GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CÁC VẤN ĐỀ VỀ Y TẾ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỦA NHẬT BẢN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 (PHẦN I)

Đăng ngày: 1-08-2024, 03:48

Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ dân số già cao, điều này làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và áp lực lên hệ thống y tế. Do đó, tốc độ lây lan chưa từng có của Covid 19, tỷ lệ lây nhiễm cao trong dân số già đã nhiều lần khiến hệ thống y tế Nhật Bản rơi vào tình trạng tê liệt, thậm chí là gần tới ngưỡng sụp đổ. Các nhà chức trách Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp để đối phó với sự bùng phát của đại dịch và hỗ trợ hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân có thể trụ vững trong khủng hoảng. Bài viết này trên cơ sở tập trung phân tích một số vấn đề của hệ thống y tế Nhật Bản trong thời kỳ đại dịch Covid 19; các chính sách và biện pháp đối phó của chính phủ, sẽ đánh giá một số kết quả và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống y tế Nhật Bản trong thời kỳ đại dịch và hậu đại dịch hiện nay.

1.  Một số vấn đề đặt ra đối với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản

Nhật Bản có một hệ thống y tế tiên tiến và toàn diện, với bảo hiểm y tế toàn dân và cơ sở hạ tầng y tế phát triển. Trong đại dịch COVID-19, mặc dù Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm lộ ra một số điểm yếu trong hệ thống y tế Nhật Bản, đặc biệt là khả năng đáp ứng đối với các tình huống khẩn cấp và dịch bệnh lây lan nhanh. Dưới đây là một số thách thức chủ yếu đối với hệ thống y tế Nhật Bản giai đoạn đại dịch bùng phát và hậu đại dịch hiện nay.

1.1. Thiếu giường bệnh và trang thiết bị hiện đại

Trước khi đại dịch bùng phát, hệ thống y tế Nhật Bản thể hiện đủ khả năng ứng phó với dịch bệnh với số giường bệnh tương đối cao để phục vụ dân số già hóa. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Nhật Bản là nước có tỷ lệ giường bệnh/đầu người cao nhất trong số các nước thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Cụ thể, tỷ lệ giường bệnh/1.000 dân ở Nhật Bản là 12,8, trong khi con số này ở Đức là 7,9, ở Mỹ là 2,8, ở Canada là 2,5 và ở Anh là 2,4. Tuy nhiên số lượng giường bệnh chăm sóc đặc biệt (ICU) lại tương đối ít so với các quốc gia phát triển khác. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải trong việc chăm sóc các bệnh nhân nặng.

Trong giai đoạn cao điểm, nhiều bệnh viện lớn ở các thành phố như Tokyo và Osaka đã hoạt động vượt quá công suất, khiến tình trạng thiếu giường bệnh trở nên nghiêm trọng. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tính tới ngày 10 tháng 1 năm 2021, có 78% các bệnh viện công trong tổng số 1289 bệnh viện có giường điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh cấp tính có thể tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid 19, nhưng chỉ 30% bệnh viện tư nhân trong tổng số 3.008 bệnh viện có khả năng này. Vào tháng 8 năm 2021, tỷ lệ sử dụng giường bệnh Covid-19 tại Tokyo đã vượt quá 70%, với một số bệnh viện báo cáo tỷ lệ sử dụng lên đến 100% hoặc hơn. Tại Osaka, tỷ lệ sử dụng giường bệnh Covid-19 đã đạt mức 80-90% trong nhiều giai đoạn của đại dịch, với nhiều bệnh viện phải từ chối nhận thêm bệnh nhân do quá tải. Trong làn sóng lây nhiễm thứ năm bắt đầu vào tháng 7 năm 2021, có tới hơn 130.000 bệnh nhân COVID-19 đã không được nhập viện do thiếu giường bệnh, trong đó không ít người đã tử vong do không được chữa trị kịp thời. Từ tháng 1 năm 2022, do số bệnh nhân Covid 19 tăng nhanh, các cơ sở y tế càng gặp thêm nhiều khó khăn do không thể đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 do thiếu giường bệnh và nhân viên y tế nghỉ việc do bị nhiễm Covid 19. Nhiều bệnh nhân là người cao tuổi được phát hiện dương tính với COVID-19 trong viện dưỡng lão đã không được tiếp nhận điều trị tại bệnh viện do giường bệnh hầu hết đã kín chỗ. Việc kiểm soát lây nhiễm tại viện dưỡng lão hầu như không đủ hiệu quả khiến cho dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh chóng.

Mặt khác, mặc dù chính phủ Nhật Bản liên tục tăng cường các gói hỗ trợ ngân sách để tăng số giường bệnh, tuy nhiên đến tháng 8 năm 2021 và tháng 2 năm 2022, tỷ lệ sử dụng các giường này đã giảm xuống dưới 50% với chỉ 28,5% (136/476) tỷ lệ sử dụng giường bệnh đa khoa và 27,5% (136/493) tỷ lệ sử dụng giường ICU. Ngay cả khi luôn có sẵn giường bệnh thì một số lượng đáng kể bệnh nhân ở khu vực Tokyo gặp phải khó khăn rất lớn trong việc di chuyển đến các cơ sở y tế thông qua các dịch vụ y tế khẩn cấp. Đây là vấn đề mà số lượng lớn bệnh nhân phải đối mặt bất kể bệnh của họ có liên quan đến Covid 19 hay không. Việc sử dụng không đúng mức và hiệu quả số giường bệnh, cùng với khả năng tiếp nhận các trường hợp cấp cứu ở những bệnh viện được trợ cấp còn hạn chế, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các tổ chức, bộ phận riêng lẻ cộng với sự nới lỏng đột ngột các quy định về giãn cách xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm tăng nhanh và nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 và không nhiễm Covid-19 tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh việc thiếu giường bệnh, Nhật Bản có nhiều bệnh viện và cơ sở y tế đã được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước, cơ sở vật chất cũ kỹ không còn đáp ứng được các yêu cầu hiện đại trong việc chăm sóc y tế. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhiều bệnh viện ở Nhật Bản thiếu máy thở và thiết bị chăm sóc ICU cần thiết để điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng; việc thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) như khẩu trang, găng tay, và áo choàng bảo hộ đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế. Nhiều bệnh viện và cơ sở y tế không có khả năng mở rộng nhanh chóng các khu chăm sóc đặc biệt hoặc khu vực cách ly để đáp ứng nhu cầu gia tăng bệnh nhân trong đại dịch. Đặc biệt các vùng nông thôn và xa xôi ở Nhật Bản thường thiếu các cơ sở y tế hiện đại và đủ trang thiết bị, làm tăng áp lực lên các bệnh viện ở thành thị và trung tâm y tế lớn.

1.2. Thiếu nhân lực y tế

Tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế không chỉ xảy ra ở Nhật Bản. Trong một báo cáo công bố vào tháng 4 năm 2020, WHO cho biết thế giới cần thêm 5,9 triệu điều dưỡng viên. Tuy nhiên, một số quốc gia đã nhận thấy công nghệ có thể giúp khắc phục thiếu hụt nhân lực. Tuy nhiên tại Nhật Bản, một quốc gia tự hào với kỹ thuật và công nghệ robot, lại khá chậm chạp trong việc áp dụng chuyên môn đó vào cuộc chiến chống COVID-19.

Theo báo cáo từ các bệnh viện và cơ sở y tế đặc biệt là các bệnh viện tuyến đầu ở Nhật Bản đã trải qua tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế lên đến 20-30% tương đương với khoảng 5000 nhân viên y tế so với nhu cầu thực tế trong giai đoạn cao điểm của đại dịch. Tính đến tháng 8 năm 2020, có khoảng 1.000 nhân viên y tế ở Nhật Bản đã bị nhiễm COVID-19. Theo báo cáo của chính quyền Tokyo, vào tháng 5 năm 2021, thành phố này đã thiếu hụt khoảng 1.000 nhân viên y tế cần thiết để vận hành các trung tâm điều trị và tiêm chủng. Tại Osaka, trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, hơn 15% nhân viên y tế tại một số bệnh viện lớn đã phải nghỉ việc do nhiễm bệnh hoặc kiệt sức. Nhân viên y tế tại các bệnh viện tuyến đầu thường phải làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19. Một khu điều trị COVID-19 đòi hỏi số lượng điều dưỡng viên nhiều gấp 4 lần so với thông thường. Trong khi đó nhiều nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly do tiếp xúc với các ca nhiễm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Việc thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) trong giai đoạn đầu dịch bệnh cũng đã làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế. Cảm giác sợ hãi và bất lực kết hợp với số giờ làm việc dài hơn bình thường dẫn đến nhiều bác sĩ và điều dưỡng bị căng thẳng và kiệt sức, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và hiệu quả làm việc của họ.

Theo sách trắng của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số lượng nhân viên y tế và phúc lợi cần có trong năm 2040 sẽ ở mức 10,7 triệu người, và điều này đồng nghĩa là Nhật Bản sẽ thiếu hụt khoảng 960.00 nhân viên y tế trong khoảng 16 năm tới. Bị kiệt sức trong thời kỳ cao điểm Covid-19, nhiều người đã rời bỏ ngành y. Các bệnh viện không thể tìm người thay thế do điều kiện làm việc khó khăn, thời gian trực kéo dài, công việc căng thẳng, lương thấp và khả năng lây nhiễm các loại vi rút. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là dân số già hóa, tỷ lệ sinh giảm, dân số trẻ tham gia lực lượng lao động ít hơn khiến cho số lao động trong lĩnh vực y tế ngày càng giảm mạnh.

1.3. Những bất cập trong quản lý và hoạt động của các cơ sở y tế

Hệ thống y tế của Nhật Bản bao gồm khoảng 8.000 bệnh viện và 100.000 phòng khám. Nhưng đó đa phần là các bệnh viện và cơ sở y tế hoạt động độc lập, thiếu sự phối hợp và đồng bộ trong công tác phòng chống dịch. Việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ sở y tế và chính quyền địa phương đã dẫn đến tình trạng không nhất quán trong các biện pháp phòng chống dịch và gây khó khăn trong việc điều phối, phân bổ nguồn lực y tế như máy thở, thiết bị bảo hộ và giường bệnh ICU đến những khu vực cần thiết nhất; gây khó khăn trong việc chia sẻ thông tin giữa các cơ sở y tế, làm giảm hiệu quả của các biện pháp tăng cường y tế trong bối cảnh khẩn cấp. Cùng với đó, việc chính quyền các tỉnh và địa phương có quyền tự quyết định các biện pháp phòng chống dịch, dẫn đến sự không đồng bộ và hiệu quả không cao trong việc kiểm soát dịch bệnh. Một số khu vực có phản ứng nhanh và mạnh mẽ hơn, trong khi các khu vực khác lại chậm trễ hoặc không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch. Sự phân tán của hệ thống y tế đã làm giảm khả năng theo dõi và truy vết tiếp xúc của các ca nhiễm COVID-19, làm giảm hiệu quả của các biện pháp cách ly và kiểm soát dịch, dẫn đến tình trạng lây lan vi rút trong cộng đồng.

Mặt khác, sự lây lan của Covid 19 khiến cho số lượng bệnh nhân ngoại trú tại các cơ sở y tế ngày càng giảm. Điều này có thể lý giải là do bệnh nhân ngại đi khám bệnh vì sợ lây nhiễm Covid 19 trong bệnh viện, đồng thời các bệnh viện buộc phải ứng phó với Covid-19 nên chức năng khám chữa bệnh thông thường của họ bị giảm sút. Đại dịch đã làm gián đoạn nhiều dịch vụ y tế khác, bao gồm các chương trình tiêm chủng thường quy, khám chữa bệnh định kỳ và các chương trình chăm sóc sức khỏe dự phòng; đồng thời cũng bộc lộ sự thiếu hụt trong các dịch vụ chăm sóc tại nhà và các cơ sở chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Các bệnh viện lớn ở thành phố, đặc biệt là Tokyo và Osaka, chịu áp lực lớn do phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân cao trong khi các bệnh viện nhỏ hơn và ở nông thôn thiếu khả năng chăm sóc bệnh nhân nặng, không sử dụng hết công suất. Việc chuyển bệnh nhân từ các cơ sở y tế nhỏ đến các bệnh viện lớn hơn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp và cơ sở hạ tầng vận chuyển y tế hạn chế. Bên cạnh đó, các quy định và chính sách liên quan đến phòng chống dịch bệnh thường phức tạp và thay đổi liên tục, gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc tuân thủ và thực hiện; một số chính sách và biện pháp phòng chống dịch bệnh thiếu sự nhất quán, gây ra sự nhầm lẫn và khó khăn trong việc triển khai.

Ngoài ra, các trung tâm y tế cộng đồng (PHC) thuộc thẩm quyền của chính quyền tỉnh có trách nhiệm tiến hành xét nghiệm PCR, điều phối cơ sở điều trị bệnh nhân dương tính với COVID-19 và xác định những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 thông qua nghiên cứu dịch tễ học đối với từng trường hợp dương tính. Những nghĩa vụ nêu trên đã gây ra gánh nặng quá mức cho các PHC và khiến trung tâm này đã từng đứng trên bờ vực “sụp đổ” trước khối lượng công việc nặng nề trong thời kỳ đại dịch. Các trung tâm y tế cộng đồng ở Nhật Bản bị đánh giá là tụt hậu trong việc triển khai công nghệ thông tin so với các tổ chức khác trong khu vực công, phản ứng chậm trễ trong việc triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, làm giảm hiệu quả phòng chống dịch. Cùng với đó, sự thiếu hụt trong việc điều phối giữa các cơ sở y tế khác nhau đã làm giảm hiệu quả của các PHC trong việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Với số lượng lớn bệnh nhân COVID-19 không thể nhập viện, việc quản lý và theo dõi sức khỏe bệnh nhân tại nhà đã đặt ra nhiều thách thức cho các PHC. Nhiều PHC thiếu nhân viên có chuyên môn sâu về bệnh truyền nhiễm, gây khó khăn trong việc tư vấn, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19. Các PHC không thể theo dõi một số lượng lớn bệnh nhân đang hồi phục tại nhà và đã có báo cáo về nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong tại nhà mà không được nhân viên y tế có các biện pháp theo dõi cần thiết. Khi người dân cố gắng gọi cho PHC để được tư vấn, đường dây điện thoại luôn bận, điều này khiến cho người dân không thể nhận được những hướng dẫn cần thiết về phòng tránh lây nhiễm hay điều trị dịch bệnh.

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo

1. OECD (2017), “Hospital beds”, in Health at a Glance 2017: OECD Indicators, OECD Publishing, Paris.

2. Sách trắng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

https://www.mhlw.go.jp/index.html

3. 厚生労働省(2022) 第3波、第5波、第6波、第7波の比較(まとめ)Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (2022) So sánh làn sóng thứ 3, làn sóng thứ 5, làn sóng thứ 6 và làn sóng thứ 7 (tóm tắt)

4. Yoshika Saito (2023), Phản ứng của Nhật Bản với Covid-19: Số giường bệnh không được sử dụng đúng mức và ngân sách bị sử dụng sai mục đích, Front Public Health, Xuất bản trực tuyến ngày 2/10/2023.

5. 厚生労働省(2020) 新型コロナウイルス感染症対応の状況等 (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (2020) Tình trạng ứng phó với bệnh truyền nhiễm vi rút corona thể mới)

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn