinh tế, Cơ quan Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản.

Moya. Eva M. và cộng sự (2019), Việc sử dụng Photovoice trong Nghiên cứu Định tính, Ed. E.M. Moya và cộng sự, Photovoice, Nhà xuất bản Khoa học Nova, Inc.

Yukio Saka (2016), “Vấn đề tiếp nhận và thực trạng lao động phổ thông nước ngoài – Tập trung vào thực tập sinh kỹ năng”, NXB Toshindo

 

Website của các Bộ ngành có liên quan

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi “Giới thiệu về hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài”

https://www.mhlw.go.jp/stf/seisakunitsuite/bunya/koyou_roudou/jinzaikaihatsu/global_cooperation/index.html.

Bộ Tư pháp “Giới thiệu về Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng nước ngoài”

https://www.moj.go.jp/isa/content/930005177.pdf.

Bộ Tư pháp “Lịch sử và triển vọng phát triển hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ năng của Nhật Bản”

https://www.moj.go.jp/isa/content/930002992.pdf.

Bộ Tư pháp “Thực trạng và vấn đề của hệ thống đào tạo thực tập sinh kỹ năng”

https://www.moj.go.jp/isa/content/930002948.pdf.

 

Người dịch: Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn