GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CÁC VẤN ĐỀ VỀ Y TẾ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỦA NHẬT BẢN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 (PHẦN II)

Đăng ngày: 1-08-2024, 03:55

2. Chính sách và biện pháp của chính phủ Nhật Bản

Về cơ bản chính sách của chính phủ Nhật Bản trong việc đối phó với dịch bệnh Covid-19 là hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh, duy trì hệ thống y tế và tập trung giải quyết những trường hợp bệnh nặng. Các chính sách và biện pháp ứng phó của chính phủ Nhật Bản đối với đại dịch Covid 19 trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe thể hiện qua các nội dung chính sau.

2.1. Tăng cường ngân sách hỗ trợ cho hệ thống y tế

Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một loạt các biện pháp hỗ trợ ngân sách cho hệ thống y tế trong đại dịch Covid 19 để đảm bảo khả năng ứng phó và điều trị bệnh nhân. Trong đó các gói ngân sách bổ sung đã giúp Nhật Bản tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch Covid 19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ hệ thống y tế vượt qua những thách thức lớn nhất trong lịch sử.

Gói ngân sách bổ sung thứ nhất: Được thông qua vào tháng 4 năm 2020, với tổng giá trị khoảng 117,1 tỷ yên (khoảng 1,1 tỷ USD). Gói này tập trung vào việc tăng cường năng lực xét nghiệm; Cung cấp trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế và hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện và cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid 19.

Gói ngân sách bổ sung thứ hai: Được thông qua vào tháng 5 năm 2020, với giá trị khoảng 31.914 tỷ yên (khoảng 296 tỷ USD). Gói này nhằm hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các bệnh viện và cơ sở y tế; Trả tiền hỗ trợ cho y bác sĩ và nhân viên y tế tham gia chống dịch; Nghiên cứu và phát triển vắc xin và thuốc điều trị Covid 19;  Mở rộng năng lực xét nghiệm và truy vết ca nhiễm.

Gói ngân sách bổ sung thứ ba: Được thông qua vào tháng 12 năm 2020, với giá trị khoảng 19.176 tỷ yên (khoảng 183 tỷ USD). Gói này tiếp tục hỗ trợ hệ thống y tế, bao gồm việc mua sắm thêm vắc xin và các trang thiết bị y tế cần thiết để ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới và mở rộng chương trình tiêm chủng vắc xin trên toàn quốc.

Gói ngân sách bổ sung thứ tư: Được thông qua vào tháng 4 năm 2021, với giá trị khoảng 73,6 tỷ yên (khoảng 680 triệu USD). Gói này tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin và thuốc điều trị; Cải thiện hệ thống y tế cộng đồng và các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các điểm nóng.

Các gói ngân sách này đều nhằm mục đích tăng cường hệ thống y tế, hỗ trợ các y bác sĩ và nhân viên y tế, cũng như nghiên cứu và phát triển các biện pháp điều trị và vắc xin phòng chống Covid 19. Nhờ có các gói ngân sách được tăng cường kịp thời, Nhật Bản đã đầu tư xây dựng thêm các bệnh viện dã chiến, mở rộng các khu điều trị ICU, các cơ sở y tế hiện có để đáp ứng nhu cầu điều trị tăng cao; đồng thời trang bị thêm máy thở và các thiết bị y tế cần thiết như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, và các vật tư y tế khác để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và bệnh nhân; chi trả thêm phụ cấp cho các y bác sĩ và nhân viên y tế làm việc trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Cùng với đó, Chính phủ cũng cung cấp các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện và phòng khám tư nhân để đảm bảo họ có đủ nguồn lực để đối phó với đại dịch.

2.2. Triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh COVID-19 và điều chỉnh quy mô xét nghiệm, truy vết

Việc triển khai chương trình tiêm chủng ban đầu diễn ra chậm chạp do vấn đề về cung cấp vắc xin và tổ chức tiêm chủng. Tuy nhiên, sau đó, chính phủ Nhật Bản đã ký kết các hợp đồng với nhiều nhà sản xuất vắc xin trên thế giới để đảm bảo nguồn cung đủ cho toàn dân. Bên cạnh đó, chính phủ cũng tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin nội địa; Hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc điều trị Covid 19; Tài trợ cho việc thiết lập các trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, bao gồm cả các cơ sở tiêm chủng lưu động để tiếp cận các khu vực khó khăn. Chính phủ đã chi một khoản ngân sách lớn để mua sắm và phân phối vắc xin, đảm bảo mọi người dân Nhật Bản đều được tiêm chủng và đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền để khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng và cung cấp thông tin chính xác về vắc xin.

Nhờ đó, chương trình tiêm chủng đã được đẩy mạnh và đạt được tiến bộ đáng kể. Tại Nhật Bản, vắc xin ngừa Covid 19 được sử dụng là Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Ngay sau quá trình phê duyệt theo quy định, bắt đầu từ ngày 17 tháng 2 năm 2021, một chiến dịch tiêm chủng cho 3,7 triệu nhân viên y tế tuyến đầu đã được triển khai. Từ ngày 12 tháng 4 năm 2021, chính phủ bắt đầu triển khai tiêm vắc xin cho công dân trên 65 tuổi. Trong giai đoạn đầu, Nhật Bản chủ yếu tập trung tiêm cho các nhân viên y tế và người cao tuổi nhưng tốc độ tiêm khá chậm, chủ yếu do chưa chủ động được nguồn cung vắc xin khi chưa có doanh nghiệp nào ở nước này thành công trong việc bào chế vắc xin. Bên cạnh đó, mặc dù ký hợp đồng mua vắc xin của hầu hết các hãng lớn nhưng Nhật Bản hầu như chỉ sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna cho chương trình tiêm chủng, trong khi nguồn cung các này khá hạn chế. Do vậy, tới giữa tháng 6 năm 2021, tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 ở Nhật Bản vẫn chưa tới 10% dân số. Tuy nhiên, sau đó, Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, trong đó có việc lập các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka nhằm đẩy nhanh việc tiêm chủng ở các khu vực thành thị. Từ tháng 6 năm 2021, việc tiêm chủng tại các cơ quan công sở cũng đã được triển khai để mở rộng cơ hội tiêm chủng cho toàn dân. Khi chương trình tiêm chủng của Nhật Bản bắt đầu, tỷ lệ người dân được tiêm chủng nhanh chóng vượt xa nhiều quốc gia khác. Tính đến ngày 19 tháng 8 năm 2022, 82,1% tổng dân số toàn quốc đã được tiêm liều vắc xin đầu tiên, 81,0% đã được tiêm liều thứ hai và 63,9% đã được tiêm liều thứ ba.

Nhật Bản đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai xét nghiệm Covid 19 từ đầu đại dịch. Để khắc phục tình trạng chậm triển khai ban đầu, chính phủ Nhật Bản đã tăng cường năng lực xét nghiệm bằng cách mở rộng hệ thống các phòng thí nghiệm và đào tạo thêm nhân viên để thực hiện xét nghiệm PCR và các loại xét nghiệm nhanh, nhằm tăng cường khả năng phát hiện các ca nhiễm Covid 19; triển khai xét nghiệm diện rộng, đặc biệt tại các điểm nóng và các khu vực có nguy cơ cao, nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn sự lây lan của vi rút. Điều này giúp gia tăng số lượng mẫu xét nghiệm có thể xử lý mỗi ngày và giảm thiểu thời gian chờ đợi kết quả. Để đảm bảo hoạt động hiệu quả của các phòng thí nghiệm xét nghiệm, Nhật Bản đã đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết như máy PCR và các vật tư y tế liên quan. Chính phủ đã khuyến khích sự hợp tác giữa các phòng thí nghiệm y tế công và tư để tận dụng toàn bộ năng lực xét nghiệm có sẵn trong nước, đồng thời để tối ưu hóa quy trình xét nghiệm, các cải tiến đã được đưa ra như tự động hóa các bước xét nghiệm, tăng tốc quá trình xử lý mẫu và giảm thiểu các lỗi kỹ thuật. Chính phủ cũng tích cực nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của xét nghiệm đối với việc kiểm soát dịch bệnh và thường xuyên giám sát hiệu quả của các hoạt động xét nghiệm để điều chỉnh; đồng thời cải tiến quy trình truy vết bằng cách sử dụng công nghệ và ứng dụng di động để truy vết tiếp xúc nhanh chóng và hiệu quả. Những nỗ lực này đã giúp Nhật Bản cải thiện khả năng xét nghiệm Covid 19 và tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị kịp thời cho các ca nhiễm, từ đó giảm thiểu sự lan rộng của vi rút trong cộng đồng.

Thực tế cho thấy, tuy quy mô xét nghiệm hạn chế song tỷ lệ tử vong do Covid 19 ở Nhật Bản lại thấp hơn nhiều quốc gia khác. Đến giữa năm 2020, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản là 17.2000 ca, trong đó có 900 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với số ca nhiễm virus và tử vong do COVID-19 tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với hơn 1,9 triệu bệnh nhân, trong đó hơn 110.000 ca tử vong. Tính đến ngày 18 tháng 3 năm 2022, tổng cộng khoảng 41,7 triệu người ở Nhật Bản đã trải qua các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) trong đó có khoảng 40 triệu xét nghiệm dành cho bệnh nhân trong nước. Theo nguồn tin, tổng cộng có khoảng sáu triệu trường hợp được xác nhận dương tính với vi rút, số lượng xét nghiệm PCR được thực hiện tại bệnh viện trung ương và cơ sở y tế địa phương trên cả nước lên tới khoảng 57,9 triệu trường hợp tính đến ngày 16 tháng 3 năm 2022.

2.3. Giái quyết vấn đề thiếu giường bệnh, thiếu nhân lực y tế và sự phân tán của hệ thống y tế

Vấn đề thiếu giường bệnh là một thách thức lớn đối với Nhật Bản, đặc biệt là trong các đợt lây nhiễm cao điểm. Trong nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ không gian bệnh viện cho bệnh nhân Covid 19, vào tháng 4 năm 2020, chính phủ Nhật Bản bắt đầu trợ cấp lên tới 530 USD mỗi ngày cho mỗi giường bệnh đa khoa và 3.125 USD mỗi ngày cho mỗi giường ICU và triển khai kế hoạch tăng công suất giường bệnh lên khoảng 30%. Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các bệnh viện lớn và cơ sở y tế trên toàn quốc dành ra một tỷ lệ nhất định số giường bệnh cho bệnh nhân Covid 19. Các bệnh viện được khuyến khích mở rộng sức chứa bằng cách tăng số lượng giường bệnh và khu vực cách ly để tiếp nhận bệnh nhân Covid 19, đồng thời điều phối và quản lý hiệu quả giường bệnh để đảm bảo tối đa hóa sức chứa và cung cấp dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đến tháng 1 năm 2021, đã có khoảng 37.000 giường bệnh dành riêng cho bệnh nhân Covid 19, tương đương với khoảng trên 20% tổng số giường bệnh trên toàn quốc.

Cùng với đó, chính phủ cũng triển khai việc xây dựng các bệnh viện dã chiến tại các trung tâm triển lãm, sân vận động, và các cơ sở công cộng khác có không gian rộng rãi để tăng cường khả năng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid 19. Các bệnh viện dã chiến đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế cơ bản như giường bệnh, máy thở, và các thiết bị theo dõi sức khỏe. Một số bệnh viện dã chiến lớn có thể kể đến như bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Tokyo (Tokyo Big Sight), bệnh viện dã chiến tại Trung tâm triển lãm Intex Osaka. Bên cạnh đó, khả năng phục vụ của các trung tâm y tế cộng đồng (PHC) cũng được tăng cường như cung cấp trang thiết bị bảo hộ và đào tạo nhân viên để chẩn đoán và điều trị các trường hợp nhẹ và trung bình để giảm áp lực cho các bệnh viện lớn. Chính phủ cũng chú trọng sử dụng công nghệ để quản lý và theo dõi tình trạng sức chứa và phân bổ giường bệnh một cách hiệu quả; tăng cường cung cấp các trang thiết bị y tế cần thiết, bao gồm máy thở, máy lọc máu, và các thiết bị chăm sóc đặc biệt khác để đảm bảo khả năng điều trị cho các bệnh nhân nặng. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến đầu năm 2021, Nhật Bản có khoảng 1.6 triệu giường bệnh trên toàn quốc, bao gồm cả giường bệnh thông thường và giường bệnh dành cho các trường hợp khẩn cấp và chăm sóc đặc biệt.

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực y tế nghiêm trọng và sự phân bố không đồng đều nhân lực y tế giữa khu vực thành thị và nông thôn; đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe đủ khả năng đối phó với số lượng bệnh nhân tăng cao, chính phủ đã áp dụng các biện pháp tăng cường nhân viên y tế dự bị như kêu gọi các bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác đã nghỉ hưu quay trở lại làm việc để hỗ trợ trong giai đoạn khẩn cấp; cho phép sinh viên y khoa và sinh viên điều dưỡng sắp tốt nghiệp tham gia vào công tác phòng chống dịch dưới sự giám sát của các chuyên gia. Điều này giúp bổ sung thêm hàng nghìn nhân lực tạm thời cho hệ thống y tế. Bên cạnh đó, chính phủ đã cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho nhân viên y tế, bao gồm cả tiền thưởng và phụ cấp đặc biệt cho những người làm việc trong các khu vực có nguy cơ cao. Vào tháng 8 năm 2020, chính phủ đã quyết định chi 400 tỷ yên (khoảng 3.8 tỷ USD) để hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện và cơ sở y tế. Chính phủ cũng đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ y tế từ xa để giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế và cung cấp dịch vụ chăm sóc từ xa cho bệnh nhân; Đảm bảo cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế để bảo vệ họ khỏi nguy cơ lây nhiễm. Đến tháng 5 năm 2020, Nhật Bản đã nhập khẩu và sản xuất hàng triệu khẩu trang, găng tay và áo choàng bảo hộ để phân phối cho các cơ sở y tế.

Ngoài ra, công tác đào tạo và tăng cường hỗ trợ tâm lý cũng được chú trọng. Các khóa đào tạo ngắn hạn và các khóa học trực tuyến được triển khai thường xuyên để nâng cao kỹ năng và cập nhật kiến thức về Covid 19 cho nhân viên y tế hiện có, giúp họ ứng phó tốt hơn với đại dịch. Các dịch vụ hỗ trợ tâm lý và tư vấn cho nhân viên y tế để giảm căng thẳng và áp lực trong công việc; hỗ trợ chăm sóc trẻ em để giúp nhân viên y tế có thể tập trung vào công việc mà không lo lắng về việc chăm sóc con cái cũng phát triển mạnh trong giai đoạn dịch bệnh. Để đối phó với tình trạng quá tải và giảm áp lực cho tuyến đầu phòng chống dịch, nhân viên y tế từ các bệnh viện nhỏ hoặc khu vực ít bị ảnh hưởng đã được điều phối đến các khu vực có nhu cầu cao hơn hoặc các đô thị lớn như Tokyo và Osaka để hỗ trợ. Vào đầu năm 2021, hàng trăm nhân viên y tế quân đội từ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đã được điều động để hỗ trợ các cơ sở y tế tại những khu vực có số ca nhiễm cao. Những biện pháp này đã giúp tăng cường đáng kể khả năng ứng phó của hệ thống y tế Nhật Bản trong đại dịch Covid 19, đồng thời đảm bảo nhân viên y tế có đủ nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của họ một cách hiệu quả.

Mặc khác, để giảm bớt các vấn đề do hệ thống y tế phân tán gây ra, chính phủ đã thành lập các trung tâm điều phối y tế khẩn cấp ở các cấp địa phương và trung ương để quản lý việc phân bổ nguồn lực y tế, bao gồm giường bệnh, máy thở, và nhân viên y tế; đồng thời thiết lập hệ thống liên lạc nhanh chóng giữa các bệnh viện và cơ sở y tế để báo cáo tình hình dịch bệnh và nhu cầu cấp thiết, giúp phân bổ nguồn lực kịp thời. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế cũng được đẩy mạnh như phát triển các ứng dụng truy vết và theo dõi sức khỏe để cải thiện khả năng kiểm soát dịch bệnh và quản lý thông tin bệnh nhân; Tạo ra các hệ thống quản lý dữ liệu y tế điện tử để chia sẻ thông tin bệnh nhân giữa các cơ sở y tế, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Nhằm cải thiện và củng cố hệ thống y tế, chính phủ cũng tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành và cơ quan chính phủ để phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch một cách đồng bộ; đồng thời chú trọng học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm thành công từ các quốc gia khác trong việc kiểm soát dịch bệnh.

3. Nhận xét, đánh giá

Đại dịch Covid 19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống y tế của nhiều quốc gia trên thế giới, và Nhật Bản không phải là ngoại lệ. Hệ thống y tế của Nhật Bản, mặc dù được đánh giá cao về chất lượng chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng, đã bộc lộ một số điểm mạnh và yếu rõ rệt trong quá trình đối phó với đại dịch.

Về điểm mạnh, Nhật Bản có một hệ thống y tế toàn diện và bao phủ toàn dân, đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản; bệnh viện và phòng khám tại Nhật Bản thường có chất lượng dịch vụ tốt, đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản. Khi đại dịch bùng phát, chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ tài chính để tăng cường năng lực của hệ thống y tế, bao gồm việc mở rộng số lượng giường bệnh, mua sắm trang thiết bị y tế, và cung cấp các khoản trợ cấp cho nhân viên y tế. Nhật Bản cũng rất nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp y tế công cộng như giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, và khuyến khích đeo khẩu trang để giảm thiểu sự lây lan của vi rút; đồng thời áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi tình trạng dịch bệnh, truy vết tiếp xúc, và quản lý dữ liệu bệnh nhân, giúp cải thiện hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, Covid 19 đã bộc lộ những điểm yếu về cấu trúc trong hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản. Một số vấn đề chính có thể kể đến như tình trạng thiếu giường bệnh chăm sóc đặc biệt, thiếu nhân lực và trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, hệ thống y tế phân tán, hệ thống xét nghiệm và truy vết yếu kém, thiếu hụt trong các dịch vụ chăm sóc tại nhà và các cơ sở chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện… Những điểm yếu này đã được phơi bày rõ rệt trong đại dịch COVID-19, đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu Nhật Bản phải cải cách và nâng cao năng lực của hệ thống y tế để ứng phó tốt hơn với các loại dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai.

Lịch sử của cuộc chiến chống lại COVID-19 có thể áp dụng cho sự bùng phát của một bệnh truyền nhiễm mới trong tương lai. Người Nhật đã nhận ra rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện tại cần phải được nâng cấp vì nó đặt quá nhiều gánh nặng lên các trung tâm y tế công cộng. Hướng tới tương lai, Nhật Bản cần thiết phải cải thiện cơ sở hạ tầng y tế, nâng cao năng lực và nhân lực y tế, tăng cường nghiên cứu và phát triển y tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe… cải cách và nâng cao năng lực của hệ thống y tế theo hướng linh hoạt và ứng phó được trong mọi tình huống.

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo

1. Sách trắng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

https://www.mhlw.go.jp/index.html

2. 厚生労働省健康局(2021), 度厚生労働省補正予算案の概要 (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (2021), Tóm tắt dự luật ngân sách bổ sung của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi)

3. 厚生労働省(2020) 新型コロナウイルス感染症対応の状況等 (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (2020) Tình trạng ứng phó với bệnh truyền nhiễm vi rút corona thể mới)

4. Vì sao hệ thống y tế của Nhật Bản gần ngưỡng sụp đổ?

https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/1524/

5. Munehito Machida, Koji Wada (2022), Phản ứng của các tổ chức y tế công đối với Covid 19 tại Nhật Bản, Glob Health Med, xuất bản trực tuyến ngày 30/4/2022.

6. Văn phòng Nội các Nhật Bản, các loại vắc-xin phòng ngừa covid-19. https://www.kantei.go.jp/jp/headline/kansensho/vaccine.html

7. Văn phòng Nội các Nhật Bản, các loại vắc-xin phòng ngừa covid-19. https://www.kantei.go.jp/jp/headline/kansensho/vaccine.html

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn